Audiophile là kết hợp giữa hai ngôn ngữ Latin và Hy Lạp. Audio theo tiếng Latin là “tôi nghe” còn phile có nghĩa là “yêu thích”, theo từ gốc philos của Hy Lạp, ghép lại thành “những người say mê nghệ thuật thưởng thức âm thanh và tái tạo âm thanh (ở đây là âm nhạc) từ các thiết bị điện tử cao cấp mà dân trong làng gọi là Hi-end”
Dân trong làng cho rằng một audiophile ít nhất cần biết:
a) Thưởng thức âm nhạc
b) Phân biệt được các lọai nhạc
c) Định nghĩa và nhận biết được các thiết bị dàn máy (ampli – pre-amplifier, ampli bóng đèn , ampli tích hợp , ampli công suất , ampli bán dẫn , vv. ), nguồn phát kỹ thuật số, (đầu CD , vv .), đầu đĩa nhựa và các phụ kiện, các lọai dây và đầu nối, các lọai loa, vv,
d) Phân biệt được các lọai nhạc cụ ( nhạc cụ bass, guitar, bộ gõ, trống, violin, viola, piano, cello, clarinet, flute, vv. ) và các dải tần (10 Hz – 20 kHz) thế nào là bass sâu (deep bass ) , bass trung ( midbass ) , bass cao ( upper bass ) , trung thấp ( lower midrange ) , trung middle midrange, trung cao ( upper midrange ) , treble dưới ( lower treble ) , treble giữa ( middle treble ) , treble cao ( upper treble ) , cực cao ( top octave ).
e) Tai nghe đủ tinh tế để đánh giá được chất lượng âm thanh và dàn máy.
Có nhiều cách để trở thành một audiophile. Có người bắt đầu từ yêu nhạc, thích nghe, rồi càng ngày đôi tai càng đòi hỏi chất lượng âm thanh cao hơn. Có người yêu thích máy móc, thích tìm hiểu công nghệ và dần dà trở thành audiophile. Cộng đồng audiophile có mặt người từ mọi ngành nghề: bác sĩ, kiến trúc sư, doanh nhân, giáo viên, viên chức, thợ mộc, thợ hồ… Audiophile không phân biệt sang hèn, nhưng dứt khóat phải đ ầ u tư thiết bị. Bởi vậy nhiều người đam mê và muốn đạt (nghe) được chất âm mình yêu thích thì phải bỏ công làm lời, nghĩa là mày mò tự làm lấy để tiết kiệm chi phí. Người có kiến thức điện tử thì ít khó khăn hơn khi tự làm, người không biết thì học hỏi trong giới, từ đó hình thành hội DIY (Do It Yourself), tiếng Việt là Tự Làm Lấy. Tại Việt Nam, hàng năm hội DIY này lại tụ họp để thi thố các “cục cưng” của mình, và đây chính là nơi bạn dễ gặp một audiophile thứ thiệt nhất. Và cũng dễ đóan, có lẽ đến trên 90% audiophile là các quý ông.
Trong giới audiophile cũng chia làm hai trường phái đại diện hai quan điểm cảm thụ âm thanh. Trường phái thứ nhất là tập hợp của những ai yêu thích âm thanh truyền thống, có nghĩa là âm nhạc được tái tạo lại từ các các thiết bị thuần analog: thiết bị lưu trữ tín hiệu âm thanh phải là băng từ hoặc đĩa nhựa (record), âm-li phải chạy bằng bóng đèn. Họ quan niệm rằng với các thiết bị này thì âm nhạc được tái tạo đến tai người nghe tự nhiên nhất, chân thực nhất. Trường phái còn lại là những ai theo xu hướng hiện đại hơn, họ công nhận những thành tựu công nghệ hiện đại ứng dụng vào lĩnh vực nghe nhìn. Cuộc cách mạng số (digital) đã góp phần rất nhiều vào công việc lưu trữ cũng như tái tạo lại âm thanh cho các audiophile này. Nhóm này cho rằng nhờ công nghệ số mà các đĩa master ghi âm được lưu trữ dưới dạng số trên những CD sẽ cho âm thanh tốt hơn là từ đĩa nhựa. Âm thanh phát ra từ CD không có tiếng lào xào, rột rẹt và đặc biệt là không có tạp âm như băng từ. Các thông số kỹ thuật từ các thiết bị số này gần như đạt đến độ cực kỳ lý tưởng như độ méo hài toàn phần (THD) gần bằng Zero, tỉ lệ signal to noise cao hơn, đáp tuyến tần số kéo dài hơn và dải động (dynamic range) cũng rộng hơn. Tất nhiên, mặc dù có quan điểm khác nhau nhưng giới audiophie tôn trọng nhau và không đến nỗi quá bảo thủ. Bằng chứng là các audiophile của analog vẫn dùng đầu phát CD, SACD để kết hợp với ampli đèn và ngược lại khi muốn thay đổi gu nghe, các audiophile nhóm digital cũng tậu về các đầu phono để tận hưởng cảm giác nghe nhạc với cây kim chạy lạo xạo trên mặt đĩa nhựa khi chẳng may đĩa… xuống cấp.
