Với việc thêm nhiều tính năng mới cho thiết kế, có thể thấy SA20 không đơn giản chỉ là phiên bản nâng cấp của SA10 mà trên thực tế, đây là một sản phẩm khác hoàn toàn.

Sự xuất hiện của dòng sản phẩm HDA từ phía Arcam là một điều rất cần thiết. Arcam vốn nổi tiếng là một hãng âm thanh ít khi thay đổi các sản phẩm của họ. Kể từ khi dòng sản phẩm home audio cao cấp FMJ ra mắt đến nay đã là hơn 20 năm, và ngay cả dòng Alpha, vốn là dòng sản phẩm mà FMJ thay thế, cũng có tuổi thọ rất dài. Do đó, nếu như Arcam có nhu cầu cho ra mắt một dòng sản phẩm mới, đó là lẽ đương nhiên.

Nhu cầu ấy ngày càng trở nên cấp bách hơn khi mảng audio hi-end truyền thống ấy đang dần thu hẹp lại, chia sẻ thị phần cho các mảng audio digital đang ngày càng lên ngôi nhờ sự tiện lợi cũng như khả năng cải tiến ngày một cao cấp hơn. Dòng HDA (High Definition Audio) ra đời chính trong hoàn cảnh như vậy. Đây chính là công cụ để họ khẳng định rằng Arcam là một thương hiệu có thể nắm bắt xu thế của thị trường, chưa bao giờ tụt hậu, hay ít nhất là lỗi thời so với đối thủ của mình.

Giới thiệu về Arcam SA20

Ampli Arcam SA20

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của dòng HDA khi Arcam bắt đầu xây dựng dòng sản phẩm này là mang tính năng và hiệu quả sử dụng cao cùng mức giá bình dân để từ đó dễ tiếp cận với đa số người dùng hiện nay. Do đó chúng phải có khả năng dễ dàng tương thích, trở thành một phần của hệ thống giải trí trong nhà và nếu có thể, sẽ trở thành một thiết bị trung tâm, cung cấp khả năng điều khiển toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh. Điều này được áp dụng không chỉ với thiết bị network player mà thể hiện rõ qua cả với các ampli nằm trong dòng sản phẩm này.

Ampli Arcam SA20 là chiếc ampli cao cấp nhất của dòng HDA, bên cạnh mẫu ampli SA10 và thiết bị digital player CDS50. Về mặt kỹ thuật, có thể thấy những đặc điểm xuất hiện trên SA20 cùng “người anh em” SA10 khá giống nhau. Khác biệt lớn nhất chỉ nằm ở chỗ SA20 sử dụng cấu trục mạch khuếch đại class G do chính Arcam thiết kế thay cho cấu trúc mạch class A/B ở SA10. Ngoài ra không còn điểm gì khác nhau nữa. Cũng giống như SA10, SA20 sở hữu thiết kế đẹp, mang tính tối giản thể hiện rất rõ thông qua lớp vỏ khung kim loại được chế tác tốt cùng sự dễ dàng trong việc điều khiển thiết bị, mặt trước chỉ có núm xoay âm lượng, công tắc tổng cùng các nút chọn nguồn đầu vào và màn hình LED khá lớn, SA20 mang kích thước 433 x 87x 323mm cùng tổng khối lượng 11.1kg. Như vậy có thể thấy ngay từ ngoại hình, chiếc ampli này cùng với SA10 đã rất giống nhau rồi.

Ampli Arcam SA20 dep

Chi tiết kỹ thuật

Với một mức chi phí khá hợp lý, người dùng có thể lựa về cho mình SA20, chiếc ampli đẹp mắt với công suất liên tục lên đến 90 watt / kênh ở trở kháng 8 Ohm. Điểm thú vị nằm ở chỗ ampli không sử dụng mạch khuếch đại class D – vốn rất phổ biến trong tầm giá của SA20 hay class A/B, mà thực tế SA20 sử dụng mạch class G do chính Arcam sản xuất. Đây cũng chính là chiếc ampli có giá thành thấp nhất được áp dụng mạch khuếch đại này.

