Bài 2: “Bạn nhảy” hoàn hảo C-5000 và M-5000
Bộ khuếch đại Yamaha C-5000 và M-5000 không chỉ phù hợp với đôi loa NS-5000 về phong cách cổ điển mà thực sự là một bộ phối hoàn hảo cả về công suất, khả năng kiểm soát lẫn màu âm. Bộ pre/ power đầu bảng C-5000 và M-5000 được đầu tư dàn linh kiện chất lượng ultra hi-end với công nghệ mạch floating chủ đạo, cho phép hạn chế nhiễu hài và âm nền đến mức tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo được độ thoát, tính linh hoạt và nhất là tốc độ trình diễn.
Preamp flagship của Yamaha được thiết kế với tông màu bạc trắng, nút bấm dạng khối chữ nhật và nhất là những cần gạt gợi nhớ những mẫu ampli xưa. Những nút xoay volume, nút điều khiển và cần gạt đều được chế tạo ở mức độ chính xác rất cao, tinh xảo kết hợp với hai má gỗ được sơn mài nhiều lớp. Yamaha C-5000 có 10 cổng kết nối input (6 RCA, 4 XLR) và 3 cổng output gồm 2 RCA và 1 XLR. Preamp trang bị 2 kết nối Phono MC với đường RCA + Ground và Balance. Mạch phono này hỗ trợ cả kim MM và MC với 4 mức trở kháng từ 10 đến 300 ohm.
Ngoài việc sử dụng công nghệ mạch khuếch đại thuần Class A, preamp Yamaha C-5000 đặc biệt được trang bị cấu trúc mạch “floating” mass nổi độc quyền, giúp cách ly mạch điện với các nhiễu ảnh hưởng từ các nguồn nối đất. Mạch floating mass này được ứng dụng cho cả 3 tầng EQ Phono, tầng vào và khuếch đại cho phép C-5000 giảm nhiễu nền và khai thác những chi tiết nhỏ nhất từ mọi nguồn âm kết nối.
Yamaha C-5000 xếp linh kiện đối xứng hoàn toàn với nhau theo cấu trúc mạch cân bằng từ đầu vào cho đến đầu ra nhưng đặc biệt hơn, hãng sử dụng hai vỉ mạch giống nhau 100% theo kiểu đối xứng qua gương. Thiết kế mạch đối xứng gương cho phép tối ưu về độ nhiễu và độ tách bạch giữa hai kênh. Về phần nguồn, Yamaha preamp C-5000 có mạch nguồn đôi độc lập cho hai kênh, mỗi kênh được cung cấp một biến áp nguồn xuyến bọc đồng rất kỹ giúp chống nhiễu từ trường lên các bo mạch bên trong và chống rung gần như tuyệt đối. Hai biến áp xuyến độc lập cung cấp nguồn tối ưu cho mỗi kênh nhờ đó tạo một trường âm stereo chuẩn theo bản gốc. Ngoài ra, bộ đôi biến thế xuyến này sẽ giữ cho nhiễu nền và hài ở mức thấp đáng kể, từ đó làm bật lên được vị trí nhạc cụ cũng như các lớp không gian trình diễn.
Tương tự như C-5000, Yamaha M-5000 cũng sở hữu có cấu trúc mạch cân bằng hoàn toàn với triết lý floating mass có đầu ra của nguồn được kết nối trực tiếp với bo khuếch đại thay vì nối với mass bằng cực âm như thông thường. Mạch floating vừa hạn chế được những biến đổi về mặt điện thế và nhiễu nền được đưa về mức thấp ấn tượng. Hai bo công suất của M-5000 dùng sò Mosfet đạt 100W/kênh được cung cấp năng lượng từ một bộ nguồn khủng. Bo nguồn của M-5000 chiếm gần hết thể tích khoang máy với biến thế nguồn xuyến ngoại cỡ kết hợp với hệ thống 4 tụ lọc lớn lên đến 132.000uF, cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho bo công suất.
Poweramp M-5000 sở hữu khung chassis nhôm dày, trang bị thêm hai lớp khung đế bằng đồng dày 3mm, trên đó những bộ phận chính như biến thế nguồn, hệ thống tụ lọc và cánh tản nhiệt lớn được bố trí “khoá” trực tiếp, tạo nên một chassis vững và có khả năng triệt rung chấn dù rất nhỏ. Về thiết kế, Yamaha M-5000 gây ấn tượng với mặt kính lớn cùng bộ đồng hồ kim VU đo mức công suất ở trước mặt máy. Tấm kính Asahi cao cấp, dày đến 7mm cho cảm giác có độ sâu đặc biệt, chi tiết của hai đồng hồ UV nổi rất rõ
Sự kết hợp giữa Yamaha NS-5000 và bộ khuếch đại C-5000 & M-5000 không chỉ tái tạo tốt về mặt chi tiết micro đặc biệt ở dải trung và cao, mà còn gây ấn tượng ở tính đồng nhất, tuyến tính hiếm thấy trong toàn bộ dải tần. Sân khấu sẽ là yếu tố khiến bạn phải hết sức ngạc nhiên khi trải nghiêm trực tiếp bộ dàn hai kênh đầu bảng của Yamaha. Sự thành công trong việc phát triển vật liệu mới là màng Zylon và kỹ thuật ống tiêu âm công hưởng R.S cùng nguồn năng lượng sạch nhiễu cấp bởi pre/ poweramp flagship tạo nên một hệ thống âm thanh có dấu ấn rất riêng đó là sự linh hoạt trong khả năng xử lý ở những thể loại nhạc dù khác nhau nhưng vẫn tạo cho người nghe một trải nghiệm rất đủ đầy về không gian, chi tiết micro cao nhưng dịu, mượt và tốc độ đáp ứng ở mức ultra hi-end dù bạn chỉ nghe ở mức volume thấp.
Nguồn: Nghe Nhìn Việt Nam/ Đinh Phúc