HFVN – Qua giới thiệu của những người bạn trong giới audio, chúng tôi hẹn đến nhà anh để thưởng thức dàn loa kèn mà gia chủ kỳ công phối ghép. Đón chúng tôi là người đàn ông trạc ngũ tuần, dáng người thấp đậm. Nếu không biết trước về anh, thì ít người nghĩ rằng: con người với vẻ bề ngoài bình dị ấy lại có những niềm đam mê cháy bỏng đến vậy.
Anh đến với audio muộn nhất trong những niềm đam mê của mình, những niềm đam mê đã theo anh trải dài hàng chục năm, qua bao biến cố của cuộc đời. Sách báo, tạp chí, các website về nghe nhìn, đặc biệt là diễn đàn VNAV – cộng đồng những người chơi audio lớn nhất ở Việt Nam – đã khơi dậy niềm đam mê audio trong anh. Nó khiến anh trăn trở với mục đích xây dựng bộ dàn âm thanh ưng ý nhất, thể hiện được sở thích và “gu” âm nhạc của bản thân. Cũng nhờ diễn đàn, anh có được những người bạn chân tình, giúp anh chọn lựa thiết bị, phối ghép, đo đạc và tư vấn khi chơi audio để anh có được âm thanh mong muốn.
KHÔNG GIAN CŨA NHỮNG ĐAM MÊ
Không gian mà anh dành cho niềm đam mê khá biệt lập với sự náo nhiệt, ồn ào của Sài Gòn. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đó (tầng 3) là phòng nghe có kích thước lý tưởng (5x8x3,4m). Căn phòng này là nơi lưu giấu niềm đam mê trong suốt thời gian qua: từ những chiếc đĩa gốm sứ cổ đến những chiếc máy ảnh cổ. Với anh, đó thật sự là những món đồ vô giá. Chúng quý không chỉ bởi giá trị lịch sử và vẻ đẹp tự thân, mà mỗi món đồ điều gắn với nhau câu chuyện lý thú về quá trình tìm tòi, sở hữu của chủ nhân. Có những món đồ anh phải săn lùng, chờ đợi hàng năm trời để được sở hữu, có những món đồ anh phải truy tìm thì mới sở hữu được một chiếc trong bộ đôi hoàn chỉnh.
Căn phòng được bài trí ngăn nắp gọn gàng. Thu hút sự chú ý của chúng tôi trước tiên là chiếc tủ gỗ chứa bộ sưu tập CD với số lượng đáng kể. Anh khá cẩn thận khi chia trương trình theo từng nhóm theo chủ đề, theo ca sĩ hay nhạc sĩ. Tất cả được ghi chú cẩn thận, dễ tìm. Trong bộ sưu tập này, hầu hết là nhạc Việt, một số là nhạc pop thập niên 70-80 (thế kỷ XX), một số thuộc thể loại nhạc đồng quê (country) và nhạc cổ điển.
Không gian chính là nơi gia chủ ưu ái đặt hệ thống âm thanh. Nó chiếm hầu hết diện tích căn phòng. Ấn tượng nhất là khả năng phối màu giữa các thiết bị âm thanh và nội thất của căn phòng. Sự hài hòa được thể hiện trong từng chi tiết: từ màu nâu của những chiếc tủ gỗ đến màu vàng kem của đôi thùng loa; từ ánh kim của máy ảnh đến màu men của những chiếc đĩa gốm sứ cổ. Tất cả toát lên màu của hoài niệm. Khác với những phòng nghe mà chúng tôi từng gặp, căn phòng được hút âm theo lối cổ điển bằng bức rèm lớn phủ toàn bộ phía sau hệ thống loa và kéo dài dọc một nửa của bức tường hai bên. Nền nhà trải lớp thảm dày, phủ kín phòng. Tiêu âm trần làm bằng những thanh gỗ dài ghép lại. Dọc hai bên trần là tấm mút gai, đèn halogen được dùng điểm xuyết căn phòng.
