Các bạn nghĩ rằng số tiền thế nào là hợp lý với một chiếc loa di động?
Tại Việt Nam, phần lớn thị trường này có giá chỉ khoảng vài trăm nghìn cho tới 2-3 triệu đồng. Song dĩ nhiên chúng ta cũng có những ngoại lệ, đặc biệt là khi sản phẩm được đóng mác “Handmade in USA” như Diamondboxx size L.
Thiết kế
Có nhiều điều khó hiểu xoay quanh định hướng của Diamondboxx, nhưng khó có thể mất cảm tình về sản phẩm của họ. Các sản phẩm của hãng cho đến nay đều sử dụng chung một ngôn ngữ thiết kế, chỉ khác nhau về kích thước, công suất và độ phức tạp bên trong. Diamondboxx không làm loa nhỏ, nên người dùng chỉ cần phân vân 3 kích thước: to, rất to và cực kỳ to. Khá đơn giản.
Size L của hãng loa này có kích thước 22.2 x 13.5 x 7.6 inch (khoảng 56,4 x 34,3 x 19.3 cm), có thể coi là tương đương một vali cỡ 20inch thông thường. Đây cũng là bộ loa di động lớn nhất mà tôi từng sử dụng, nếu không tính mấy chiếc loa kéo của mấy bạn hay bán kẹo cao su dạo.
Xấu hay đẹp là gu thẩm mỹ của mỗi người, song rõ ràng loa Diamondboxx luôn tạo cảm giác retro hoài cổ, khoẻ khắn và có đôi chút ngang ngược. Họ sẽ làm những cái cảm thấy thích, chứ không hẳn là chạy theo người tiêu dùng và thị trường. Loa Diamondboxx khiến tôi liên tưởng tới các dòng xe cơ bắp kiểu Mỹ như Ford Mustang, sử dụng động cơ với công suất cực lớn và thiết kế trường tồn theo thời gian.
Như đã nói ở trên, Diamondboxx sử dụng gỗ MDF làm thùng loa với độ dày 1,27cm có lớp phủ bên ngoài dạng sần. Điểm nhấn mà Diamondboxx mang tới là công nghệ Duratex để sản phẩm của họ có khả năng chống chịu thời tiết (không phải chống nước). Duratex là lớp phủ rất phổ biến với ván gỗ lát sàn nhà cao cấp, nhằm giúp hạn chế tối thiểu hỏng hóc, biến dạng, cong vênh do các yếu tố môi trường như ẩm ướt, nồm, hanh khô… Lớp phủ dạng sần màu đen mờ cũng hạn chế trầy xước, và nếu có bị phủ chút bụi bặm lên thì nhìn cũng khá hợp lý. Vậy nên, loa Diamondboxx hứa hẹn không cần quá nâng niu, hợp với những người tính ẩu đoảng như mình.
Mặt trước của các loa Diamondboxx đều là một tấm nhôm phay nguyên khối chuẩn 6061 của hàng không dày khoảng 31mm. Các bạn thường đi xe đạp địa hình cũng sẽ thường xuyên gặp loại nhôm này làm khung xe, nhờ tính chất nhẹ và bền của nó. Bề mặt của loa được phủ sơn dạng anod (với 4 tuỳ chọn màu: xanh, đỏ, đen, xám), cạnh cắt dạng viền kim cương. Nhìn chung, bộ mặt của loa được hoàn thiện tốt, lắp khít với thùng loa đều đặn.
Bên cạnh việc là mặt trước của loa thì tấm nhôm này có lẽ cũng là phần tản nhiệt và khung chính của loa, nơi lắp những thành phần bên trong như củ loa, mạch ampli, mạch điều khiển… chính vì vậy mà ở đây có rất nhiều ốc vít (khoảng 42) không được giấu đi. Việc mở ra để sửa chữa hoặc thay thế linh kiện khi gặp vận đen cũng có thể hy vọng không mấy phức tạp.
Loa Diamondboxx không sử dụng ê căng. Thay vào đó, các củ loa tweeter mong manh được bảo vệ bởi lưới riêng. Còn các loa củ loa woofer lớn lại sử dụng nón loa bằng nhôm với độ cứng đủ để tự bảo vệ.
Với trọng lượng 8,3kg, Diamondboxx dĩ nhiên phải thiết kế một tay cầm để có thể di chuyển bộ loa size L này dễ dàng hơn, nhưng đây vẫn không phải là việc nên để các bạn gái làm. Tay cầm được bọc da, và cũng được vít chặt bởi 4 con ốc để đảm bảo độ bền. Chỉ duy nhất phần chân cao su được nhà phân phối cảnh báo có thể bị tuột rơi, nhưng sau khoảng 3 tuần sử dụng và mang di chuyển khá nhiều mà chưa thấy vấn đề gì.
Tại sao lại có cái tên Diamondboxx? Mấy bạn thiết kế bộ loa này đã gắn một viên kim cương (nhân tạo) cỡ 2 carat vào thân loa, đặt khá kín đáo chứ không hề phô, và phía dưới đặt 1 đèn LED RGB để hiển thị dung lượng pin (trắng = đầy, vàng = yếu, đỏ = sắp phải sạc. Kim cương vốn là loại đá quý phản xạ ánh sáng cực tốt, và ý tưởng dùng để làm đèn trang trí cho loa không hề tồi. Nhà sản xuất cũng có ý ấn dụ rằng âm thanh của loa đáng quý như kim cương chăng?
