Sonus Faber Homage Amati Tradition là một trong những mẫu loa cột có thiết kế ấn tượng nhất từng xuất hiện tại phòng Test Lab tạp chí Nghe Nhìn Việt Nam. Ở cấp độ của một tác phẩm nghệ thuật, đôi loa phản ánh kỹ nghệ chế tác thủ công bậc thầy của các nghệ nhân Ý thể hiện qua những đường nét tinh tế cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa gỗ, da và kim loại.
Khả năng trình diễn của Amati hoàn toàn xứng đáng với ngoại hình ấn tượng của nó, đôi loa lớn nhất dòng Homage Tradition tái tạo hài âm nhạc cụ đặc biệt chính xác. Không dừng lại ở ưu điểm mang tính truyền thống này, Amati Tradition còn mang lại cho gười nghe cảm nhận độ liền lạc, đầy đặn của toàn dải đáp tuyến cùng với sân khấu âm thanh duy trì độ tĩnh nền cực tốt
Một tác phẩm nghệ thuật đương đại
Homage Tradition là bộ sưu tập loa rất đặc biệt của Sonus Faber, được tái tạo trên nền của những mẫu loa mang tính biểu tượng của hãng loa Ý đã ra đời cách nay 25 năm như Guarneri Homage, Amati Homage. Dòng sản phẩm Tradition Homage là một bản phối cực kỳ thành công và thông minh của đội ngũ kỹ sư và đặc biệt là khả năng tư duy cũng như biệt tài tạo nên những thiết kế retro hài hòa của nhà thiết kế Livio Cucuzza.
Amati Tradition được đặt theo tên của nghệ nhân Andrea Amati, người đầu tiên thiết kế nên các mẫu đàn violin, viola và cello. Vào giữa thế kỉ 16, mặc dù xuất hiện đâu đó những mẫu đàn tương tự nhưng chính Amati là người đã chuẩn hóa các số đo và thiết kế của những nhạc cụ họ vĩ cầm được sử dụng cho đến tận ngày hôm nay. Homage Amati Tradition có hai phiên bản màu đỏ truyền thống của Sonus Faber và tông màu mới là Wengé. Đôi loa chúng tôi trải nghiệm có màu Wengé, đây cũng phiên bản hoàn thiện được anh em biên tập yêu thích hơn. Màu Wengé có tông nâu trầm như thân của gỗ Muồng Đen, được xử lý bóng piano với độ hoàn thiện cực cao kết hợp với những đường kẻ mịn mang lại hình ảnh nội thất của những chiếc du thuyền hạng sang.
Công nghệ và kỹ thuật từ những mẫu loa đầu bảng
Sonus Faber Homage Amati Tradition sở hữu thiết kế thùng loa thừa hưởng công nghệ chế tạo trực tiếp từ hai mẫu loa đầu bảng là Aida và Lilium. So với thiết kế thùng loa truyền thống trước đây, vách thùng bên của Amati được uốn cong 2 lần, tức có độ cong gắt hơn ở phần đuôi loa, kỹ thuật này giúp hạn chế sóng đứng, đồng thời giữ được thân loa hẹp, tối ưu vấn đề nhiễu xạ. Thùng loa của Amati có độ dày 30,5mm kết cấu từ gỗ ghép plywood, được CNC để đạt số đo chính xác. Lớp veneer màu Wengé ngoài cùng có độ hoàn thiện như gương, bề mặt thùng loa Amati được xử lý bề mặt bằng tay sau đó phủ đến 11 lớp sơn bóng khác nhau. Mặt trước của loa có cấu tạo từ gỗ HDF dày 28mm, bọc da tổng hợp và tạo điểm nhấn bằng cách chạy đường viền lõm tạo xung quanh cụm driver mid và tweeter, đây cũng là điểm khác biệt về ngoại hình giữa Amati và mẫu loa nhỏ hơn Serafino.
Ngoài ra, thùng loa Amati Tradition còn được trang bị công nghệ chống rung TMD sử dụng tạ kim loại dằn bên trong. Cấu trúc thùng loa Amati có tất cả 5 khoang cách ly độc lập trong đó 3 khoang chứa driver có thiết kế hở, thoát hơi ra ngoài qua các khe hẹp dọc, theo kỹ thuật Stealth Ultraflex quen thuộc của Sonus Faber. Hai khoang còn lại là khoang kín nằm gần đỉnh và đáy loa (chứa bộ phân tần). Ngay tại khoang kín ở đỉnh loa của Amati, nhà sản xuất bố trí 2 khoanh tạ kim loại có đường kính khác nhau. Công nghệ chống rung TMD này lần đầu tiên được sử dụng ở thiết kế siêu loa đầu bảng Aida, có vai trò tăng độ ổn định cấu trúc và hút rung chấn, sau đó chuyển hóa thành nhiệt.
Amati Tradition gần như miễn nhiễm với các ngoại chấn đặc biệt là các rung động từ sàn nhờ trang bị hệ thống chân loa công nghệ Z.V.T độc quyền của Sonus Faber. Hệ thống chân loa này được cấu tạo gồm bộ khung nhôm cố định với đáy loa, riêng chân kim côn có cấu tạo kết hợp các lớp hấp thụ rung chấn theo cấu trúc sandwich kim loại/đệm đàn hồi/kim loại.