Class G là một trường hợp khá thú vị, trên thực tế đây giống như một phiên bản nâng cấp của class A/B hơn là một phân lớp riêng. Trước hết, cần biết rằng có một loại méo tín hiệu được gọi là méo giao điểm thường xuất hiện ở mạch push-pull, méo này thường xuất hiện khi chia tín hiệu dưới dạng sóng hình sine thành hai bán kỳ với mỗi bán kỳ là 180 độ. Đã có nhiều nỗ lực khác nhau để hạn chế vấn đề này suốt hơn ba mươi năm qua, một trong những cách đáng chú ý nhất là sử dụng mạch class A cho cả hai tầng đầu ra.

Nếu nhìn vào bên trong chiếc SA20, có thể thấy lượng linh kiện bên trong cỗ máy này đã tăng lên gấp đôi. Thiết bị có hai mạch nguồn riêng và rất nhiều chi tiết của tầng đầu ra cũng được đặt thành cặp. Trong một giới hạn công suất đầu ra nhất định, Arcam hoạt động ở chế độ class A giống như một chiếc ampli class A/B thực thụ.

Ampli Arcam SA20 tot

Khi vượt qua mức công suất này, mạch nguồn thứ hai sẽ đi vào hoạt động để cung cấp nguồn năng lượng lớn hơn cho loa. Phương thức này có phần hơi khác một chút so với mạch class XD được sử dụng ở nhiều sản phẩm thế hệ trước của Arcam. Các thiết bị thuộc class XD sẽ có một mạch nguồn duy nhất và sử dụng thêm mạch dịch chuyển để đẩy méo giao điểm ra khỏi ngưỡng nghe được.

Mạch khuếch đại class G này sẽ hoạt động với cả 4 đường đầu vào line-level RCA cũng như đường tìn hiệu phono dành cho kim MM – một thứ mà suốt mấy chục năm nay Arcam chưa từng bỏ nhưng vẫn tỏ ra hữu ích ở thời điểm 2019 này. Ở mặt trước thiết bị có jack headphone cùng cổng mini RCA. Điểm mới hơn so với các ampli FMJ là các ampli HDA, bao gồm cả SA20 là việc có thêm cổng đầu vào digital, trong đó có 2 coaxial và 1 cổng optical. Tín hiệu vào từ các cổng này sẽ được chuyển đổi thông qua chip DAC ESS Sabre 9038K2M. Nhà sản xuất cũng khá tinh ý khi áp dụng 7 thiết lập bộ lọc khác nhau để đem đến chất âm khác nhau, phù hợp với nhiều màn trình diễn cũng như nhiều thể loại nhạc.

Dù vậy, có những điểm mà SA20 vẫn còn thiếu so với đối thủ. Trong thời điểm kết nối Bluetooth và Wifi đang ngày càng phổ biến và chất lượng kết nối không dây ngày càng được cải thiện, SA20 vẫn nói “không” với loại hình kết nối này. Kết nối mạng duy nhất mà thiết bị này sử dụng là Ethernet, và Ethernet cũng chỉ để đặt thiết lập IP khi xây dựng hệ thống đa phòng chứ không có tác dụng streaming online.

Ampli Arcam SA20 chat

Gạt bỏ đi những nhược điểm này, SA20 thực sự rất ấn tượng nhờ vào chất âm rất ấn tượng, tránh mạnh bạo không cần thiết những cũng không để bị gò bó khuôn khổ mà ngược lại, cực kỳ cân bằng, cực kỳ dễ nghe. Chính điều này đã làm nên một chiếc SA20 đúng chất của Arcam chứ không phải của Harman Kardon hay Samsung.

Nếu bỏ qua thiếu hụt và tính năng và quan tâm hơn đến thiết kế cũng như chất âm, SA20 thực sự là một chiếc ampli đáng để sở hữu. Mỏng, nhẹ, đẹp là ấn tượng mà chiếc ampli này mang lại, và quan trọng hơn, SA20 sở hữu một chất âm rất cao cấp, giúp cho cỗ máy này đủ sức đứng trong những phối ghép có giá trị rất lớn, cao hơn chính bản thân chiếc ampli này nhiều lần.

Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào