KIipsch duy trì dòng loa đứng với dáng bookshelf hiếm hoi trong làng hiend kể từ năm 1957. Trải qua 60 năm, nhưng gần như hình dáng đôi loa Heresy không thay đôi gì nhiều. Trong suốt thời gian này, Klipsch đã hai lần nâng cấp và cải tiến nhiều chi tiết kỹ thuật, để hôm nay khi đã là Heresy thế hệ thứ 3, Heresy các mốc 60 năm trong vòng đời của phiên bản này và không có dấu hiệu nào cho thấy Klipsch ngừng sản xuất đôi loa “lịch sử” này.
“Heresy”, như ý nghĩa của tên gọi, là cả một câu chuyện của riêng nó. Hầu hết người hâm mộ Klipsch đều biết rằng, dòng loa này là loại loa đầu tiên không đặt vào góc phòng mà Paul W. Klipsch thiết kế. Lời đồn đại cho rằng, vào năm 1957, khi ông đang “vẽ một bức hình có vẽ dơ bẩn phía sau của chiếc phong bì” (theo lời kể của ông), thì một cộng sự nhìn thấy và cho rằng thiết kế này, đến từ Paul Klipsch, là phiên bản loa dị giáo, ý muốn nói đến sự khác biệt hay nói chính xác hơn là cách thiết kế đi ngược tất cả các nguyên lý và triết lý chế tác loa mà Klipsch chủ trương vào lúc đó. Paul W. Klipsch đồng ý với nhận xét của người này. Vì vậy sau đó nó được dùng để đặt tên cho đôi loa. Thật ra, điều này chỉ là một phần của câu chuyện. Tên Heresy không được sử dụng trong các tài liệu quảng cáo của Klipsch cho đến năm 1964. Trước thời điểm đó, loa chỉ được gọi là Model H-700. Đã từng có những cuộc thi đặt lại tên cho Heresy nhưng cuối cùng cái tên “Heresy- Dị Giáo” này vẫn được giữ cho đến ngày hôm nay.
Thật ra Heresy xuất thân là một chiếc loa trung tâm trong hệ thống stereo 3 kênh do Klipsch chủ xướng mà đôi loa chủ đạo là cặp Klipschhorn. Vì cho âm trung rất hay nên nhiều người yêu thích. Lâu dần với nhiều điều chỉnh và phối ghép, nó đã trở thành đôi loa nghe chính trong hệ thống stereo 2 kênh.
Trong suốt quá trình từ năm 1957 đến năm 2006, hãng Klipsch đã cố gắng cải tiến các củ loa và họng kèn cho dòng Heresy I,II,III. Sự cải thiện rõ nét từ dòng Heresy III, khi màng loa được làm từ chất liệu Titanium. Phiên bản này được cho là cho âm thanh dynamic hơn và tiếng trầm sâu lắng hơn.
Cho đến giờ Heresy III không phải là sản phẩm mới của Klipsch, ít ra cũng đã 10 năm kể từ khi làng hiend chính thức có tên Heresy III. Nghe Nhìn có dịp giới thiệu đến cộng đồng audiophile Việt Nam như là để góp thêm chút thông tin cho mẫu loa có tuổi đời lên lão làng này.
Hãy nói về đặc điểm kỹ thuật một chút. Đã hai lần nâng cấp, hẳn nhiên nó có sự khác biệt so với phiên bản đầu tiên. Về hình dáng, Heresy III không khác nhiều so với Heresy II nhưng có khác biệt so với Heresy I. Chúng ta không thấy Heresy I có đế chân. Và như vậy nó được xem là đôi loa bookshelf và thường được được đặt lên chân loa hoặc lên kệ khi nghe.
Klipsch H-700 / Heresy I (từ năm 1957) có mẫu loa tweeter là K-77, họng còi là hợp chất kẽm, công suất 10W và độ nhạy xấp xỉ 105dB, màng loa Phenolic, họng còi bằng nhôm, nam châm Alnico dùng cho đến 1979 thì đổi sang loại Ferrite / ceramic. Loa Mid dùng mẫu K-55-V, công suất 30W, độ nhạy 107 dB, màng loa Phenolic, họng còi bằng nhôm, nam châm Alnico. Loa bass dùng mẫu K-22, công suất 100W, độ nhạy 93 dB, màng bột giấy, nam châm Alnico cho đến giữa thập niên 1970 thay bằng loại Ferrite / ceramic.
Heresy II (từ năm 1985) có mẫu loa tweeter K-76 do chính Klipsch phát triển, có thiết kế khác mẫu K-77. Loa mid dùng mẫu K-53 cũng do chính Klipsch phát triển, khá giống với mẫu K-55. Loa bass dùng mẫu K-24 được làm bởi Klipsch có thông số tương đương K-22.
Heresy III (từ năm 2006) dùng mẫu loa tweeter K-107-TI, màng loa làm bằng Titan. Loa mid dùng mẫu K-53-TI, màng loa Titan. Loa bass dùng mẫu K-28-E, màng loa bằng sợi tổng hợp. Họng còi của mid và tweeter dùng loại Tractrix® đặc chế của klipsch.