Tính năng và vận hành
Diamondboxx có lẽ được so sánh nhiều nhất với các sản phẩm của Marshall do cùng hướng retro, song nhìn sâu hơn thì việc chọn lựa giữa 2 thương hiệu này là rất dễ. Marshall sử dụng thiết kế truyền thống từ hàng chục năm nay, có thể coi là một biểu tượng của làng âm thanh chuyên nghiệp, mà vẫn duy trì cả tính năng chỉnh bass/treble rất tiện dụng, có cả cổng optical để kết nối TV, máy chơi game console… tuy nhiên không có pin gắn trong với các sản phẩm có kích thước lớn như của Diamondboxx (hay nói đơn giản là không có loa di động lớn như vậy).
Ngược lại, Diamondboxx size L cực kỳ đơn giản. Hai nút điều khiển duy nhất trên thân loa là tắt/mở và âm lượng. Nút Bluetooth thường gặp cũng đã bị cắt bỏ, bởi kết nối không dây này chỉ tắt đi khi người dùng cắm dây 3,5mm ở mặt trước. Mỗi khi bật loa lên, hệ thống sẽ ưu tiên kết nối với thiết bị đã giao tiếp gần nhất, nếu không được thì sẽ để thiết bị mới tiếp cận. Nhìn chung, thao tác sử dụng loa được tối giản rất thân thiện, chẳng có gì đáng phàn nàn.
Phiên bản mà tôi sử dụng pin sạc Li-ion dung lượng 20.800 mAh (sử dụng cell Samsung) với cam kết giữ được 80% dung lượng sau 1.000 lần sạc, ước tính khoảng 6 năm sử dụng. Thời gian sử dụng thực tế ở khoảng hơn 10 giờ với mức âm lượng trung bình, song thời gian sạc chỉ cần gần 3 giờ.
Người dùng có thể tận dụng pin gắn trong của loa để sạc cho smartphone hay tablet thông qua cổng USB ở mặt trước. Cổng USB này có công suất đầu ra tối đa 5V 2.1A nên sạc khá nhanh phần lớn thiết bị di động hiện nay.
Một loa Diamondboxx size L có công suất tối đa 140watt (peaking đạt 350watt). Nhưng người dùng có thể kết nối 25 loa cùng loạt qua 4 cổng In/Out phía sau lưng để tạo thành một hệ thống loa đồ sộ thừa sức phá làng phá xóm. Mặc dù dây kết nối 2 đầu 6,3mm để làm việc này không đi kèm trong bộ sản phẩm, song nếu muốn mua thêm thì cũng chỉ mất 100-300 nghìn đồng.
Trên thực tế, tôi đã mang thử chiếc loa này tới một quán cà phê có phòng chính rộng gần 50 mét vuông, vẫn có cửa lớn để thông sang phòng khác. Với âm lượng chưa tới 50%, mọi vị trí trong phòng đều vừa đủ nghe và vẫn có thể nói chuyện. Công suất của Diamondbox size L không hề thua kém các loa bookshelf cỡ vừa.
Làm loa phát tiếng to thực ra không quá khó, mà quan trọng là dù ở mức âm lượng thấp thì tiếng vẫn đầy đặn, còn ở mức âm lượng cao cũng không vỡ tiếng. Buổi tối, mọi người thường chỉ nghe ở khoảng 15-20% âm lượng, song chiếc loa này vẫn cho dải bass khá ổn.Diamondbox size L gần như đạt được các tiêu chí này để vượt qua các loa di động thông thường.
Cấu hình của loa gồm 2 củ loa trầm woofer đường kính 135mm dạng active đi kèm ampli riêng, dùng nón nhôm và nam châm neodymium, kết hợp 2 củ loa cao tweeter cỡ 25mm dùng dome titan với voice coil có tản nhiệt nước. Thùng loa được thiết kế theo nguyên tắc 2 bộ cộng hưởng Helmholtz có kích thước 51mm, được căn chỉnh để hỗ trợ bass ở dải dưới 45Hz. Dải tầm đáp ứng của loa theo thông số của nhà sản xuất ở khoảng 40-20.000Hz.
Về tổng thể âm thanh, Diamondbox size L gây ấn tượng rất mạnh về độ trong trẻo cao, và mức méo cực thấp, nên trung âm luôn là điểm nhấn. Dải cao đôi khi tỏ ra hơi gắt nhẹ và giọng nam hơi mỏng, nhưng dễ dàng thể hiện sự chi tiết của bản nhạc. Chất lượng nhạc kém có thể bị phô rõ với bộ loa này, giọng vocal nữ có thể bị sibilance nhẹ. Bass không quá nhiều, bù lại xuống được rất sâu so với các loa di động thông thường, chắc và không ù. Chính bởi vậy mà tôi nói rằng âm thanh của Diamondboxx size L theo kiểu người lớn, không cục mịch, vẫn có nét tinh tế riêng. Chất lượng âm thanh của loa sẽ được cải thiện sau vài ngày “chạy rà”, nhưng vẫn giữ phong cách khá cân bằng chứ không nịnh tai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi nghe bộ loa này ở phòng nhỏ quá thì có thể gặp hiện tượng ù.
Nhìn chung, mặc dù cảm quan sơ lược của tôi khá khắt khe, Diamondboxx size L vẫn là một trong những bộ loa di động ấn tượng nhất về mọi mặt. Với mức giá 35 triệu đồng đi kèm chính sách bảo hành, Diamondboxx size L không có đối thủ trực tiếp trong nhóm loa di động tại Việt Nam, bởi hướng đi của thương hiệu Mỹ này khá độc mà vẫn có nhiều chi tiết thực dụng.
Thông tin tham khảo về sản phẩm có thể tham khảo tại đây: http://royaltechnology.vn/product/diamondboxx-model-l-duratex-black-w-black-anodized-face/
Nguồn: tinhte.vn/4fun