Trước giờ khi nghĩ đến việc lắp đặt máy chiếu, chắn hẳn điều đầu tiên mọi người sẽ nghĩ đến là tìm kiếm kích thước màn chiếu phù hợp với căn phòng, và sẽ phải tính ra khoảng cách treo máy chiếu để có thể phát ra đầy đủ khung hình. Kéo theo đó là một loạt những công việc phát sinh khác như đi dây HDMI, đi đây nguồn cho máy chiếu, đục khoét thạch cao, bắt giá treo,…

Những công việc phát sinh đó cũng kéo thêm nhiều vấn đề khác. Đầu tiên, chúng ta phải dầu tư dây HDMI dài có khi lên đến 15m, và vì là đi dây âm trần nên ít nhất cũng cần có 2 sợi để backup trong trường hợp hư hỏng trong quá trình đi dây. Thứ 2: khoảng cách đặt máy chiếu thường nằm ở đúng vị trí phía trên đầu người xem, vì vậy cũng ảnh hưởng đến cảm giác xem phim khi mà có một cục to đùng ngay phía trên đầu mình. Đó là chưa nói đến những bất tiện nếu phải khoét lỗ thạch cao để bắt giá treo máy chiếu lên trần bê tông.

Từ rất lâu rồi tôi nhận ra những chiếc máy chiếu Ultra Short Throw trên thị trường là giải pháp hoàn toàn triệt để cho những bất tiện trên, nhưng tất cả chúng đều không phải dành cho home cinema, vì vậy khó mà chấp nhận được khi xem phim tại nhà.

Có lẽ không phải tôi là người duy nhất băn khoăn về giải pháp máy chiếu siêu gần cho home cinema, những nhà sản xuất máy chiếu mới là người nắm rõ điều đó. Và đi tiên phong trong số họ, là thương hiệu Viewsonic quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

LS820 là một trong 3 chiếc máy chiếu siêu gần mới nhất và mới vừa xuất hiện tại Việt Nam. Tôi may mắn là người được trải nghiệm nó ngay trước ngày tổ chức hội thảo ra mắt tại TP HCM. Phải nói rằng đây là một bước tiến rất quan trọng, làm thay đổi toàn bộ quy trình lắp đặt máy chiếu truyền thống xưa đến giờ, và dĩ nhiên có những ưu điểm nhất định của một chiếc máy chiếu siêu gần.

Tại sao phải siêu gần?

Trong môi trường sử dụng tập thể như hội họp, lớp học, chiếc máy chiếu treo quá xa sẽ là một cực hình đối với người thuyết trình. Bạn sẽ không thể thoải mái và tập trung được nếu bị nguồn sáng sáng mạnh, nóng chiếu trực tiếp vào người. Có cầu thì có cung, máy chiếu siêu gần ra đời nhằm khắc phục nhược điểm lớn nhất đó.

Còn đối với phòng giải trí gia đình, điều này cũng mang lại giá trị thực tiễn không kém. Nó giúp phòng chiếu phim thẩm mỹ hơn khi loại bỏ chiếc máy chiếu treo tòng teng giữa phòng, thoải mái sinh hoạt, vui chơi mà không lo bị vướng hình.

Khoảng cách đặt máy chiếu rất gần, thậm chí có thể đặt ngay lên phía trên kệ thiết bị phía trước, vì vậy rất chủ động trong việc lắp đặt dây dẫn

Cơ chế hoạt động

Thật ra không một hãng máy chiếu nào làm ra một chiếc lens ultra wide có thể phóng hình trong khoảng cách 50cm được. Giải pháp ở đây là sử dụng một tấm gương cầu đặt đối diện với nguồn sáng. Độ cong của tấm gương được tính toán cẩn thận nhằm gom tia chiếu lại thành đúng khung hình chữ nhật vuông vức.

So với các mẫu máy chiếu ultra short throw khác, tấm gương cầu khuếch tán và ống kính của LS802 nằm sâu phía trong thân máy, được bảo vệ bởi một tấm kính bên ngoài. Thiết kế kiểu này thì khỏi sợ tay trẻ em táy máy chạm vào.

Ngoại hình

Nhắm đến phân khúc máy chiếu giải trí gia đình, nên tất cả các chi tiết thiết kế được Viewsonic chăm chút rất kỹ lưỡng. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi có một cảm giác khá hầm hố, kết hợp đen bóng, đen nhám và các đường vát cạnh sắc lẻm. Hàng nút điều khiển phía bên phải cũng được cách điệu dạng zic zac cho phù hợp với đường vát xéo trên thân máy.

