Chúng ta thường biết đến Yamaha với những sản phẩm chất lượng, vượt trội trong phân khúc sơ nhập và tầm trung. Lần này, chiếc RX-V685 của họ cũng làm được điều tương tự như vậy.
Từ lâu, Yamaha đã là một thương hiệu có tiếng trong thế giới hi-fi nhờ vào chất âm sống động đến từ các thiết bị âm thanh như đầu CD, ampli hay AV receiver. Qua nhiều năm, chất âm ấn tượng ấy không chỉ xuất hiện trên các sản phẩm cao cấp của họ mà còn ở cả những thiết bị có giá sơ nhập, phù hợp với túi tiền đại bộ phận người nghe.
Yamaha RX-V685, chiếc AV receiver ra mắt năm 2018 của hãng chính là một ví dụ điển hình của sự xuất sắc thuộc phân khúc giá phải chăng. Chiếc ampli không chỉ ấn tượng bởi việc cung cấp một loạt các tính năng công nghệ mới mà còn duy trì được truyền thống âm thanh chất lượng cao của hãng, kể cả khi việc duy trì chất lượng ấy ở trong một sản phẩm với giá thành như vậy là một điều không hề dễ dàng chút nào.
Với mức giá hiện tại chỉ rơi vào khoảng 13 triệu, RX-V685 hiện tại là lựa chọn tốt nhất cho các sản phẩm AV receiver thuộc dòng RX của Yamaha, trước khi người dùng quyết định chuyển sang dòng Aventage cao cấp hơn. Mặc dù thiếu đi những chi tiết ấn tượng, cao cấp làm nên bộ mặt của các receiver Aventage, đây vẫn là một lựa chọn rất chắc chắn nếu xét về yếu tố giá thành / chất lượng. Khả năng trình diễn được cải thiện rất nhiều nhờ vào các công nghệ được sử dụng cho DSP, đồng thời còn cả khả năng hỗ trợ các chuẩn âm thanh rạp hát cao cấp như Dolby Atmos/DTS:X. Số lượng kênh đường tiếng được hỗ trợ không nhiều, chỉ đủ để làm một hệ thống 5.1.2 cơ bản, thế nhưng không thể phàn nàn được vì RX-V685 vẫn chỉ là một sản phẩm giá sơ nhập mà thôi.
Thiết kế bên ngoài của thiết bị vẫn rất quen thuộc, gần như không có gì thay đổi, với thân máy được chia làm hai, phần trên chứa màn hình trong khi phần dưới bao gồm hầu hết các nút điều khiển. Chất lượng hoàn thiện thiết bị rất tốt, chắc chắn, không bị ọp ẹp. Thiết bị có kích thước 435 x 171 x 378 mm, nặng 10.5kg, nhìn chung không khác nhiều so với các thế hệ trước. Sự thay đổi lớn nhất không nằm trên cỗ máy mà ở chiếc điều khiển, giờ đã được thiết kế trực quan, dễ sử dụng và thân thiện hơn với người dùng.
Mặt trước của RX-V685 được chia làm hai phần. Nửa dưới lớn hơn, được làm bằng kim loại, có chứa các chi tiết quan trọng như các nút điều khiển, gồm lựa chọn cổng đầu vào, chỉnh âm sắc (Tone Control), lựa chọn thiết lập âm thanh (Program), nút Straight (dùng để kích hoạt chế độ Straight, không thêm bất cứ hiệu ứng nào vào âm thanh), cổng USB, jack3.5mm và một núm xoay chỉnh âm lượng lớn. Phía trên các nút và cổng kết nối này là bốn nút SCENE, có tác dụng giống như phím tắt thực hiện việc chọn đầu vào hoặc thiết lập mong muốn.
Nửa trên được bọc bằng nhựa acrylic trong màu đen, ẩn đằng sau là màn hình dot-matrix. Phía dưới màn hình này, ta có thể thấy 10 nút nhỏ với một loạt chức năng khác nhau. Phía bên trái sẽ là nút Standby và jack microphone YPAO. Ở bên phải là nút Pure Direct có tác dụng chơi nhạc không qua mạch xử lý, đảm bảo âm thanh thuần khiết nhất có thể.
