HFVN – Là kỹ sư điện tử tốt nghiệp tại Nga và khá mê đồ âm thanh tự chế, tôi ao ước làm cho riêng mình bộ ampli sử dụng 100% đèn “made in Russia”. Khu chợ điện tử của thành phố Rostov ở miền Nam nước Nga là nhơi tôi thường xuyên lui tới. Tại đây, tôi không chỉ kiếm những chiếc “tube” tốt nhất của Nga mà còn tìm hiểu những người đã gắn cả cuộc đời với đèn điện tử.
Khi sang Nga, tôi ấp ủ dự định về ampli đèn điện tử. Nhưng công việc học tập bận rộn, đã choán gần hết quỹ thời gian, khiến tôi không thể nghĩ về nó nên đành tạm gác ước mơ sang một bên. Sau khi hoàn thành khóa học, trong thời gian thờ lấy bằn và giải quyết thủ tục tốt nghiệp, tôi khá rảnh rỗi và quyết định đi sắm bóng đèn, linh kiện quan trọng nhất của bộ ampli.
Đã từ lâu, đèn điện tử của Nga được dân chơi âm thanh tự chế tại Việt Nam tín nhiệm và ưa chuộng. Thực tế là trước đây có nhiều thế hệ kỹ sư Việt Nam từng học tập tại Liên Xô (cũ). Hơn thế, phần lớn trang bị kỹ thuật ngành điện từ (dựa trên cơ sở đèn điện tử) Việt Nam do Liên Xô (cũ) cung cấp. Vì thế, đèn điện tử của Nga trở thành linh kiện rất quen thuộc. Ngoài ra, đèn Nga còn có những ưu điểm khác như chất lượng khá tốt, ổn định cao, khỏe, “nồi đồng cố đá” trong khi giá lại rất rẻ so với các loại đèn của Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh và Cộng Hòa Séc. Những người mới và ít kinh nghiệm như tôi hích chơi đèn Nga hơn, trước khi có đủ khả năng nâng cấp lên những cặp bóng hàng trăm USD của Tây Âu.
Để thực hiện dự án tự chế tạo ampli đèn, việc lựa chọn linh kiện quả không đơn giản. Trước tiên, tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn bè và những tay DIY giàu kinh nghiệm trên các diễn đàn audio trong nước. Sau gần một tháng tìm hiểu và tham khảo, tôi đã chọn được thiết kế ampli moboblock với sơ đồ mạch dùng bóng công suất “khủng” của Nga. Danh mục trang thiết bị gồm 6 bóng GM70 cho tầng công suất (chạy hai bóng, còn 4 bóng dự phòng), bóng 6C45P-E cho tầng drive và nhiều bóng khác như: 6C33C, GU-50… để chủ động sử dụng khi cần.
Rostov nơi tôi học là thành phố lớn nằm bên bờ sông Đông, con sông đã đi vào cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Sông Đông Êm Đềm của nhà văn Sôlôkhôp. Cách thủ đô Matxcơva 1.000 km, Rostov dường như là trung tâm của miền Nam nước Nga. Thành phố này tương đối an toàn và yên bình. Người nước ngoài như chúng tôi có thể đi lại thoải mái mà không gặp những vấn đề xã hội phức tạp như trên thủ đô. Vì thế, tôi cũng có nhiều cơ hội tìm hiểu cuộc sống của người Nga ngày nay hơn. Tôi thường dành những ngày nghỉ cuối tuần đến các phiên chợ đặc biệt như: chợ đồ cũ, chợ đồ chổ, chợ xe, chợ lưu niệm… để xem và mua đồ cũng như tích lũy thêm những trải nghiệm và khám phá thú vị.
Khi tuyết tan và thời tiết ấm dần vào đầu tháng 4 cũng là thời điểm hoạt động của những chợ kiểu này trở nên sôi động. Chợ chỉ họp vào sáng thứ bảy và chủ nhật mà thôi và thường nghỉ vào đầu giờ chiều. Dậy sớm hơn mọi ngày, bắt chuyến xe bus hết 15 rup và cuốc bộ thêm khoảng 10 phút nữa, tôi đã có mặt tại chợ điện tử lớn nhất thành phố Rostov. Chợ được quy hoạch tạm trên một quả đồi rộng. Nhiều dãy cửa hàng và kiôt nhỏ bằng tôn với những chiếc bàn sơ sài được dựng lên làm nơi kinh doanh cho người bán hàng cố định theo các ngành hàng dụng cụ điện, linh kiện điện tử, điện thoại di động, máy tính, đồ âm thanh, phụ tùng xe hơi… Những người kinh doanh không cố định có thể tận dụng bất cứ mặt bằng nào để bày bán, thậm chí cầm ngay trên tay. Về hình thức, chợ này khá giống với chợ “trời” phố Huế, nhưng được tổ chức gọn gàng và trật tự hơn.
Tôi quan tâm đến dãy bán đèn điện tử được tách biệt thành khu vực rieng với gần 20 người kinh doanh thường xuyên. Họ sống bằng nghề bán đèn và thường không ngồi trong những kiôt cố định mà thích đậu xe dọc theo con phố dốc. Lâu dần, nơi này trở thành “chợ”. Họ chở hàng bên trong xe Lada, Volga cà tàng từ những năm 1980. Đèn và linh kiện được xếp trong thùng các-tông nhỏ đề làm mẫu, đôi khi được xếp trên bệ cửa sổ của ngôi nhà bên đường, trên capô, thậm chí trên mặt đất.
