HFVN – Phối ghép hệ thống audio tái tạo thành công các bản nhạc cổ điển luôn khiến nhiều audiophile trăn trở. Bởi tính phức tạp và những đòi hỏi khắt khe của dòng nhạc này khiến nhiều bộ dàn tiền tỷ cũng thất bại trước các bản “test” cổ điển. Anh C – một audiophile yêu nhạc cổ điển – từng thử nghiệm hàng chục thương hiệu khác nhau cũng không ngoài mục đích phối ghép được bộ dàn tái tạo nhạc cổ điển “đạt”. Từng nhiều lần khấp khởi, song không ít lần thất vọng, đến nay, hệ thống Vienna Acoustics và Accustic Arts đã phần nào thỏa mãn “cơn nghiền” cổ điển của anh C.
CON ĐƯỜNG GIAN KHỔ
Lỡ yêu audio được coi là “định mệnh”, song với những audiophile lỡ yêu nhạc cổ điển thì lại là “bất hạnh”. Bởi những đôi tai khó tính của các audiophile chưa bao giờ ngừng đòi hỏi và dường như không có phối ghép nào được họ coi là hoàn hảo, đặc biệt là những phối ghép để thưởng thức thể loại cổ điển.
Là người yêu nhạc cổ điển, hầu như anh C không bỏ lỡ buổi biểu diễn cổ điển nào được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đặc biệt là những chương trình lớn như Henessy hoặc các chương trình giao lưu, kỷ niệm có sự hiện diện của các solist và những dàn nhạc tên tuổi trên thế giới. Thói quen nghe nhạc sống thường xuyên khiến đôi tai của anh trở nên khắt khe từ lúc nào không hay, nhất là khi nghe thẩm định hệ thống hi-fi. Theo anh C, những đặc tính của buổi biểu diễn sống như không gian trình diễn tổng thể và độ bóc tách giữa các bè, âm sắc tự nhiên của nhạc cụ, sự biến hóa vi mô – vĩ mô của tổng thể bản nhạc, ảnh hưởng từ kết cấu âm học của khán phòng… là những thách thức lớn nhất với hệ thống tái tạo âm thanh.
Theo dõi cuộc chơi của anh C trong hơn 10 năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều thương hiệu lớn bị “rớt đài” do những chuẩn âm thanh mà anh đặt ra với mức độ khắt khe ngày càng tăng của một audiophile có kinh nghiệm dần được tích lũy theo năm tháng: Có hệ thống lúc đầu cho âm thanh ấn tượng với không gian rộng rãi, tiếng bass mạnh mẽ, tiếng treble rõ ràng và cao vút… Có hệ thống cho âm thanh ngọt ngào, mềm mại, quyến rũ ngay từ nốt nhạc đầu tiên… Có hệ thống lại cho âm thanh khô mộc, chính xác… Thoạt đầu tất cả hệ thống đó đều tạo ấn tượng mạnh với người nghe.
Tuy nhiên. Sau thời gian đủ dài để trải nghiệm và cảm nhận, anh C cũng nhận thấy những hệ thống từng phối ghép thường mang đậm triết lý âm thanh của các hãng audio mà thông thường đẩy một số đặc tính âm thanh lên rõ nét để hấp dẫn người nghe. Chỉ sau khi nghe kỹ, nhất là qua các bản ghi cổ điển, những hệ thống ấy mới dần bộc lộ khiếm khuyết mà điểm yếu nhất là thiếu tính tự nhiên của âm nhạc nguyên thủy. Những năm trở lại đây, mỗi khi gặp nhau, anh C thường chia sẻ: Tôi từng thích sự mạnh mẽ của JBL, chất gai góc của Tannoy hay vị ngọt ngào của Sonus Faber… Không thể phủ nhận độ hấp dẫn của những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực audio như vậy! Thế nhưng, ở góc độ nào đó, những cảm xúc do các hệ thống ấy mang lại dường như là một kiểu gia vị, một loại chất gây nghiện mà các hãng âm thanh đưa vào sản phẩm của họ nhằm tạo ấn tượng với người nghe.
Là người quen với việc thưởng thức nhạc sống (thứ âm nhạc nguyên thủy, trực tiếp và không màu mè), anh C luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới nhằm xây dựng thành công hệ thống với tiêu chí đầu tiên là tái tạo âm thanh tự nhiên nhất có thể. Cũng theo quan điểm của anh, chỉ những hệ thống như vậy mới chạm đến cảm xúc âm nhạc sâu lắng trong tâm hồn người chơi và tồn tại lâu dài cùng đời sống âm nhạc của họ.
GIẢI PHÁP ĐẾN TỪ CHÂU ÂU
Đến thăm anh theo lời mời kèm theo lời nhắn: “Hãy mang theo những đĩa nhạc cổ điển khó nghe nhất để kiểm chứng sự hài lòng” ,tôi tin rằng anh C đã tìm ra lời giải cho bào toán khó mà anh dày công theo đuổi bấy lâu. Quả không ngoài dự đoán, hiện diện trong phòng nghe của anh là hệ thống audio hoàn toàn mới với các thiết bị ở đẳng cấp hi-end. Sừng sững giữa phòng là cặp loa đầu bảng The Music thuộc serie cao cấp nhất Klimt của Vienna Acoustic. Trong hai năm qua, tại thị trường Việt Nam, Vienna Acoustic nổi lên như một trong những dòng loa chơi nhạc cổ điển hay, nhất là khi so với giá thành. Điều đó không có gì ngạc nhiên bởi thương hiệu đến từ nước Áo luôn là lựa chọn hàng đầu của các audiophile yêu nhạc cổ điển trên thế giới. Trước đây, tôi từng có dịp nghe và sở hữu khá nhiều đôi loa của Vienna Acoustic từ cặp bookshelf Haydn Grand đến model loa cột như: Mozart Grand, Baby Beethoven, Beethoven Grand Concerto… Quả thực, không cặp loa nào khiến tôi thất vọng, ít nhất qua các màn trình diễn cổ điển.
