Những chiếc tai nghe nhét tai IEM (In-ear monitor) không quá phổ biến như AirPods, nhưng chúng vẫn có một lượng người hâm mộ khổng lồ, từ những người đam mê âm thanh (audiophile) cho đến nghệ sĩ, ca sĩ hát trên sân khấu cũng như kỹ sư âm thanh.
Vậy khi tìm mua 1 bộ tai nghe IEM đầu tiên, bạn cần chú ý những gì? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến 9 thứ mà bạn cần cân nhắc để xem liệu sản phẩm đó có phù hợp với nhu cầu của bạn hay không.
1. Cáp tai nghe là dạng thẳng tuột hay là vòng qua tai?
Các tai nghe IEM thường có 2 dạng thiết kế cáp kết nối: thẳng tuột và vòng qua tai. Đúng như cái tên, các sợi cáp thẳng tuột sẽ có thiết kế đi từ đuôi tai nghe thẳng xuống phần kết nối, giống như những chiếc tai nghe thông thường từ trước đến nay (EarPods của Apple cũng sử dụng dạng thiết kế dây như vậy). Trong khi đó, những sợi cáp vòng qua tai sẽ quấn quanh sau gáy tai của bạn.
Hầu hết các sợi dây tai nghe IEM đều sử dụng thiết kế vòng qua tai vì nó tốt hơn trông việc giữ cố định tai nghe trên tai của bạn và cũng giúp giấu đi những sợi cáp vướng víu. Dù vậy, bạn có thể có cảm giác hơi khó chịu khi lần đầu tiên sử dụng chúng. Những sợi cáp thẳng thường hiếm xuất hiện hơn trong các tai nghe IEM.
2. Cáp tai nghe có thể tháo rời được không?
Một lợi thế lớn nhất mà các tai nghe IEM có được so với những tai nghe thông thường chính là khả năng tháo rời dây cáp. Nói đúng hơn, bạn có thể tách rời dây cáp ra khỏi tai nghe. Có thể, bạn nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, nhưng việc tháo rời tai nghe sẽ giúp giải quyết 4 yếu tố chính:
– Nếu dây cáp bị hỏng, bạn chỉ cần mua 1 sợi cáp khác để thay thế chúng thay vì mua 1 bộ tai nghe IEM mới.
– Bạn có thể cất dây cáp và tai nghe riêng biệt với mục đích quản lý tốt hơn.
– Bạn có thể mua 1 mô-đun Bluetooth bên thứ 3 để biến tai nghe thành dạng không dây.
– Hơn nữa, bạn cũng có thể thay thế 1 sợi dây cáp tốt hơn nhằm cải thiện chất âm.
3. Tai nghe đó có micrô sẵn trên dây không?
Không chỉ phải đảm bảo chất âm hay trên những bộ tai nghe IEM, bạn cũng nên cân nhắc đến những yếu tố khác từ chúng, chẳng hạn như hiệu ứng âm thanh chơi game hay cuộc gọi. Các IEM cao cấp thường không có micrô tích hợp cũng như cụm điều khiển bởi chúng được sản xuất dành riêng cho mục đích giám sát trong phòng thu (studio monitoring) và biểu diễn trên sân khấu.
Mặt khác, các IEM cấp thấp và tầm trung thường được tích hợp micrô và điều khiển từ xa trên dây cáp. Thế nên, bạn có thể dùng chúng để nghe các cuộc gọi một cách rõ ràng hơn.
4. Thông số kỹ thuật của chúng
Bạn có thể nghĩ rằng thông số kỹ thuật của tai nghe IEM (hoặc bất kỳ loại tai nghe nào) không quan trọng. Thế nhưng, có một vài yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý đến, chẳng hạn như tần số đáp ứng, độ nhạy và trở kháng. Chúng giúp bạn tránh đầu tư sai vào 1 sản phẩm không phù hợp.
Trong số này, thông số kỹ thuật quan trọng nhất mà bạn cần biết chính là trở kháng. Nó cho biết bạn cần những hệ thống nào để đáp ứng tai nghe, chẳng hạn như smartphone, laptop hay máy nghe chuyên dụng. Một hệ thống không tương thích sẽ không đủ “kéo” tai nghe IEM của bạn, khiến tai nghe bị nhỏ khi nghe và khó lòng thưởng thức chúng. Nói tóm lại, trở kháng càng thấp, tai nghe càng dễ kéo và nghe càng to cùng ở mức ấm lượng, trong khi đối với những tai nghe trở kháng cao, bạn cần phải những thiết bị chuyên dụng, chẳng hạn như máy nghe nhạc, DAC, Amp, để tận dụng tối đa sức mạnh của chúng.
5. Loại driver bên trong chúng? Và có bao nhiêu driver?
Dẫu những tai nghe tiêu chuẩn thường giới hạn ở các driver dynamic (loại phổ biến nhất), thế nhưng, nhiều tai nghe IEM sở hữu cả driver dynamic và balanced armature (BA), cùng với một số tùy chọn khác. Một số tai nghe IEM thậm chí còn được kết hợp giữa nhiều driver khác nhau nhằm tái tạo âm thanh tốt hơn.