Khác với không khí mua bán ồn ào, náo nhiệt của những khu vực kế bên, khu bán đèn điện tử khá yên ắng, ít lời mời chào mua hàng. Người bán thì “túm năm, tụm ba” hút thuốc và tán chuyện với nhau bên cốc trà, cà phê. Người mua thỏa sức xem hàng, khi nào ưng thì hỏi và trả giá.
Tiếp cận với Alexei – người bán hàng có nhiều đèn nhất – ngoại giao một chút và để ý kỹ hơn, tôi nhận thấy người bán là những tay buôn đèn chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm. Họ có nguồn đèn khá phong phú về số lượng và chủng loại. Mới 25 tuổi, nhưng Alexei có gần 10 năm kinh doanh đèn điện tử, là đầu mối uy tín tại chợ này và các vùng lân cận. Alexei cho biết anh chủ yếu mang hàng giao buôn cho khách đặt trước. Khách lẻ như tôi cũng có, nhưng không đáng kể. Khách quen thường đặt hàng qua điện thoại. Đến sáng thứ bảy hoặc chủ nhật, Alexei mang đèn đến, kiểm tra và thanh toán chóng vánh.
Anh chàng nhỏ thó với khuôn mặt từng trải này là người khá cởi mở và dễ nói chuyện, nhất là với một người nước ngoài như tôi. Alexei cho biết anh thường giao những lô hàng trăm bóng, chủ yếu là đèn của Nga và Liên Xô trước đây. Đèn Nhật Bản, Hàng Quốc, Trung Quốc và Âu Mỹ cũng được anh thu mua và giao dịch, nhưng không nhiều.
Khi được hỏi về nguồn hàng, Alexei bật mí: “Tôi mua từ các nhà máy điện tử, các kho kỹ thuật, thậm chí cả kho của quân đội bán thanh lý trong thời kỳ Liên Xô tan rã”. Hiện nay, các nguồn hàng dần cạn kiệt. Vì thế, Alexei phải gom hàng tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ). Anh còn cho biết nhiều khi thu mua cả kho hàng mới kiếm được những loại đèn chuyên dụng, đèn sóng chạy dùng cho quân sự to bằng cây máy tính. Nếu kếm được khách, thì có thể bán được cả nghìn USD. Nhưng đây là mặt hàng nhạy cảm, dễ bị để ý, thậm chí bị bắt nên rất hạn chế giao dịch.
Những người kinh doanh lớn và có nguồn cung cấp dồi dào như Alexei luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ hậu mãi. Các bóng đèn do anh cung cấp hầu như mới nguyên 100%, dù đã được sản xuất khoảng 10-30 năm trước. Tất cả đều được bọc cẩn thận trong hộp giấy đúng quy cách, kèm theo thuyết minh kỹ thuật và có dấu nhận biết đèn đã chay hay chưa. (Alexei cũng chỉ cho tôi cách phân biệt đèn đã sử dụng và đèn mới 100% căn cứ theo màu mực trên thân đèn). Thời tiết khô hạn của nước Nga là điều kiện tốt để bảo quản đèn. Do đó, dù trải qua hàng chục năm, những chiếc đèn khi bóc ra khỏi hộp giấy vẫn mới toanh, không chút han gỉ ở phần kim loại và các chân nối. Nói chung, mua hàng từ những người như Alexei khá yên tâm, dù giá có cao hơn đôi chút. Mua về mà phát hiện lỗi là có thể gọi điện và đổi được ngay. Không chỉ nắm vững lý lịch các loại đèn, Alexei và những người buôn bán đèn ở đây còn có thể tư vấn về mạch điện cho ampli, chọn đèn nào thay thế cũng như cung cấp đầy đủ những linh kiện phụ khác như đế đèn, biến thế OPT, tu điện, điện trở.
Tại dãy bán đèn cũng có những người kiếm sống bằng nghề “ve chai” đèn điện tử. Họ thu mua cách thiết bị điện tử cũ, tháo lấy bóng và chọn những bóng vẫn còn hoạt động để bán lại. Từng mớ đèn cũ được bày lên những tấm ny-lông hoặc thùng các-tông đặt trên vỉa hè với giá 5-15 nghìn đồng. Mua loại đèn này không dễ. Vì nhiều khi may hơn khôn, đèn có thể hỏng bất cứ lúc nào trong khi người bán cũng hết trách nhiệm khi “tiền đã trao và cháo đã múc”. Song, nếu có kinh nghiệm, chúng ta vẫn có thể chọn được những bóng đèn thuộc loại hiếm còn hoạt động tốt ở gánh hàng ve chai này.
Sau vài lần đi chợ để làm quen và tìm hiểu tôi đặt toàn bộ bóng đèn và phụ kiện cần thiết chỗ Alexei với trị giá 6.000 rup (khoảng 3,5 triệu đồng). Biết tôi là người chơi đồ âm thanh tự chế, Alexei đã chọn những bóng đèn khá kỹ, cả về thẩm mỹ và tiêu chí kỹ thuật. Những bóng đèn này sẽ sớm được sử dụng trong bộ ampli mang tên gọi khá hoa mỹ From Russia with Love mà tôi ấp ủ bấy lâu để ghi dấu kỷ niệm một thời gắn bó với nước Nga.
Xuân Trịnh (Nghe Nhìn Việt Nam)