Ánh đèn vàng bao phủ không gian tạo nên vẻ huyền ảo, ấm áp, phù hợp cho các audiophile thưởng thức âm nhạc. Để có được hệ thống tiêu tán âm như vậy, theo lời gia chủ, anh đã thử nghiệm khá nhiều mô hình, nhưng hiệu quả nhất vẫn là thiết kế hiện tại.
CÔNG PHU PHỐI GHÉP
Bộ loa của anh được dựng khá cầu kỳ với phân tần chủ động cho hệ thống 4 đường tiếng. Để làm được điều này, đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm phối ghép và đôi tai nhạy cảm. Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng khi xây dựng hệ thống là sử dụng thiết bị đo chuyên dụng vào thời điểm cần thiết. Điều này không phài dân chơi audio nào cũng làm được. Những thiết bị này hỗ trợ người chơi rất hiệu quả, giúp các tay DIY tiết kiệm thời gian khi xây dựng hệ thống. Do hệ thống phần mềm phần lớn là đĩa CD, nên thiết bị nguồn digital được gia chủ đặc biệt quan tâm. Anh sử dụng hệ thống đọc đĩa thuộc hàng đầu bảng của Studer và Sonic Frontier. Trong hệ thống này, đầu đọc Studer a-730 được sử dụng như bộ cơ riêng biệt, làm nguồn phát tín hiệu số cho bộ chuyển đổi tín hiệu DAC (Digilat to Analogue Converter) của Sonic Frontier SFD2 – thương hiệu nổi tiếng về sản phẩm DAC của Canada. Tín hiệu tiếp tục được khuếch đại qua pre-amp chạy đèn mạch class A của Uesugi Bros model 18 là dòng pre Nhật Bản, được giới audiophile đánh giá cao. Tín hiệu từ pre-amp tiếp tục được đưa vào phân tần chủ động Pioneer D-23. Đây là phân tần chủ động tương đối phổ biến không chỉ ở Nhật Bản. Nó nổi tiếng bởi tính tiện dụng và độ chính xác, cho phép người dùng chủ động khi chọn số dải tần cần chia (tối đa đến 4 dải tần), tần số cắt (fre-cency cut off), độ dốc cắt (dB/octave) và âm lượng cho từng dải tần. Ở hệ thống này, chủ nhân của hệ thống đã chia làm 4 đường tiếng với các tần số tương ứng, phù hợp với đặc điểm của từng dải tần mà ampli và loa đảm nhận. Tần số cắt cho dải trầm được chọn ở mức 320Hz đến 1,6kHz, trung cao từ 1,6kHz đến 16kHz và siêu cao là trên 16kHz. Sau khi chia làm 4 dải tần, tín hiệu được đưa vào các ampli để khuếch đại ra loa.
Hệ thống khuếch đại cho cặp loa 4 đường tiếng cũng không hề đơn giản với cấu hình như sau:
1) Phần trầm (<320hz) do ampli đèn công suất lớn Cayin A-88T (dùng bóng KT-88 mạch đẩy kéo) phụ trách, dùng để đánh cặp loa Vitavox. Ở thùng loa trầm này, mỗi thùng gồm 2 woofer Vitavox 30cm model AK – 124 đặt nằm ngang. Thùng loa do gia chủ đóng theo kiểu cộng hưởng. Tần số thấp có thể xuống đến con số kinh ngạc qua hệ thống máy đo 12Hz!
2) Phần trung trầm (320Hz-1,6kHz) do amphi đèn Uesugi Bros 10 đảm nhận. Ampli sử dụng bóng công suất EL-34. Thể hiện giọng trung trầm là cặp đèn gỗ YL Acoustic FP-5500. Kèn này có đường kính họng 3,5cm và đường kính miệng kèn 82cm.
