Là một thiết bị được sản xuất để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hãng bên cạnh dòng loa Criterion CTL, có thể thấy T+A M 40 HV là một chiếc monoblock ấn tượng về mọi mặt.
Những chiếc ampli của T+A Elektroakustik chưa bao giờ khiến người nghe phải thất vọng. Từ sơ đẳng như AMP 8 trong dòng Series 8 cho đến cao cấp giống như dòng HV, tất cả đều thể hiện sự chỉn chu, cẩn thận, tay nghề bậc thầy trong thiết kế cũng như sản xuất. Và tất nhiên, đi cùng với đó là chất lượng thể hiện qua những màn trình diễn thực sự ấn tượng, có lẽ đó là lý do vì sao sau 40 năm, từ một thương hiệu nhỏ, T+A nay đã trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực audio high-end, là sự lựa chọn đáng tin cậy của rất nhiều khách hàng trên toàn thế giới.
Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, T+A Elektroakustik tung ra hai sản phẩm để đánh dấu mốc quan trọng này. Đầu tiên là dòng loa Criterion CTL và tiếp theo là monoblock M 40 HV. Chiếc power-amp phiên bản kỷ niệm đặc biệt này chính là bằng chứng cho thấy sự phát triển vượt bậc và trình độ bậc thầy của T+A có thể đưa họ tới giới hạn nào.
Giới thiệu về T+A M 40 HV
Không mang một dáng vẻ quá đổ sộ, choáng ngợp, thế nhưng cặp monoblock đầu bảng của thương hiệu Đức T+A chắc chắn vẫn cực kỳ nổi bật dù ở trong bất cứ căn phòng nào. Thiết kế đặt máy dọc khiến chiếc monoblock trở nên thanh thoát hơn cho dù những cánh tản nhiệt khổng lồ ở hai bên vẫn khiến nó trông rất bề thế. Dù vậy, do được làm từ các tấm nhôm nguyên khối nên cỗ máy vẫn sở hữu một khối lượng khá lớn, lên tới 52kg mỗi chiếc. Ngay cả khi được trang bị tay cầm giúp cho việc di chuyển cỗ máy dễ dàng hơn, chắc chắn vẫn cần phải có hai người mới có thể làm được công việc này.
Ở thời điểm hiện tại, M 40 HV là mẫu monoblock duy nhất trong các dòng sản phẩm của T+A Elektroakustik. Được phát triển model M10 từ cách đây hơn 7 năm, M 40 HV đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày thương hiệu bước vào thị trường. Bên cạnh ngoại hình rất ấn tượng, việc áp dụng công nghệ High Voltage cũng góp phần đảm bảo cho khả năng đem lại những màn trình diễn của thiết bị. Vì thế, nhiều người tin rằng mức giá lên đến gần 60 nghìn đô la cho cặp monoblock này hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền, chưa chắc người mua đã tìm được một cặp như vậy cho riêng mình, bởi số lượng M 40 HV xuất hiện trên thị trường rất hạn chế. Chúng chỉ được sản xuất duy nhất trong năm 2018.
Chi tiết kỹ thuật
Có thể thấy thiết kế của T+A M 40 HV không chỉ đẹp mà còn tập trung mạnh vào khả năng thoát nhiệt. Việc xếp các cánh tản nhiệt khổng lồ như vậy đặc biệt hữu ích khi mà công suất của chiếc ampli này rất lớn. Ở chế độ High Power, công suất tối thiểu của nó là 550 watt / 8 Ohm (chế độ High Current sẽ có công suất thấp hơn, 60 watt thuần class A và 250 watt ở chế độ class A/B). Đồng thời, ở tầng khuếch đại tín hiệu đầu vào của cỗ máy còn sử dụng các bóng đèn 6SN7. Trừ các cánh tản nhiệt này ra, không còn một biện pháp thoát nhiệt nào khác, thế nhưng chừng này có lẽ là đủ vì ngay cả khi hoạt động sau một thời gian dài, cỗ máy vẫn không quá nóng.
