HFVN – Với cùng công nghệ và tên gọi Uni-Fi, dòng loa đồng trục mới của Elac được phát triển 2 phiên bản với tên mã có đôi chút khác biệt: Uni-Fi UF5 dành cho thị trường Mỹ và Uni-Fi FS U5 dành cho thị trường Châu Âu. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì gu thẩm mỹ của 2 thị trường này hoàn toàn khác nhau: Nếu như người Châu Âu yêu thích vẻ tinh tế, gọn gàng, thì người Mỹ lại mong muốn vẻ ngoài có phần sần sùi và “cơ bắp” hơn.
Để bảo toàn thể tích và các hiệu ứng từ thùng loa, phiên bản Châu Âu Uni-Fi FS U5 được làm hẹp hơn về chiều rộng nhưng dài hơn về chiều sâu so với phiên bản Mỹ Uni-Fi UF5. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể phân biệt được ngay 2 phiên bản này mà không cần dựa vào kích thước nhờ vào màu sơn hoàn thiện bên ngoài: Phiên bản Châu Âu được sơn mờ còn phiên bản Mỹ được dán vinyl dạng phay xướt.
Các sản phẩm trong dòng Uni-Fi được thiết kế bởi Andrew Jones, vị kỹ sư giàu kinh nghiệm đã từng kinh qua các vị trí quan trọng tại nhiều hãng lớn như: KEF, TAD, Pioneer… Ông vốn dĩ rất tâm đắc với thiết kế mid-treble đồng trục khi còn làm việc tại KEF vào thời kỳ hoàng kim của hãng. Sau đó, bằng những kinh nghiệm và các kỹ năng của mình, Andrew Jones tiếp tục phát triển và cống hiến cho TAD một vài mẫu loa đồng trục cao cấp và môt lần nữa cũng gặt hái được rất nhiều thành công với triết lý thiết kế này.
Tương tự, ngay khi về cộng tác tại Elac, ngay lập tức ông đã kết hợp những kinh nghiệm tích lũy và nền tảng kỹ thuật của Elac để tạo nên một thế hệ loa mid-treble đồng trục mới với chất lượng tốt nhất từ trước đến nay. Nhìn vào thiết kế của dòng Uni-Fi, rõ ràng những năm tháng làm việc tại KEF đã thuyết phục ông về hiệu quả của cách bố trỉ củ loa mid-treble đồng trục này. So với các thiết kế đã từng thực hiện, củ loa đồng trục Uni-Fi mới này có giá hợp lý hơn đồng thời vẫn giữ được ưu điểm tuyệt vời của Elac với các thiết kế của loa màng nhôm.
Ngoại trừ củ loa tweeter, tất cả các củ loa con của Uni-Fi đều sử dụng màng nhôm độc quyền.
Dòng Uni-Fi bao gồm 03 model: 01 mẫu loa bookshelf Uni-Fi BS U5, 01 mẫu loa cột Uni-Fi FS U5 và 01 mẫu loa center Uni-Fi CC U5 với thùng loa được sơn mờ màu trắng hoặc đen. So với việc dán decal giả gỗ, đây rõ ràng là một lựa chọn hợp lý hơn dàng cho các sản phẩm tầm trung. Đây cũng là xu hướng chung của các thiết kế nội thất hiện đại được khởi đầu bởi hãng IKEA.
Mẫu loa cột Uni-Fi FS U5 được trang bị màng ê-căng kết nối bằng nam châm, đi kèm với một bộ chân đế được gia công từ các thanh nhôm anôt. Bộ chân đế được lắp thêm vào bên dưới thùng loa, mở rộng hơn về 2 bên so với thân loa. Cơ cấu này trông có vẻ hơi lạc lỏng trong ngôn ngữ thiết kế liền khối tối giản của loa, tuy nhiên nó đã được kiểm nghiệm cẩn thận và mang lại sự ổn định tổng thể cao hơn. Dù sao thì trông nó thực sự là một mảng khá ấn tượng đấy chứ!
Bộ chân đế này có phần núm điều chỉnh độ cao được làm thành núm to đặt ở phía trên trên giúp thao tác cân chỉnh được thực hiện dễ dàng. Trong bộ phụ kiện đi kèm còn có các chén kim loại dùng để kê vào chân đinh trong trường hợp đặt loa trên sàn gỗ.
