Tuy tuổi đời không quá lớn, AudioSolutions vẫn là một thương hiệu hi-end đầy tự hào của một đất nước không phải là cường quốc trên bản đồ hi-end thế giới – Lithuania.
Chúng ta đã biết đến kiến trúc Pháp, thời trang Ý, xe hơi Đức, đồng hồ Thụy Sĩ và đồ hi-end đến từ các quốc gia trên cũng xứng tầm với những gì đã nổi tiếng thế giới. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ dần quen thuộc với hi-end Châu Âu như những gì chúng ta đã biết về cựu lục địa. Hàng Hi-end của Pháp, Đức hay Ý với những người nhiều kinh nghiệm thì nhìn qua thiết kế là có thể biết được xuất xứ. Mỗi quốc gia mỗi tính cách, mỗi thương hiệu mỗi cá tính…nên tên hiệu của mỗi nơi vẫn có những đặc trưng riêng để chúng ta nhận dạng.
Litva vốn không phải là một cường quốc hi-end được nhiều người nhắc đến. Vậy nhưng, khi thành lập AudioSolutions vào năm 2011, Gediminas Gaidelis, một kỹ sư điện tử, đã có không ít thành tựu trong tay và ôm tham vọng khá lớn, đó là mang thương hiệu của mình ra toàn thế giới và cạnh tranh với các thương hiệu khác đến từ các cường quốc hi-end như Anh, Đức, Mỹ, Pháp… Và chắc chắn, tham vọng của anh không phải là cuồng vọng, bởi lẽ Gediminas có đủ khả năng để làm được điều này.

thuong hieu AudioSolutions

Lịch sử của AudioSolutions

Lịch sử của AudioSolutions chính thức được bắt đầu từ năm 2011, khi Gediminas Gaidelis quyết định thành lập hãng tại một căn xưởng nhỏ ở Vilnius, Lithuania. Thế nhưng, đằng sau đó là một câu chuyện khá dài trước khi AudioSolutions trở nên giống như ngày nay.
Giống như ông chủ của các hãng thiết bị hi-end khác, Gediminas Gaidelis cũng là một audiophile, tiếp xúc và làm quen với các thiết bị âm thanh từ khá sớm. Trước năm 17 tuổi, sở thích của anh là loa, thế nhưng chưa bao giờ Gediminas nghĩ đến việc biến sở thích trở thành nghề nghiệp chính của mình. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi một người bạn của Gediminas nhờ anh làm giúp một cặp loa với giá 10 euro. Và từ đây, Gediminas Gaidelis bắt đầu sự nghiệp làm loa DIY của mình. Căn hầm rộng 12m2 của cha mẹ anh là xưởng sản xuất của Gediminas trong khoảng thời gian này.
Một thời gian sau, Gediminas chuyển nơi làm việc về một chiếc garage rộng 25m2. Đây chính là nơi anh cho ra đời hơn 300 cặp loa khác trong quãng thời gian 8 năm, từ 2003 cho đến 2011. Đây chính là nơi Gediminas học lại toàn bộ kiến thức về chế tác gỗ, thiết kế thùng loa, chế tạo phân tần những điều cần thiết khác để tạo ra một cặp loa tốt. Quãng thời gian này cũng là lúc Gediminas bắt đầu có tiếng ở trong nước và được nhiều người công nhận rằng sản phẩm của anh chất lượng hơn hẳn những cặp loa ở một cửa hàng hifi thông thường. Thế nhưng, chỉ sau khi bị một chủ cửa hàng ngầm từ chối không nhận phân phối sản phẩm do loa anh tự đóng cạnh tranh quá mạnh với thiết bị của họ. Đến lúc này, Gediminas nhận ra rằng mình cần xây dựng thương hiệu thật sự, và đó chính là tiền đề để công ty của anh ra đời về sau.