Với phần tần 3,5 đường tiếng, Sonus Faber Homage Amati Tradition sở hữu 4 driver gồm tweeter H28 XTR04, mid M15 XTR-04 và 2 woofer W22XTR-08, tất cả đều là những thiết kế riêng và độc quyền của Sonus Faber. Tweeter H28 XTR-04 có màng dome lụa đường kính 28mm, mặt loa được trang bị thêm một chi tiết kim loại có hình dáng như cung tên, chi tiết kỹ thuật này giúp mở rộng và hạn chế các sai biệt về pha ở dải tần siêu cao. Ngoài ra, mặt sau của loa cũng được bố trí thêm một ma trận gỗ giúp tiêu tán hiệu quả năng lượng từ mặt sau của màng loa. Được bố trí trong cùng một cụm mặt loa phụ với tweeter là driver mid M15 XTR-04 có màng giấy cellulose đường kính 150mm. Hai loa woofer đường kính 220mm có cấu tạo màng phức tạp hơn sử dụng kết cấu sandwich có lõi làm từ foam siêu nhẹ, phủ cellulose ở cả 2 mặt, giúp giảm trọng lượng màng trong khi vẫn có độ ổn định bề mặt rất cao.
Trải nghiệm chất lượng trình diễn
Chúng tôi chọn phối ghép Sonus Faber Homage Amati Tradition cùng hệ thống khuếch đại đèn Audio Research pre REF 6 và poweramp mono REF 250 SE. Poweramp Audio Research REF 250 SE sử dụng 6 bóng công suất KT150 cho năng lượng đầu ra lên đến 250W/kênh. Phần nguồn phát sử dụng đầu đọc Esoteric K-01X. Amati Tradition kết hợp với hệ thống khuếch đại đèn Audio Research trình diễn ấn tượng ở khả năng tái tạo nhạc cụ và vocal với hài âm rất “Sonus Faber” có độ dầy, ngọt, thoát… Tuy nhiên, nếu so với thế hệ loa Homage trước đây, chúng tôi dễ dàng nhận thấy ưu điểm về độ chi tiết, trung âm không bị làm màu theo kiểu nịnh tai mà được định âm theo hướng trung thực, có độ động tốt hơn nên khi trình diễn, người nghe sẽ có cảm nhận độ cân bằng hài âm và độ tách nhạc cụ/vocal tốt hơn hẳn. Bản thu Rock Away Baby trong album This Is Our Time do nữ danh ca Chantal Chamberland thể hiện được đôi Amati Tradition tái tạo đậm đà với phần vocal đủ mượt, đầm nhưng vẫn đảm bảo tái tạo một cách đầy đủ những chi tiết nhỏ nhất trong cách “feel” của ca sĩ trong khi phần đệm guitar, trống, saxophone có được độ tách rất rõ tạo nên một không gian sân khấu có độ mở rất tốt, mặc dù đây không phải là một bản thu có âm hình rộng.
Sân khấu là một thế mạnh vượt trội của Amati Tradition nếu so với những đối thủ cùng tầm giá. Với một kết cấu thùng loa được đầu tư tối ưu rung chấn, tối ưu cộng hưởng, Amati có khả năng thể hiện được những không gian âm thanh có chiều sâu và nhất là khoảng mở cao rất ấn tượng. Nghe lại album Hope quen thuộc của nghệ sĩ trumpet người Nam Phi nổi tiếng Hugh Masekele, ông vừa qua đời vào cuối tháng 1 vừa qua do ung thư. Bản Languta, trích trong album Hope, được hệ thống tái hiện âm hình với không gian mở cao, kèn trumpet được dựng lại ở vị trí cao hơn mặt loa tweeter và ngay bên trên đó chúng tôi dễ dàng cảm nhận được tiếng của bộ gõ. Chỉ thiếu một chút ở hiệu ứng tách lớp thì khả năng tái tạo âm hình của Amati đã có thể sánh ngang với nhóm loa ultra hi-end.
Dải cao của Amati cũng được chúng tôi đánh giá nằm ở mức cân bằng giữa các driver màng dome lụa và màng kim cương/ beryllium, đáp ứng hầu hết các đòi hỏi về chi tiết micro. Homage Amati Tradition tái tạo âm bass có độ nổi, tròn, nhiễu nền rất thấp. Tuy nhiên nếu so với Wilson Audio Alexia Series 2 vẫn còn thiếu một chút uy lực nhưng Amati lại chiếm ưu thế hơn về tốc độ khi thể hiện những bản giao hưởng lớn. Trải nghiệm Amati càng lâu, chúng tôi càng nhận thấy điểm giá trị nhất của đôi loa này chính là độ tĩnh của nền âm. Hầu hết người nghe khi làm quen với Amati đều bị hút bởi khẳ năng tái tạo trung âm, âm hình rộng hay một dải cao rất cân bằng nhưng để có được những yếu tố trên là nhờ sở hữu nền âm vững, nhiễu âm cực thấp. Những bản thu càng nhiều nhạc cụ, càng phức tạp chính là thuốc thử rõ nhất cho việc kiểm soát nền âm đáng nể của Amati Tradtion Homage.
Nguồn: Nghe Nhìn Việt Nam/ Bách Cương