Vòng ra phía sau thùng loa, bạn sẽ tìm thấy một móc nhỏ, tuy nhiên nó quá nhỏ để có thể treo tường. Kỳ thực, móc nhỏ nằm được thiết kế giúp bạn cố định loa vào tường bằng dây cáp nhằm tăng tính an toàn đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Ý tưởng này được vay mượn từ các thiết kế nội thất Bắc Âu, dù không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh nhưng cũng rất đáng hoan nghênh cho sự chu đáo tỉ mỉ này của Elac.
Và bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến thành phần quan trọng nhất: Củ loa. Đặc điểm giúp Uni-Fi khác biệt so với các đôi loa Elac trước đây chính là củ loa đồng trục Uni-Fi. Vâng chính là củ loa mà chúng tôi muốn khám phá nhât trên sản này. Củ loa Uni-Fi kết hợp một củ loa midrange bằng nhôm 100mm hình nón bao quanh một củ loa tweeter màng lụa 25mm đặt ở trung tâm; một kỹ thuật phổ biến mà Tannoy và tất nhiên là cả KEF đã ưa chuộng từ lâu.
Với cách bố trí này, củ loa mid và củ loa treble sẽ có cùng điểm phát và giao thoa tốt hơn, tạo không gian rộng mở hơn so với hai củ loa phát từ 2 điểm khác nhau. Dù vậy, trên thực tế, có rất ít các sản phẩm sử dụng củ loa theo nguyên lý này trên thị trường. Nguyên nhân là do chi phí phát triển và chế tạo: Các củ loa dạng này cực kỳ tốn kém để sản xuất, trừ khi bạn sản xuất với quy mô hàng ngàn.
Ngay phía bên dưới là một khoang độc lập chứa ba củ loa woofer màng nhôm 130mm. Andrew Jones cho biết: “Bên trong thân loa Uni-Fi FS U5 được chia thành hai khoang: trên và dưới. Khoang trên mô phỏng thiết kế bookshelf kinh điển chứa một củ loa đồng trục Uni-Fi và một củ loa bass 130mm với lỗ thoát hơi riêng biệt.
Với phương pháp cách ly với cụm loa bass phía dưới, Uni-Fi có thể dễ dàng kiểm soát sóng đứng có hại và tránh được hiện tượng nhiễu loạn các dòng khí phía trong thùng loa. Khoang bên dưới với thể tích gấp đôi chứa hai củ loa bass 130mm và 2 cổng thoát bass. Bằng cách sử dụng đồng thời cả 2 cổng thoát bass trong cùng một thùng loa, việc lắp đặt Uni-Fi FS U5 sẽ dễ dàng hơn và không quá phụ thuộc vào vị trí”.
Các đôi loa trong dòng Uni-Fi sử dụng cọc loa do chính ELAC thiết kế và chế tạo mà không sử dụng các sản phẩm có sẵn trên thị trường. Cụm cọc loa này được hoàn thiện rất đẹp, tinh xảo và chắc chắn, góp phần nâng cao giá trị và mang đến cảm giác cao cấp dù đây chỉ là những mẫu loa tầm trung.
Thử nghiệm
Trong hệ thống của chúng tôi, loa Uni-Fi FS U5 được đặt cách tường sau 40cm, nhưng đã tạo ấn tượng rất mạnh mẽ từ những giai điệu đầu tiên. Ở Uni-Fi FS U5 có một sự tinh tế và âm bass uy lực mà bạn không thể tìm thấy ở những đôi loa với tầm giá tương đương khác.
Dễ nhận biết nhất là tiếng bass trong bản thu ‘Crosseyed và Painless’ của Talking Heads [trong Album Remain in Light, Sire]. Đối với một đôi loa tầm trung, lần đầu tiên tai tôi có thể nghe thấy tiếng bass sâu và căng đến như thế. Không gian được thể hiện một cách chính xác với đầy đủ trống và guitar. Chuyển sang bản thu ‘Wardrobe Master of Paradise’ của Conjure [trong Album Music For The Texts Of Ishmael Reed, American Clavé], đôi loa Uni-Fi FS U5 đã mang đến sân khấu rộng mở gần như vượt khỏi giới hạn của bức tường bên hông cùng với tiếng bass nhanh và mạnh đáng kinh ngạc!