Mặc dù là monoblock, cỗ máy vẫn được trang bị hai vùng power-amp riêng biệt. Chúng ta chỉ có thể biết được điều này khi mở chiếc monoblock ra và xem kết cấu bên trong. Tầng khuếch đại tín hiệu đầu vào được thiết kế tách rời, đặt ở đỉnh của tháp monoblock. Ngoài ra, cỗ máy cũng có hai tầng đầu vào, mỗi tầng có 5 cặp transistor bipolar được hàn trực tiếp vào các cánh tản nhiệt, bản thân các cánh này cũng có thể mở ra giống như cánh cửa vậy. Lúc này, ta sẽ nhìn thấy dãy tụ nguồn khổng lồ, được đặt ở chính giữa ampli, có khả năng cung cấp tổng điện dung 180,000µF cùng khoang kim loại đặt biến áp nguồn dưới dãy tụ này. Có tổng cộng hai biến áp, mỗi biến áp có công suất 1000 watt.
Vậy, tại sao lại có đến hai mạch khuếch đại ở bên trong cùng một cỗ máy như vậy? Trong điều kiện hoạt động bình thường, cả hai sẽ làm việc song song với nhau để cấp năng lượng cho cặp loa được phối ghép cùng monoblock M 40 HV. Thế nhưng, vẫn có những lựa chọn khác cho người sử dụng thông qua hai nút gạt nhỏ ở mặt sau của cỗ máy, ngay dưới các cổng HLINK dùng để phối ghép với các thiết bị T+A khác.
Switch bên phải có chức năng chuyển ampli về chế độ bi-amp, lúc này mỗi mạch khuếch đại sẽ cấp năng lượng cho một trong hai cặp cọc loa làm bằng đồng mạ Rhodium. Khi switch chuyển về chế độ bi-amp Off, các mạch khuếch đại sẽ chuyển sang đấu song song với nhau. Nhìn chung, chế độ bi-amp được cho là cung cấp khả năng kiểm soát tối ưu cho loa do hệ số damping của ampli rất cao, đồng thời cũng góp phần cải thiện chất lượng âm thanh rõ rệt. Switch bên trái có tác dụng chuyển chế độ High Current / High Power. Nếu như chế độ High Current tăng gấp đôi lượng dòng tĩnh, giúp ampli có thể cung cấp 60 watt thuần class A giàu nhạc tính thì chế độ High Power sẽ cung cấp điện áp hoạt động đầy đủ, với mức công suất đầu ra cao nhất.
Ngay cả tầng đầu vào cũng được thiết kế hơi bất thường. Ngoài cổng RCA và XLR 3 pin cơ bản, M 40 HV còn được trang bị thêm một cổng XLR 4 pin để kết hợp với những preamp khác hãng có chung loại cổng này. Chân thứ tư của loain cổng XLR này đóng vai trò giống như jack trigger, có thể điều khiển cả hai thiết bị cùng tắt / bật cùng lúc. Tuy nhiên, T+A vẫn khuyến khích sử dụng cổng H-Link hoặc tắt máy bằng núm xoay ở mặt trước thay vì dùng tín hiệu liên thiết bị, bởi ampli này cần một khoảng thời gian để bật máy, làm nóng bóng đầu vào và ngắt rơ-le cắt tiếng của loa.
Kết luận
T+A M 40 HV là một sản phẩm dành cho những ai tin rằng bên cạnh những chiếc stereo power-amp cao cấp thông thường, thương hiệu đến từ Đức này còn có thể làm được nhiều hơn thế. Với một lượng công suất cực kỳ lớn, chiếc monoblock có thể phối ghép được với bất cứ cặp loa khó đánh nào, thậm chí trở kháng chỉ có 2 Ohm mà vẫn đảm bảo được một chất âm cực kỳ hấp dẫn. Bởi vậy, dẫu cho giá rất cao (gần 60 nghìn đô la một cặp), đây vẫn là chiếc monoblock mà nhiều người sẵn sàng theo đuổi để có thể sở hữu, nhất là khi T+A M 40 HV còn là một sản phẩm với số lượng khá hiếm nữa.
Nguồn: Tapchihifi.com/Nguyễn Hào