thuong hieu AudioSolutions dep

Tại triển lãm AudioGourmet 2011 diễn ra vào tháng Mười năm đó, nhiều người đã khá bất ngờ khi phát hiện ra những cặp loa với hình dáng phi truyền thống đến từ một công ty có cái tên lạ hoắc – AudioSolutions. Đó chính là lần xuất hiện đầu tiên của Gediminas trước công chúng với tư cách là CEO của một công ty, và cũng là dịp để AudioSolutions cho ra mắt hai dòng loa đầu tiên của mình – Euphony và Rhapsody. Và không ai biết rằng Gediminas chỉ có đúng 9 tháng để hoàn thiện các sản phẩm của mình trước khi đưa ra công chúng.
Sau 7 năm, loạt sản phẩm của AudioSolutions đã có nhiều thay đổi. Dòng Euphony không còn nữa mà được thay thế bằng dòng Overture, dòng Rhapsody cũng chuẩn bị được thay thế hoàn toàn vào cuối năm 2018 bằng dòng sản phẩm Figaro, dù rằng khi Figaro ra mắt vào đầu năm 2018, hãng vẫn cố gắng hỗ trợ cho dòng sản phẩm hi-end hơn 6 năm tuổi của mình. Ngoài ra, các sản phẩm như dòng Vantage, Vantage 5th Anniversary hay mẫu loa bookshelf Guimbarde cũng đều để lại ấn tượng rất tốt cho người dùng.

Triết lý thiết kế và lý do vì sao AudioSolutions thành công

Triết lý thiết kế của AudioSolutions được gói trọn trong phương châm của nhà sản xuất: “Điểm hội tụ của Nghệ thuật & và Khoa học Chế tác loa”. Theo phương châm này, có thể hiểu rằng loa tuy là một sản phẩm khoa học công nghệ nhưng phải đáp ứng được cả hai yếu tố: chất âm và tạo hình. Gediminas Gaidelis đã họa thành công bức tranh nghệ thuật AudioSolutions với các chất liệu của toán học, vật lý và mỹ học.

thuong hieu AudioSolutions tot

Khi chưa thành lập AudioSolutions, những cặp loa của Gediminas khá bình thường, trông giống như hàng triệu cặp loa khác trên thị trường, nghĩa là chỉ giống như một chiếc hộp vuông đơn giản. Bởi vậy, điều đầu tiên mà anh tập trung vào sau khi đã thành lập công ty là thiết kế lại thùng loa cho những sản phẩm của mình, sao cho vừa cải thiện chất âm, vừa sở hữu nét đẹp thẩm mĩ độc đáo. Kết quả là giờ đây, loa của AudioSolutions đều có hình dạng thu hẹp dần ở đằng sau trong khi mặt trước vẫn mở rộng, đồng thời thùng loa được làm theo kết cấu sandwich với nhiều lớp gỗ mang độ dày khác nhau, vừa tạo hiệu quả thẩm mỹ, vừa chống rung chấn hiệu quả cho sản phẩm
Là kỹ sư điện tử, Gediminas tin rằng bộ phân tần trong loa đóng vai trò quan trọng không thể bỏ qua được. Quan điểm của anh cho rằng bộ phân tần càng đơn giản và ít linh kiện càng nhưng vẫn phải đạt được âm thanh thật trong trẻo và chi tiết. Do đó, linh kiện cho phân tần phải là những loại cao cấp nhất và được thiết kế đặc biệt để đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, bộ phân tần của các dòng loa AudioSolutions vẫn do chính tay Gediminas Gaidelis đảm nhận thiết kế.
Ngay chính những củ loa của các sản phẩm do AudioSolutions sản xuất cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, hoặc từ hãng Seas, hoặc từ ScanSpeak, nếu không cũng là của SB Acoustics. Đây đều là những hãng chuyên sản xuất củ loa có tiếng, không chỉ được các audiophile chuyên về DIY mà ngay cả những hãng sản xuất loa danh tiếng trên thế giới đều tin dùng.

thuong hieu AudioSolutions chat

Có thể thấy, chỉ sau 8 năm, AudioSolutions đã trở thành một tên tuổi khá lớn mạnh ở Lithuania, không chỉ nhờ bàn tay tài hoa của Gediminas mà còn nhờ triết lý thiết kế đúng đắn, phù hợp với yêu cầu  xu thế hiện tại. Đây chính là bước đi đầu tiên mà Lithuania cần để dần dần trở thành một quốc gia mạnh về hi-end, giống như các quốc gia có nền công nghiệp hi-end lâu đời ở châu Âu.

 

tapchihifi.com/Nguyễn Hào