Ásteria – dự án loa đòi hỏi sự hoàn mỹ
Hãng loa giàu truyền thống Italy, Diapason, trong suốt một phần tư thế kỷ đã làm mê hoặc audiophiles trên khắp thế giới với những thiết kế loa có kiểu thùng đa diện lấy cảm hứng từ các giác cắt cầu kỳ của những viên kim cương. Chính nhờ thiết kế đặc biệt này giúp loa Diapason luôn có được ưu điểm về mặt định hướng âm, giảm các tác động phản xạ âm học phòng nghe, mang lại hiệu ứng “mất loa” chỉ để lại sân khấu tầng lớp rất rõ nét.
Tuy có thiết kế bên ngoài gần giống với Adamantes, mẫu loa tiêu biểu của Diapason tồn tại từ ngày đầu thành lập hãng cho đến nay, nhưng thực tế, Ástera là một dự án khác biệt gần như mọi mặt, được chế tạo với triết lý tối ưu và hướng đến sự toàn mỹ. Không chỉ lớn hơn so với Adamantes về kích thước vật lý, Diapason Ástera đòi hỏi quá trình chế tác phức tạp hơn rất nhiều, trang bị hệ thống driver cao cấp hơn cùng dàn linh kiện phân tần được kiểm tra kỹ lưỡng đơn chiếc cũng như đảm bạo độ “matching” ở hai loa không quá 1%. Ngay cả dây dẫn bên trong cũng được Diapason chọn lựa kỹ lưỡng nhằm hạn chế nhiễu âm dù rất nhỏ trên quãng đường đi tín hiệu.
Thiết kế và cấu tạo
Chỉ khi cảm nhận thực tế cả bằng mắt lẫn bằng tay mới thấy hết được sự tinh tế của thiết kế thùng loa kim cương của Diapason Ástera. Với chất liệu gỗ óc chó Canaletto nguyên khối, các nghệ nhân Italy khéo léo chọn và ghép các khối gỗ có độ dày từ 20 đến 40mm tạo thành kết cấu thùng loa với nhiều mặt cắt phức tạp. Việc chọn các khối gỗ có độ dày khác nhau giúp thùng loa triệt được sóng đứng gây cộng hưởng bất lợi bên trong mà không cần thiết kế các mặt loa cong như các thương hiệu loa khác. Hiện tại, Diapason là một trong số rất ít những thương hiệu loa dùng gỗ nguyên khối để bề mặt mộc và chế tác hoàn toàn bằng tay.
Như một khối kim cương, Diapason Ástera có tổng cộng 30 mặt cắt lớn nhỏ khác nhau, phức tạp hơn so với model Adamantes (22 mặt cắt). Thiết kế thùng loa có nhiều mặt cắt được xem là một công nghệ độc quyền của hãng loa Diapason, nó giúp kiểm soát sóng âm tái tạo từ driver tweeter và mid/woofer, khi hướng đến người nghe sẽ tối ưu thành một vùng âm đồng nhất tương tự như loa toàn dải hay còn gọi là vùng âm đồng tâm “point-source”. Chính điều này giúp loa Diapason luôn đạt được hiệu ứng “mất loa” khi trình diễn, sân khấu âm thanh tái tạo chặt chẽ, rộng, sâu và tách lớp. Ngoài ra, kết cấu mặt loa bên trong của Ástera cũng có thiết kế đa diện chứ không phẳng hoàn toàn. Diapason giải thích cho việc sử dụng nhiều mặt cắt bên trong thùng loa sẽ giúp ngăn các sóng âm phản xạ bên trong. Các mặt cắt đa diện sẽ đóng vai trò như một bộ tán âm, bẻ các sóng dội tác động ngược lại vào màng sau của loa con, vốn là một trong những tác nhân gây méo tiếng và làm mất chi tiết.
Mặc dù có thiết kế ngoài khá giống với model Adamantes, nhưng về mặt kỹ thuật bên trong Ástera có sự khác biệt rất lớn cả về củ loa, thiết kế phân tần cho đến dây dẫn. Điểm khác biệt cơ bản nhất chính là mạch phân tần, nếu như Adamantes được trang bị công nghệ Diapason Direct Drive Technology (DDDT), nối trực tiếp từ đầu ra của cuộn voice-coil trong driver woofer đến ampli mà không thông qua bộ crossover thì Ástera vẫn sử dụng phân tần 2 đường tiếng với tần số cắt ở điểm 1.600Hz. Bộ phân tần của Ástera trang bị linh kiện cao cấp và được kiểm tra gắt gao từng đơn vị một nhằm đảm bảo sự sai biệt thấp nhất. Mạch crossover sử dụng toàn bộ dây nối cứng phối hợp giữa dây đồng không oxy hóa và dây bạc của Van Den Hul.