The Music là cặp loa lớn nhất của Vienna Acoustic với 6 loa, ba đường tiếng. Loa treble đồng trục với loa trung nhằm tăng cường độ đồng pha của sóng âm. Toàn bộ khối đồng trục này đặt trong module ở phía trên thùng loa chính. Có thể điều chỉnh theo hai chiều lên-xuống, trái-phải bằng tay đòn phía sau nhằm tạo ra hiệu ứng âm thanh hào hòa nhất với mọi điều kiện phòng nghe. Toàn bộ 3 loa bass và loa super treble được tích hợp trong thùng lớn phía dưới nhằm giảm can nhiễu từ công hưởng thùng đến loa trung. Về lý thuyết, cặp loa có trọng lượng gắn một tạ cùng hệ thống nhiều loa, nhiều đường tiếng hứa hẹn khả năng trình diễn ở đẳng cấp cao.
Để đánh cặp với The Music, anh C chọn các thiết bị nguồn phát, ampli của Accustic Arts – hãng hi-end có tiếng của Đức với không ít thành công từ những sản phẩm đậm chất kỹ thuật và công nghệ cao. Khối ampli công suất AMP II – MK2 cũng có kích thước ấn tượng không kém cặp loa. Sở dĩ nó có vóc dáng to và cồng kềnh bởi bên trong chứa hai ampli độc lập hoạt động song song, được thiết kế dạng dual-mono. Anh C cho biết: mỗi vế của ampli chạy 24 sò MOS-FET. Thiết kế bề ngoài của AMP II – MK2 mang đậm chất công nghệ với những tấm nhôm đúc dày khối và tên ampli được khắc chìm trên bề mặt rất ấn tượng. Bộ ba module gồm pre-ampli PREAMP I – MK3, bộ cơ DRIVE I – MK2 và bộ giải mã DAC I – MK4 có hình thức và kích thước tương đương được đặt gọn gàng trên hệ thống kệ riêng biệt. Để phát huy tối đa ưu điểm của hệ thống đồ đánh, anh C sử dụng toàn bộ dây nguồn, dây tín hiệu của Accustic Arts. Ngoài ra, anh lựa chọn cặp Valhalla của Nordost làm dây loa bởi đặc tính âm thanh tự nhiên của nó.
Có thể nói, đây là bộ dàn… kém ấn tượng nhất mà anh C từng chơi… Bởi nhẽ, nó không thể hiện bất cứ đặc tính âm thanh cụ thể nào khiến người nghe có thể dựa vào đó mà đưa ra những nhận xét thuần túy theo kiểu: tươi tắn, ngọt ngào, ấm áp hay khô mộc… Thay vào đó là những cảm nhận âm nhạc đơn thuần. Trong quá trình nghe thử, lần lượt các tác phẩm cổ điển của Bach, Tchaikovski, Mo-zart Paganini… qua những ngón đàn của Mut-ter, Rabin, hay Perlman… được tái hiện với vẻ hấp dẫn theo cách tự nhiên nhất mà tôi từng được nghe trên hệ thống audio. Hệ thống tái hiện âm nhạc chân thực từ sự lả lướt của bản solo violin đến sự hoành tráng, rộng mở và lớp lang của một đại dàn nhạc với cả trăm nhạc công trong một bản symphony của Marlher. Ở bộ dàn này, những khái niệm về âm bass, âm trung, treble lần lượt được thay thế bằng âm thanh của các loại nhạc cụ như: Timpany, Kick Drum, Violin, Cello hay Harp, Triangle… Nếu chỉ dùng một từ để mô tả hệ thống này, có lẽ không từ nào chính xác hơn hai chữ “tự nhiên”. Điều đó cho thấy anh C đã thành công với mục tiêu phối ghép bấy lâu của mình. Điểm yếu nhất của hệ thống là diện tích giới hạn của phòng nghe (khoảng 25m2). Với hệ thống khá đồ sộ như vậy, một phòng nghe khoảng 40m2 sẽ phát huy tối đa ưu thế của các thiết bị.
Anh C tâm sự: Nghe nhạc mỗi ngày cũng là hình thức tĩnh tâm. Với tôi, nghe nhạc cổ điển như môy dạng thiền, một dạng định tâm sau một ngày bộn bề công việc và các mối quan hệ. Khi tâm trạng có phần nặng nề và mỏi mệt, nhưng bản nhạc tươi, hoạt như bản Mùa xuân của Beethoven quả là liều thuốc bổ. Ngược lại, khi tinh thần thoải mái, hưng phấn, những bản giao hưởng của Mahler, Shostakovic như tiếp thêm sự hưng phấn cho người nghe. Hệ thống Vienna Acoustic – Accustic Arts đã sắm tròn vai là chiếc cầu nối giữa âm nhạc và cảm xúc.
Thụy Miên – Nghe Nhìn Việt Nam