Không có gì quá lạ khi các IEM cao cấp thường có nhiều driver ở mỗi bên tai nghe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc trang bị nhiều driver không có nghĩa là chúng mang đến chất lượng âm thanh cao hơn. Nó phụ thuộc vào việc các driver đó được thiết kế và tinh chỉnh âm tốt như thế nào.
6. Vỏ tai nghe được làm bằng chất liệu gì?
Các tai nghe IEM thường được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, chẳng hạn như kim loại, resin, sợi carbon, nhựa, gỗ… Những vật liệu này có thể tác động rất lớn đến trải nghiệm tổng thể của bạn. Ví dụ, các tai nghe IEM có vỏ làm bằng kim loại rất bền nhưng có thể làm mỏi tai chúng ta do trọng lượng của chúng.
Ngược lại, các IEM có cấu trúc vỏ bằng sợi carbon lại nhẹ hơn, cứng hơn và không bị gỉ. Nhưng chúng có giá cao hơn rất nhiều so với những loại có vỏ resin hoặc nhựa. Ngoài ra, hãy nhớ rằng, do các tai nghe IEM có rất nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, một số có thể không vừa vặn với tai của bạn và gây cảm giác khó chịu.
7. Chất âm của chúng như thế nào?
Chất âm của 1 bộ tai nghe IEM (hoặc bất kỳ tai nghe nào khác) là thứ để xác định “hương vị” của âm thanh mà bạn nghe. Chẳng hạn, chất âm “tối” (dark) lý tưởng cho những bass-head vốn yêu thích âm trầm (bass) và muốn có dải âm trầm mạnh mẽ.
Ngược lại, những audiophile hoặc các chuyên gia lại thường thích chất âm “phẳng” (flat) hoặc “cân bằng” (balanced), mang lại cảm giá trung thực hơn và bộc lộ những sắc thái tinh tế có trong những bài hát. Hãy nắm rõ chất âm mà bạn mong muốn từ các tai nghe IEM trước khi quyết định mua chúng.
8. Âm trường và âm hình của chúng như thế nào?
Dẫu bạn có thể hình dung phần nào chất âm của IEM thông qua biểu đồ dải tần, thế nhưng, âm trường và âm hình lại là 2 thứ bạn không thể mô tả trên lý thuyết. Thế nên, để có thông tin về chúng, bạn sẽ có 2 lựa chọn: xin đánh giá từ người khác về tai nghe đó hoặc tự mình nghe thử. Tất nhiên, bạn vẫn nên nghe thử chúng để đánh giá nếu có điều kiện.
Âm trường rộng hơn sẽ làm cho âm thanh mà bạn nghe có “không gian” hoặc 3D hơn như thể bạn đang ngồi trong 1 khán phong. Âm hình tốt sẽ giúp bạn có thể xác định chính xác vị trí của từng nhạc cụ và ca sĩ trong không gian 3D tưởng tượng, làm cho mọi nhịp điệu đều trở nên khác biệt. Tuy nhiên, do cấu trúc thiết kế, các tai nghe IEM thường không có âm trường quá rộng.
9. Liệu tai nghe IEM đó có đi kèm các tùy chọn nút nhét (eartips) khác?
Tương tự như phần thân vỏ của chúng, các nút nhé (eartips) IEM được làm từ nhiều vật liệu khác nhau cũng như có nhiều hình dạng và kích cở, chẳng hạn như silicon, cao su, foam hay thậm chí là hybrid (kết hợp). Các nút nhét silicon là loại phổ biến nhất, nhưng những dạng sử dụng foam lại giúp cải thiện khả năng chống ồn thụ động.
Dù vậy, bạn sẽ có những trải nghiệm và lựa chọn khác biệt so với người khác, phụ thuộc vào hình dạng và kích thước tai của bạn. Những tùy chọn khiến người khác thoải mái nhưng có thể tạo cảm giác khó chịu cho bạn. Hãy cân nhắc đến vấn đề liệu tai nghe IEM mà bạn định mua có đi kèm với các nút nhét kích thước khác nhau để bạn thay thế hay không.
Chọn tai nghe IEM phù hợp đối với bạn
Ngay cả khi không phải là một người đam mê âm thanh hay chuyên nghiệp, các tai nghe IEM có thể là bước đầu tiên nhằm nâng cao trải nghiệm nghe nhạc thông thường của bạn. Nhờ sự bùng nổ của các IEM giá rẻ, thường đến từ Trung Quốc hay gọi tắt những sản phẩm này là Chi-Hi, việc mua bộ tai nghe chất lượng chưa bao giờ dễ dàng hơn đến thế. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một bộ tai nghe IEM tuyệt vời với mức giá chưa đến 1 triệu đồng trong trường hợp chưa sẵn sàng chi quá nhiều cho những sản phẩm này.
Nguồn: vnreview