Diapason Ástera sở hữu driver tweeter màng lụa có đường kính lớn 29mm của Seas. Driver này sử dụng nam châm dạng thanh bố trí bao phủ 6 mặt theo thiết kế Hexadym giúp tăng cường đáng kể lực từ so với nam châm tròn truyền thống. Ngoài ra, với các thanh nam châm xếp theo hình lục giác xung quanh cuộn voice-coil, công nghệ Hexadym còn đảm bảo sự phân bổ lực từ đều ở các chiều, hay nói cách khác loa tweeter màng lụa sẽ luôn di chuyển cố định trên trục như một piston chính xác, giúp loa có thể tái tạo những chi tiết mở ở tầng “micro” và quan trọng hơn là tối ưu độ động dải cao. Một chi tiết nhỏ cũng đáng chú ý trong thiết kế loa tweeter của Ástera chính là mặt loa được vát nhẹ tạo nên một họng còi cực ngắn. Chi tiết này chỉ được hãng áp dụng duy nhất ở mẫu loa Ástera và Dynamis, việc thiết kế miệng còi ngắn trước loa tweeter đang được nhiều nhà sản xuất ứng dụng, về mặt lý thuyết nó giúp định hướng âm treble tốt hơn, đồng thời hạn chế hiện tượng nhiễu xạ trên bề mặt loa.
Loa midwoofer của Ástera thuộc dòng Nextel cao cấp của Seas được đặt hàng theo tiêu chuẩn riêng của Diapason. Driver này có kết cấu màng giấy đường kính 180mm, nhưng thực chất có màng loa đôi ghép theo kiểu sandwich giữa màng giấy và một lớp màng phủ Nextel. Thiết kế driver Seas Nextel có ưu điểm duy trì, độ nhẹ của màng giấy nhưng vẫn giữ được độ ổn định của mặt loa nhất là ở vùng viền loa nhờ lớp phủ bề mặt.
Một yếu tố được Diapason đề cập rất rõ về sản phẩm Ástera chính là việc tuân thủ độ “matching” giữa các linh kiện, driver trong cùng một đôi loa… với sai số dưới 1%! Nhà sản xuất sẽ thực hiện hoàn thiện từng đôi loa một, thao tác hàng loạt đo đạc để lựa chọn ra từng cặp driver, từng đôi tụ, trở, cuộn cảm… Cách làm này sẽ giúp giảm thiểu độ sai lệch giữa hai loa đến mức thấp nhất, độ chính xác về đặc tính âm thanh của hai loa càng gần nhau, hiệu quả stereo và âm hình càng nổi bật.
Chất lượng trình diễn
Bộ phối ghép được chúng tôi dựng với nhân vật chính Ástera cùng ampli tích hợp Norma Revo IPA-140, đầu đọc Leema Acoustics Antila IIs Eco và hệ thống dây dẫn Supra Cables. Đôi loa Ástera được set-up trên bộ chân loa Diapason 4/U có chiều cao 72cm, mặt loa hướng toe-in khoảng 10 độ.
Diapason Ástera có phong thái trình diễn của những đôi loa lớn với độ tĩnh nền rất tốt, méo âm thấp giúp loa thể hiện được rất rõ và dầy các chi tiết ở cả 3 dải tần. Tuy là một đôi bookshelf, nhưng phần trầm không hề là nhược điểm của loa, Ástera có thể hoàn toàn làm chủ được dải tần thấp kể cả độ sâu, vững và độ động. Track “Live in America” trong album tổng hợp Dynamic Experience Vol I được chúng tôi chọn để kiểm tra về dải trầm của loa. Ástera cùng ampli Norma Revo IPA-140 phối hợp khá ăn ý, mang lại một màn trình diễn live đúng nghĩa, tiếng guitar bass nét căng, rất dầy. Đặc biệt độ nẩy và rung của dây cũng được bộ dàn tái tạo rất tốt, những chi tiết dù rất nhỏ cũng được khai thác triệt để. Ástera tái tạo tiếng trầm của trống đạp trong bản thu một cách tự nhiên mà không cần phải gắng sức, ngay cả ở mức volume trung bình, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được độ sâu, dứt khoát và thoát tiếng của tiếng bass.