Lỗ thoát hơi bên hông có cả một lớp fillter chắn bụi. Khe điều hướng xéo 45 độ để đảm bảo khi nhìn từ phía trước, chiếc máy cỏ vẻ liền mạch không có khe hở nào.

Viewsonic còn ưu ái trang bị cả một hệ thống loa mini ở mặt trước. Trải nghiệm thực tế thì loa của LS820 kêu rất to, và hay hơn hẳn mấy chiếc máy chiếu dòng home mà trước đó tôi có dịp trải nghiệm. Nhưng dù sao thì đối với tôi, nó chỉ có tác dụng chữa cháy thôi.

Chỉ có một điểm nhỏ tôi cảm thấy hơi dư thừa, đó là logo Viewsonic in ở giữa thân máy, trong khi ở mặt trước đã có một tấm logo được dập nổi rất đẹp rồi.

Một loạt các cổng kết nối phía sau, đủ các thể loại ăn chơi: HDMI, Component, Video, S-Video, VGA in-out, LAN, Audio in-out, trigger, USB.

Chưa hết, dưới đáy máy còn có một cái nắp đậy, để chứa bên trong một thiết bị phát HDMI không dây nào đó, ví dụ như Google Chrome Cast.

Đó là tất cả những gì mà tôi đánh giá qua việc quan sát bên ngoài, dưới đây tôi sẽ nói về một thứ quan trọng hơn mà chiếc Viewsonic LS820 này sở hữu: nguồn sáng Laser.

Tương tự như công nghệ nguồn sáng LED, Laser đem lại tuổi thọ sử dụng vượt trội so với đèn truyền thống, và gần như tắt mở ngay lập tức mà không cần phải đợi warm up. Nhưng cái quan trọng nhất mà nguồn sáng Laser đem lại, chính là sự hiệu quả trong quá trình sử dụng.

Về cơ chế hoạt động của đèn truyền thống, bóng đèn phát ánh sáng trắng, ánh sáng trắng sẽ này bị hấp thụ bởi các bộ lọc để chỉ còn lại ánh sáng màu cơ bản như đỏ, xanh lá, xanh dương. Còn nguồn sáng Laser có thể tạo ra màu sắc cần thiết một cách chính xác, trong khi tiêu thụ ít điện năng hơn.

Về mặt lý thuyết, ví dụ đèn UHP sử dụng 300W để tạo ra ánh sáng trắng, trong đó chỉ có một phần để tạo ra ánh sáng đỏ, xanh lá, xanh dương, còn lại bị lọc bớt một cách lãng phí. Trong khi máy chiếu laser có thể tạo ra 3 tia laser cho 3 màu cơ bản, mỗi tia 100W.

Vấn đề an toàn

Công nghệ ánh sáng Laser từ lâu đã được ứng dụng rất nhiều trong y tế và công nghiệp, và bất kì ai cũng biết rằng nó rất hại nếu trực tiếp chiếu vào mắt người. Vậy ánh sáng Laser của máy chiếu có thực sự nguy hiểm?

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các nhà sản xuất ứng dụng ánh sáng Laser Class 2, là loại laser có công suất dưới 1mW phát ra các bức xạ đơn sắc, hoàn toàn ko nguy hiểm nếu chiếu vào mắt không được bảo vệ trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, tia Laser phát ra từ ống kính máy chiếu hoàn toàn vô hại khi bị khuếch tán bởi bánh xe màu phoshor từ bên trong.

Tại sao lại gọi là Laser Phosphor? Cơ chế hoạt động?

Nhắm đến phân khúc thị trường dân dụng, tiết kiệm chi phí đầu tư là điều tối quan trọng. Vì vậy thay vì sử dụng nguồn Laser phát ra 3 tia sáng của hệ màu RGB, hệ thống lai ra đời. Để tạo ra phổ màu đầy đủ, 3 màu cơ bản RGB được tạo ra từ một tia sáng Laser duy nhất, thường là tia sáng màu xanh lục (Blue).

Nguồn sáng laser màu xanh đi qua một bánh xe phosphor để tạo ra ánh sáng vàng và xanh lá cây. Ánh sáng vàng tiếp tục đi qua một bánh xe màu để tạo thành ánh sáng đỏ, lúc này đã tạo thành 3 màu cơ bản đầy đủ.