Trên đây là những thông số cơ bản của củ và họng loa qua các đời Heresy. Chúng ta chưa thể hình dung được nó thể hiện thế nào khi được phối ghép và trình diễn. Những thông số kỹ thuật lý tưởng do nhà sản xuất đưa ra cũng đem đến cho chúng ta nhiều sự ham muốn. Bạn thử hình dung với độ nhạy 99dB @ 1 watt/1 meter, Heresy III cho bạn dễ dàng phối ghép với các dòng Ampli công suất thấp, nhất là Ampli đèn. Theo thông số này ta chỉ cần công suất 1W để có thể được âm thanh mức 99dB khoảng cách 1 mét, khi áp vào loa công suất 4W ta được 105dB và 8W là 108dB. Vậy khi bạn ngồi với khoảng cách 3 mét, bạn vẫn có thể nghe được khoảng 99 dB, một mức âm không hề nhỏ chút nào.
Tuy nhiên chúng ta chỉ mới nói về độ lớn của âm thanh mà chưa nói đến chất âm nó tái tạo. Heresy III được hãng khuyến cáo rằng có củ loa bass loại mới mạnh mẽ và có độ trầm sâu lắng hơn. Cả hai tần số cao và trung được cải thiện cho nhuyễn hơn nhờ củ loa mới với màng loa bằng Titan. Roy Delgado là kỹ sư thiết kế, chịu trách nhiệm chính trong dự án nâng cấp dòng sản phẩm Heritage đã cho rằng những củ loa được dùng cho Heresy III tạo một sự thay đổi toàn diện để chất âm mượt mà và nhạc tính hơn. Họng loa còi được dùng cũng là loại Tractrix® đặc chế riêng của Klipsch, góp phần làm nên sự hoàn thiện của đôi loa.
Thế đứng của Heresy III khi bắt đế chân vào và đặt dưới sàn, cho phép người nghe thưởng thức như một loa đứng có chiều cao trên 1 mét nhờ góc loa chếch lên, hướng về tai người nghe. Khi tháo đế chân, người nghe có thể đặt lên kệ như một loa bookshelf với đầy đủ 3 đường tiếng. Cách thiết kế loa này,đem đến cho người dùng sự linh động trong việc đặt để bài trí. Thậm chỉ có người còn sáng tạo, cho âm loa vào tường gỗ, phía trên gần trần nhà.
Ý kiến trải nghiệm đa chiều
Với một đôi loa có bề dày lịch sử như vậy và hiện vẫn còn đang còn sản xuất ắt hẳn sẽ có nhiều kiểu phối ghép. Có rất nhiều ý kiến về sự phối ghép Ampli với dòng loa này. Bạn thử gõ Heresy trên google sẽ có rất nhiều thông tin từ trong lẫn ngoài nước. Nhiều diễn đàn lập nhiều topic chia sẻ thông tin cho cho từng đặc điểm. Có topic chỉ nói về thông số của từng phiên bản. Có topic nói về sự phối ghép với Ampli và chất âm mà nó mang đến.Thú vị, còn có cả những ý kiến cho rằng nó phù hợp cho những phối ghép chung đầu phát băng cối ma-nhê hoặc với đầu đĩa than Phono. Theo đó, họ cho rằng dòng loa này thiết kế vào thời điểm đó cho nguồn phát như vậy nên nếu nghe trên bộ dàn như vậy sẽ thấy hay hơn. Mỗi người có một nhận định khác nhau và rất đáng để trân trọng. Một đôi loa không quá xuất sắc nhưng đi suốt một chiều dài từng ấy năm, lượng người yêu thích càng tăng và có nhiều cách để khai thác nó. Chúng tôi, qua bài viết này, cũng góp thêm một vài nhận định, ngỏ hầu cho bạn đọc có thêm sự tham khảo hữu ích.
Chúng tôi cũng ghép với một chiếc Ampli đèn. Đó là chiếc Sinfonia của Unison Research. Công suất Ampli là 25W, class A, chạy 4 bóng 6550. Sự kết hợp này cho ra cho âm mượt mà và chi tiết. Chất âm khá nhẹ nhàng và bạn nên nghe vocal và các bản Blue, Country khá hợp. Tiếng bass không sâu lắm nhưng mạnh và chắc. Cũng dễ hiểu vì dù Heresy III có loa bass đường kính 3 tất nhưng vẫn trong cấu hình của loa bookshelf, khó có thể tạo được độ trầm như những đôi loa đứng khác, nhất là nó lại loa kín không có lỗ hơi.
Một lựa chọn khác khá hợp lý, đáng cho bạn tham khảo đến từ chiếc Ampli class XD của Cambridge Audio. Đó là chiếc Azur 851A có công suất 120 mỗi kênh và có mạch công suất được cho tạo chất âm gần giống như Ampli class A. Chúng tôi thấy sự mềm mại và nhạc tính khi phối với Ampli này. Bạn có thể nghe trữ tình hoặc nhiều thể loại khác mà không cảm thấy có gì khó chịu. Cambridge Azur 851A có giá khoảng 35 triệu, so với mức giá 48 triệu của Heresy III nhưng cho chất âm rất ổn.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đôi loa này rất phù hợp cho những phòng có trần thấp và không lo lắm về sự ù bass do thiết kế kín của nó. Điều này phải chăng tốt cho người nghe nhạc Việt Nam khi phần đông có phòng nghe khá nhỏ?
Trong suốt chặng đường dài với 3 phiên bản, Heresy III xem như đã thành danh và tạo cho mình một chỗ đứng riêng trong hàng ngũ Heritage gồm những đàn anh thành danh khác như Klipschhorn hay La Scala. Với mức giá vừa phải và cấu trúc loa nhỏ nhắn, Heresy III đã làm nhiều thế hệ nghe trải nghiệm và vô cùng thích thú.
Nguồn AnhDuy Audio