Xét về mặt tổng thể trình diễn, Ástera có cùng ưu điểm về mặt tái tạo sân khấu âm thanh với mẫu loa Adamantes mà chúng tôi dịp trải nghiệm cách nay hơn 3 tháng. Nhưng sâu sát hơn, đặc biệt với những bản thu khó, lượng nhạc cụ nhiều hơn, không gian thu âm rộng hơn, Ástera chứng tỏ mình xứng đáng là một tác phẩm âm thanh đầu bảng, đại diện cho thương hiệu Diapason. Album “Pomp and Pipes”, được thu tại Meyerson Symphony Center, Dallas, Texas cách nay hơn 10 năm bởi hãng Referece Recording sẽ là thuốc thử về khả năng xử lý không gian âm thanh lớn và phức tạp. Track “Beach Sojorn”, là một bản thu rất khó, đòi hỏi tốc độ đáp ứng nhanh, dải trầm sâu, sân khấu âm thanh có nhiều lớp và đặc biệt là phần nền của dàn organ hơi rất dễ bị làm méo. Ngay từ những giây đầu, Ástera đã hớp hồn chúng tôi bởi một sân khấu được mở vượt khỏi không gian phòng nghe. Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất ở Ástera, chính là khả năng tái tạo được độ cao, xếp lớp của các tầng nhạc cụ, ngoài hiệu ứng chia lớp sân khấu, vốn đã là sở trường của Diapason. Người nghe có thể định vị được từng lớp nhạc cụ xếp trước sau và có độ cao tăng dần về phía sau của sân khấu. Tiếng organ nền được loa “giữ” ở một vùng không gian sát tường sau với độ chi tiết tốt và không bị rung nhoè.
Chúng tôi đánh giá cao khả năng tái tạo âm treble của Diapason Ástera, với cùng album “Pomp and Pipes”, loa thể hiện bộ gõ rất ấn tượng. Tiếng cympal không chỉ có độ tơi, nó được kéo dài và tan vào không gian sân khấu. Tương tự với bộ gõ triangle, hài âm và độ vang ngân được driver tweeter lụa tái tạo có độ trung thực và nổi bật lên trên một sân khấu live. Vocal cũng là một điểm sáng của Ástera, “Hãy Yêu Nhau Đi” do Thiên Phượng trình bày trong album “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” được đôi loa thể hiện với độ mượt, ấm, vocal có được độ dày kết hợp sự uyển chuyển, tình cảm. Bên cạnh đó, những chi tiết rất nhỏ trong giọng của Thiên Phượng cũng được tái tạo trọn vẹn.
Có thiết kế rất gần nhau, nhưng đôi loa đầu bảng Ástera chứng tỏ được đẳng cấp tham chiếu của mình so với Adamantes ở cả mọi mặt từ không gian trình diễn, độ chi tiết các dải, độ động. Ástera thể hiện được sự phân cách và cả chiều cao của các lớp không gian, âm thanh không chỉ cân bằng, tự nhiên mà còn đạt độ chi tiết ở tầng micro trong một nền âm thanh rất vững vàng. Diapason Ástera chỉ chịu để lộ nhược điểm nếu so sánh với một đôi loa cột hi-end. Chúng tôi thử làm phép thử với Audio Physics Scorpio 25+ Plus, Ástera chỉ chịu thua đối thủ cao to hơn mình về khoản thể hiện độ động và độ linh hoạt khi trình diễn những bản classic hoành tráng nhưng vẫn lấn át về khả năng xử lý và tái hiện sân khấu tổng thể.
Diapason Ástera phiên bản thiếp vàng tại Việt Nam Cơn sốt thiết bị hi-end thiếp vàng trên khắp thế giới vẫn chưa dừng, Diapason vừa cho ra mắt phiên bản Gold của đôi loa đầu bảng Ástera. Diapason Ástera Gold này được thiếp vàng lá thủ công bởi những nghệ nhân Italy. Đôi loa Ástera vàng đã chính thức về đến Việt Nam đúng vào ngày Giáng Sinh. Với thiết kế thùng loa đa diện nhiều góc cạnh, lớp thiếp vàng lộng lẫy đã biến Diapason Ástera thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại. |