Quá háo hức bởi phần trình diễn của Uni-Fi FS U5, chúng tôi chuyển sang thể loại khó bằng bản thu Violin solo của Amandine Beyer [trong Album JS Bach Sonatas & Partitas BWV 1001 – 1006, Zig-Zag Territoires]. Ngay lập tức, Uni-Fi FS U5 đã bộc lộ đôi chút điểm yếu trong sự mạch lạc, minh chứng một sự thật rằng bạn sẽ không bao giờ tìm được đôi loa hoàn hảo nào chỉ với mức giá trung bình. Công bằng mà nói, đây là một bản thu thật sự khó thậm chí đối với những đôi loa có giá cao gấp 10 lần Uni-Fi FS U5 trong điều kiện nguồn phát, ampli và phòng ốc đều được xử lý cực kỳ tốt, nhưng điều này hiếm khi xảy ra, hãy quan tâm trong điều kiện bình thường Uni-Fi FS U5 có thể làm được gì.
Về thông số kỹ thuật, Uni-Fi FS U5 có độ nhạy 85dB cùng mức trở kháng 4 ohm, đòi hỏi ampli đối tác cần tương đối “khỏe”. Chúng tôi thử nghiệm với ampli công suất ATC P1 (200W/4ohm) hầu như không gặp bất cứ vấn đề gì; Tuy nhiên, khi chuyển sang ampli với mức giá mềm hơn: Rega Brio (73W/4ohm), thỉnh thoảng ampli có hiện tượng hơi mất kiểm soát , giai điệu vẫn đủ nhưng không tạo được chiều sâu cần thiết trong các track ‘Royals’ của Lorde [trong Album Pure Heroine, Universal] và ‘Inspection Check One’ của Leftfield [trong Album Leftism, Hard Hands]. Tuy nhiên, trong Bản giao hưởng số 7 của Beethoven [trong album Barenboim, Beethoven For All, 24/96, Decca] Uni-Fi FS U5 lại có sức căng và tiếng bass rất tốt. Một phối ghép cũng không đến nỗi tệ.
Quay trở lại với phối ghép cùng ampli công suất ATC P1. Như hổ mọc thêm cánh, Loa Uni-Fi FS U5 có màn trình diễn thật sự xuất sắc với bản thu Messiah của Handel [trong Album Academy of Ancient Music, Hogwood, L’Oiseau-Lyre], với chất giọng của Emma Kirkby vô cùng rõ ràng và ấn tượng. Có thể nói, giọng nói (voice) là một thế mạnh thật sự khác biệt của Uni-Fi cho dù đó là giọng của Taj Mahal, Laura Marling hoặc bất kỳ một giọng nữ cao nào đó, bạn vẫn sẽ nghe thấy trung âm rất rõ ràng và mạch lạc như có thể nuốt trọn từng câu chữ từ miệng ca sĩ vậy.
Lời kết
Về mức giá, không thể so sánh dòng Uni-Fi với các sản phẩm dòng Adante cao cấp vừa mới được Andrew Jones trình làng tại Munich High End tháng năm vừa qua. Tuy ngoại hình Adante gần như tương tự với củ loa mid-treble đồng trục, kết hợp cùng 3 củ loa bass trong một thùng loa đứng giống hệt như Uni-Fi. Nhưng kỳ thực, ẩn giấu phía sau Adante là những thiết kế đắt giá hơn; những củ loa bên ngoài chỉ là những củ loa thụ động được “truyền động” bằng những củ loa chủ động khéo léo giấu bên trong thùng loa.
Sự “tinh quái” của Andrew Jones là ở đây, với cách làm này, người dùng Uni-Fi vẫn sẽ có cảm giác được ưu ái sở hữu những công nghệ và thiết kế mới nhất tương tự như dòng sản phẩm cao cấp với một mức giá quá hời.
Thông số kỹ thuật:
- Thiết kế: Loa cột, 3 đường tiếng (3-way)
- Củ loa:
- 01 x Củ loa mid-treble đồng trục (tweeter màng lụa 25mm, midrange 100mm màng nhôm).
- 03 x củ loa bass 130mm màng nhôm.
- Tần số cắt: 270Hz, 2.7kHz
- Dải tần đáp ứng: 42Hz–25kHz
- Trở kháng danh định: 4 Ohms,
- Trở kháng tối thiểu: 3.4 Ohms
- Độ nhạy: 85dB/W/m
- Kích thước (Cao × Rộng × Sâu): 980 × 178 × 293mm
- Trọng lượng: 16.85kg/chiếc
- Màu sắc: Đen hoặc Trắng
- Giá tham khảo: 50.400.000vnd
- Hãng sản xuất: ELAC
Mai Nguyễn – HifiVietNam.vn
Nguồn: HiFi+ Issue 149