3) Phần trung cao (1,6kHz – 16kHz) được kéo bởi ampli đèn Quad II, sử dụng bóng công suất KT66 chãy mạch đẩy kéo. Loa cho dải trung cao là cặp Goto GT- 370AL- sản phẩm rất hiếm với số lượng sản xuất hãn chế: 50 cặp. Họng kèn có đưởng kín 2,5cm, miệng kèn được làm bằng ván MDF.
4) Phần siêu cao (>16kHz) do ampli đèn Leak ST-10 phụ trách được thể hiện qua cặp kèn Goto SH-18. chiếc kèn gỗ này có đường kính họng 2,5cm, miệng kèn dựng bằng ván MDF.
Về phần thiết bị analoge, gia chủ đã sưu tầm trước những món đồ quý và quan trọng như kim Ortofon Maestro, Transformer MC Step-up Uesugi U-Bros 5, Phono Pre-amp Usesugi UTY-7. Do đang trong giai đoạn thử nghiệm, nên anh dùng một máy quay đĩa có thiết kế khá đơn giản để làm quen với các thao tác sử dụng, tích lũy kinh nghiệm lắp đặt và cân chỉnh.
Để hoàn thiện hệ thống này trong thời gian ngắn nhất và hiệu quả nhất, ngoài việc tự mày mò tìm hiểu, gia chủ còn nhận được nhiều tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của các bạn chơi. Anh cho biết: hệ thống còn tồn tại không ít hạn chế, song có thể khắc phục được thông qua việc điều chỉnh, thay đổi các phụ kiện khác như: dây dẫn, bóng đèn…Đây là thời điểm tận hưởng niềm vui khám phá, thay đổi để chọn lọc.
MÓN ĐẶC SẢN ÂM THANH TỪ HỆ THỐNG LOA 4 ĐƯỜNG TIẾNG
Sau hai tiếng tham khảo, chụp ảnh và tìm hiểu từng thiết bị, đồng thời đợi cho các ampli đèn đủ độ nóng cần thiết, chủ nhân lặng lẽ đặt đĩa CD vào đầu đọc Strder. Một nguồn âm thanh ngọt ngào lan tỏa và dàn trải lấp đầy phòng nghe khiến chúng tôi thật sự bất ngờ. Ngồi lặng trong giây lát, chúng tôi mới nhận ra cô ca sĩ đang “đứng” hát trước mặt mình chính là Quỳnh Lan. Cũng album nhạc đó, cũng ca sĩ đó, nhưng ở bộ dàn này, âm thanh nhẹ nhàng và thanh khiết, từng chi tiêt (dù nhỏ nhất) cũng được thể hiện rõ ràng, tách bạch. Đặc biệt, âm thanh ở dải trung cao, giọng cô ca sĩ ngân nga nhẹ nhàng, dứt khoát đầy quyến rũ.
Chúng tôi như bị cuốn hút vào từng nốt nhạc, lời ca. Sân khấu âm thanh trở nên rộng mở hơn, nhưng cũng gần gũi hơn. Tiếp đến, anh thay bằng đĩa nhạc Thiên Phượng, một giọng ca quen thuộc lại vang lên với lối hòa âm kinh điển mà Duy Cường đã khai thác và sử dụng cho nhạc Việt. Giọng Thiên Phượng như mền hơn, ngọt ngào hơn, uyển chuyển hơn, không còn bó hẹp, buồn tẻ như những hệ thống chất lượng trung bình. Âm thanh của từng nhạc cụ chính xác, đầy đặn hơn, đặt biệt là người nghe cảm nhận được rõ ràng sự hiện diện của chúng trong không gian phòng nghe. Cứ thế, chúng tôi lần lượt khám phá nhiều. Chúng tôi xn phép gia chủ ra về. Anh hẹn dịp khác sẽ thết đãi chúng tôi bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn hơn, đầy đủ hơn với nhiều bất ngờ.
Rời nhà anh, trong chúng tôi còn vẩn vơ hai câu thơ nôm mà cụ Nguyễn Du đã ký kiểu trên chiếc đĩa Mai Hạc của chủ nhân:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người thân.
Z-enD – Nghe Nhìn Việt Nam