Nhìn vào mặt sau thiết bị, ta sẽ thấy một lượng tượng đối lớn cổng đầu vào và đầu ra, gồm HDMI (5 vào / 2 ra), cổng Ethernet, hai cổng đầu vào optical, 2 đầu vào coaxial, các cổng video component, phono, ba cổng đầu vào RCA, một cổng video composite, cổng xuất tín hiệu Zone 2, pre-out (cho các kênh trước và loa subwoofer), cổng remote, trigger out, đầu vào cho ăng-ten FM và AM. Cuối cùng là 9 bộ cọc loa. Các cọc loa được đánh dấu surround back và Presence (dùng cho loa hướng trần hoặc module loa âm trần) cũng được dùng làm phân vùng cho Zone 2.
Nếu người dùng không có ý định làm hệ thống âm thanh thứ hai hoặc xây dựng hệ thống Dolby Atmos, các cọc loa Zone 2 và Presence có thể tận dụng để đấu dây bi-amp cho loa trước. Với các module khuếch đại cho từng vùng dải âm riêng, âm thanh sẽ được cải thiện đáng kể. Trong trường hợp người nghe thiếu kinh nghiệm thiết lập AV receiver, họ có thể thực hiện cân chỉnh sử dụng micro YPAO. Kết quả thu lại được rất tốt và đây cũng là điểm khởi đầu cho các tinh chỉnh về sau nếu cần thiết.
Khi mở máy ra để nhìn vào bên trong, có thể thấy Yamaha đã làm rất tốt trong việc phân loại, lựa chọn các linh kiện phù hợp với mức giá này. Bảng mạch digital và analog được thiết kế tách rời, sử dụng bốn chip DAC Burr-Brown PCM5102A 32-bit. Các transistor công suất được sử dụng là transistor Sanken A1695 và C4468, tụ của máy là tụ Nippon Chemi-Con. Các linh kiện này được làm mát nhờ vào những tấm tản nhiệt lớn ở hai bên thân máy.
Nếu xét về mặt công suất, RX-V685 có thể cho ra một lượng công suất tương đối cao – 90 watt / kênh ở trở kháng 8 Ohm, độ méo hài tổng 0.06%. Đồng thời cỗ máy này cũng hỗ trợ nhiều chuẩn âm thanh phổ biển hiện nay (MP3 / WMA / MPEG-4 AAC: lên tới 48 kHz / 16-bit, ALAC: lên tới 96 kHz / 24-bit, FLAC: lên tới 192 kHz / 24-bit, WAV / AIFF: lên tới 192 kHz / 32-bit, DSD: lên tới 11.2 MHz). Thiết bị cũng hỗ trợ nhiều công nghệ video 4K Ultra HD, HDR như Dolby Vision and Hybrid Log-Gamma, trong đó tất nhiên có cả Dolby Atmos và DTS:X.
Nếu muốn streaming online, người dùng có thể kết nối mạng thông qua cáp Ethernet, Wi-Fi hay Bluetooth. Bên cạnh đó, các dịch vụ streaming mà thiết bị hỗ trợ cũng rất đa dạng. Chúng ta có thể điểm qua một loạt cái tên như Pandora, Spotify, SiriusXM Internet Radio, TIDAL, Deezer, Napster…
Tất nhiên, nói đến streaming, chúng ta không thể không nói đến MusicCast. Tính năng này cho phép người dùng sử dụng các loa Yamaha MusicCast 20 và MusicCast 50 làm loa surround không dây – một tính năng rất tuyệt nếu như người dùng không muốn phải bày dây dợ quanh phòng mình. Cuối cùng. Rx-V685 còn có cả trợ lý ảo Alexa – đồng nghĩa với việc người sử dụng có thể điều khiển một số thiết bị thông qua giọng nói.
Yamaha RX-V685 là một lựa chọn rất tuyệt vời cho phân khúc phổ thông vì nhiều lý do, nhưng đều có thể gói gọn lại như sau: chất lượng, giá thành đều rất tốt. Với khoảng 13 triệu, người dùng đã có thể sắm được cho mình một chiếc AV receiver ưng ý, hỗ trợ nhiều công nghệ tiên tiến. Quan trọng hơn, đây là một sản phẩm của Yamaha, đồng nghĩa với việc chất lượng âm thanh đã được khẳng định qua những sản phẩm thế hệ trước đó.
Nguồn: tapchihifi/Nguyễn Hào