Trong mỗi trường phái này cũng có thể chia ra thành nhiều “nhánh” khác nhau, dựa vào thành phần linh kiện cấu tạo sản phẩm. Đối với ampli bóng đèn có người lại thích loại chạy mạch single-end loại đèn 300 B, có người thích mạch kéo đẩy (push pull) mạnh mẽ chạy bằng loại bóng đèn khác. Có người thích loa có độ nhạy cao của các hãng loa Tannoy của Anh hay Klipsch của Mỹ, có người thích loa trở kháng thấp 4 Ohm như của Sonus Faber của Ý chứ không thích loa 8 Ohm của các hãng khác. Chỉ nội trong nhóm thích loa cũng có thể chia ra theo nguồn gốc xuất xứ của nước sản xuất. Chúng tôi xin hẹn sẽ bàn chi tiết về thế giới loa mênh mông này trong một bài viết khác.
Điều thú vị là tiêu chí để phân định một audiophile lại chính là trình độ cảm thụ chứ không phải công sức tự làm hay núi tiền ra đầu tư dàn máy. Vậy một audiophile nên nghe theo kỹ thuật hay theo sự đam mê âm thanh mà bán cầu não phải cho phép? Quan điểm của người viết là tôn trọng cả hai. Có thể ví von audiophile như người chơi cây cảnh. Nếu chơi mà biết trồng, biết sáng tạo thì là nghệ nhân, còn thích ngắm cái hay cái đẹp nhưng không thể trồng cũng không tạo ra tác phẩm thì là người chơi cây cảnh bình thường. Điều đáng nói là đừng vì mải trồng cây mà quên ngắm cây. Đừng quên bạn bước vào thế giới audiophile là vì yêu âm nhạc chứ không phải chỉ để phê bình cái thừa thiếu trong một bản thu âm.Nếu cứ thay đổi dàn máy xoành xoạch, đổi loạinhạc phải đổi cả dây dẫn, bỏ qua thưởng thức cả đĩa nhạc mà chỉ lo kiếm bản có tiếng trầm tiếng bổng đủ mạnh để biểu diễn dàn máy, từ chối nghe một giai điệu tuyệt diệu vì cho rằng phần thu âm không mỹ mãn, nói tóm lại, nghe máy mà không nghe nhạc, thì bạn đã mắc hội chứng mà dân trong làng nhạo vui là audiophilia nervosa – hội chứng “cuồng thanh”.
Trong cuốn sách gối đầu giường về hi-end audio “The Complete Guide to High-End Audio” của Robert Harley, tác giả khuyên các audiophile rằng “Nghe nhạc để thưởng thức nên chiếm phần lớn thời lượng nghe của bạn. Hãy quên đi phần máy móc, tận hưởng mà không phán xét, và tự vạch một ranh giới giữa nghe-thưởng thức và nghe-bình luận mà bạn biết rõ khi nào nên và không nên vượt qua ranh giới ấy.”
Tất nhiên một audiophile có đôi tai thiên phú cộng với sự hiểu biết về kỹ thuật sẽ nghe và đánh giá các thành phần rất tốt. Họ có khả năng nhận biết bộ dàn cần khắc phục điểm nào, cần nâng cấp thành phần nào để đạt được âm thanh tối ưu. Và như vậy đồng nghĩa với việc họ có kiến thức rất tốt về âm học, đặc biệt là “biết nghe”. Từ biết nghe phải đóng ngoặc kép vì một người yêu nhạc bình thường không thể nhận diện được âm thanh mà họ nghe thiếu dải tần nào, âm trầm xuống thấp bao nhiêu Hz. Độc đáo hơn nữa là khi nghe một bài hát từ đĩa nhạc ghi âm tốt, họ có thể hình dung ra được tay guitar bass đứng đâu, tay violon đứng đâu trong phòng thu.
Bản thân người viết ngưỡng mộ sâu sắc những audiophile, vì cho rằng đây là một thú chơi công phu và tốn kém nhất. Để thỏa mãn “ý nguyện” của mình, có audiophile đầu tư cho toàn bộ dàn nghe nhạc lên đến nửa triệu USD. Tại Việt Nam không hiếm những audiophile chịu chi như vậy. Tất nhiên cũng không thể không ngả mũ cho những audiophile với điều kiện kinh phí eo hẹp vẫn “ bôn ba” sắm cho mình những thiết bị vừa túi tiền mà với họ là xiết bao quí giá. Phải tốn tiền mua đĩa gốc chuyên dùng cho audiophile (originnal CD), … Bạn thấy đấy, con đường trở thành một audiophile “chính hiệu” không hề đơn giản chút nào! Nhưng tưởng thưởng cũng thật xứng đáng!
Nguồn; AD Audio