3 màu cơ bản này tiếp tục đi qua 1 thấu kính khuếch tán, sau đó chiếu trực tiếp và chip DMD như những chiếc máy chiếu DLP thông thường khác.

Trải nghiệm thực tế

Để trải nghiệm cảm giác mới mẻ của chiếc máy chiếu siêu gần, tôi sử dụng một chiếc màn chiếu quang học Ambient Light Rejecting (tạm dịch là loại bỏ ảnh hưởng của ánh sáng môi trường). Đây là loại chất liệu đặc biệt, được cấu thành bởi nhiều lớp phim phân cực, có thể sử dụng trong môi trường nhiều ánh sáng. Kết hợp với chiếc Viewsonic LS820, hệ thống trình chiếu này dễ dàng làm cho người xem lầm tưởng rằng đang xem một chiếc TV 120 inch thực thụ.

Để phát ra được màn chiếu 120 inch, tôi đặt máy chiếu khoảng cách chưa tới 50cm. Vì là tiêu cự cố định, nên chỉ còn cách thay đổi vị trí máy chiếu tịnh tiến lên xuống để điều chỉnh kích thước khung hình. Không có lenshift, nhưng bù lại hệ thống auto keytone và adjust corner hoạt động rất hiệu quả, không tốn quá nhiều thời gian để điều chỉnh vừa khít khung hình.

Thực tế screenshot này được chụp khi phòng mở đèn, vì máy ảnh đo sáng vào khung màn chiếu nên tấm ảnh bị trừ EV khá nhiều, kết quả là không thể hiện được môi trường ánh sáng xung quanh. Có ai nhận ra chiếc LS820 đặt ngay phía dưới màn chiếu không?

Vì vậy các screenshot bên dưới tôi tắt hết đèn để cảm nhận được giá trị thực sự chiếc LS820 đem lại.

Sử dụng công nghệ DLP, nên nghiễm nhiên lợi thế đầu tiên của LS820 là độ sâu màu đen. Mặc dù không tìm thấy trên website của hãng, và hệ thống menu, nhưng tôi nghĩ tính năng Dynamic Black Level đã được hãng tích hợp mặc định. Bởi ưu thế điều chỉnh độ sáng linh hoạt của Laser là không thể nào chối bỏ được.

Cũng như chiếc Optoma HD92 mà tôi đã trải nghiệm trước đây. Thay vì sử dụng cửa sổ IRIS như các máy 3LCD và LCOS, Dynamic Black Level của DLP sử dụng thuật toán để tăng giảm độ sáng phù hợp với khung hình. So với cửa sổ IRIS cơ học, thuật toán này có tốc độ đáp ứng gần như tức thì, và hoàn toàn không gây tiếng ồn.

Những tấm hình screenshot này được chụp ở chế độ Movie mặc định. Mặc dù chưa đo bằng sensor, nhưng phần lớn khả năng chiếc LS820 này đã được Viewsonic calibrate kỹ trước khi xuất xưởng.

Thông số Dynamic Contrast 100.000:1 có vẻ hơi thấp hơn so với những sản phẩm khác cùng tầm giá. Nhưng thực tế sử dụng thì tôi không còn nghi ngờ gì về đẳng cấp nữa.

Lục lọi trong menu tôi không thấy phần nào để điều chỉnh tính năng nội suy khung hình, nhưng rõ ràng có sự khác biệt giữa chế độ Movie và Standard. Có lẽ nhà sản xuất âm thầm trang bị tính năng này cho riêng chế độ Movie. Xem đoạn video cá bơi này phê lắm nhưng tôi không có cái máy quay phim 60 fps nào để thể hiện phần này được.

Một số screenshot của những bộ phim quen thuộc

Kết luận

Bộ 3 sản phẩm trong series LS mới của Viewsonic cho thấy sự tâm huyết của hãng dành cho thị trường Home cinema projector. Sự chăm chút vào thiết kế, khoảng cách trình chiếu siêu gần và trang bị công nghệ nguồn sáng Laser mới nhất, tất cả những điều này tạo nên dòng sản phẩm mang tính đột phá, khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Hầu hết những sự đột phát đều cần có thời gian để người sử dụng chấp nhận. Đối với những đơn vị kinh doanh như tôi, đây là điều đáng hoan nghênh bởi những thay đổi này đem lại giá trị sử dụng thực tế quá rõ ràng.

Nguồn: conbaoso.com