Monsoon là sản phẩm đầu tiên của dòng dây nguồn Wind do AudioQuest sản xuất. Mẫu dây tầm trung này, cũng như các dây thuộc dòng Y và Z đã chứng minh rằng chúng có thể dễ dàng vượt xa các mẫu dây nguồn của thế hệ trước.
Đầu năm nay, AudioQuest Monsoon và AudioQuest Blizzard – hai mẫu dây nguồn trong dòng sản phẩm mới Wind chứng thức được giới thiệu. Đây chính là những nâng cấp cuối cùng của AudioQuest cho dòng sản phẩm dây nguồn kể từ khi các mẫu dây Dragon xuất hiện lần đầu năm 2016. Dòng Wind được phát triển để phục vụ phân khúc tầm trung, ở vị trí giữa dòng sơ nhập NRG và dòng cao cấp Storm.
Với những thay đổi cơ bản, dòng dây Wind có thể xem như là sự nâng cấp đáng kể từ các dây nguồn NRG thế hệ cũ. Bên cạnh đó, với bất cứ ai không đủ kinh phí để sở hữu các mẫu dây nguồn cao cấp như Hurricane, Tornado hoặc Dragon nhưng lại muốn sử dụng những công nghệ cao cấp từ các mẫu dây kể trên, dòng Wind sẽ là một lựa chọn sáng suốt, khó có thể bỏ qua. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Monsoon, mẫu dây nguồn tầm trung đầu tiên mà AudioQuest đem đến với người sử dụng.
Giới thiệu về AudioQuest Monsoon
Dòng dây Wind của AudioQuest sẽ có tổng cộng bốn sản phẩm, gồm ba mẫu dây thành phẩm Monsoon, Blizzard, Silver Cloud và một mẫu dây cuộn Mistral. Nếu như so sánh về giá so với thế hệ trước, Monsoon chính là sản phẩm kế thừa mẫu dây NRG-4. Tuy nhiên, những công nghệ mà Garth Powell – kỹ sư trưởng bộ phận thiết bị điện của AudioQuest trang bị cho mẫu dây này đã giúp nó sở hữu chất lượng vượt trội hoàn toàn.
Kể từ khi gia nhập AudioQuest vào cuối năm 2012, Garth Powell đã phát triển nhiều công nghệ quan trọng như hệ thống triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa (ground noise dissipation system), đặc tính không trở kháng đặc trưng (Zero characteristic impedance)… Tất cả đều góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự nguyên vẹn của dòng điện trong hệ thống, từ đó mang lại những màn trình diễn đỉnh cao mà các dây nguồn thế hệ cũ không thể nào có được. Những công nghệ này trước hết được trang bị cho dòng thiết bị lọc nguồn Niagara từ cuối năm 2016, sau đó được đưa lên các mẫu dây nguồn cao cấp nhất, và cuối cùng giờ đây được áp dụng đại trà cho toàn bộ các dây nguồn của hãng. Vậy, ở Monsoon có điều gì đặc biệt khiến mẫu dây nguồn này khác với các mẫu dây nguồn sơ nhập NRG-Y và NRG-Z?
Chi tiết kỹ thuật
Khác biệt lớn đầu tiên giữa Monsoon và các dây nguồn NRG-Y / NRG-Z nằm ở cấu trúc của sợi dẫn. Các dây nguồn sơ nhập NRG sử dụng cấu trúc Semi Solid Concentric (ngoại trừ NRG-Z3 với sợi dẫn lõi rắn đơn). Bản chất của cấu trúc này thật ra là dạng bó sợi để sợi dây mềm dẻo, linh hoạt hơn, nhưng các sợi dẫn bên trong bó sợi lại có kích thước lớn hơn bình thường rất nhiều, và số lượng cũng rất ít, chỉ có 7 sợi trong khi bó sợi đồng thông thường lên đến hàng trăm sợi nhỏ. Với số lượng sợi ít hơn, các kỹ sư có thể dễ dàng xếp đặt để vị trí của sợi dẫn trong bó sợi không thay đổi.
Sang đến Monsoon, AudioQuest sử dụng cấu trúc True Concentric, với sợi dẫn được xếp thành các lớp dây xoắn vào nhau, với lớp ở ngoài xoắn ngược chiều với lớp ở bên trong. Do đó hiệu quả giảm méo tiếng, đảm bảo chất lượng tín hiệu âm thanh vẫn cao hơn so với dây dẫn bó sợi thông thường.
Vật liệu làm dây dẫn cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng duy trì chất lượng của dòng điện. Dây Monsoon sử dụng kết hợp hai loại vật liệu quen thuộc là đồng LGC và đồng PSC+. Đồng LGC (Long Grain Copper), hay còn gọi là đồng hạt dài, là phiên bản cao cấp của OFC với hàm lượng phân tử oxi bên trong thấp hơn hẳn. Bên cạnh đó, do đặc điểm hạt đồng dài nên mỗi foot (0.3m) chỉ có khoảng 300 hạt đồng, thấp hơn đồng siêu nguyên chất 5 lần nên hiện tượng méo tín hiệu cũng khó xảy ra hơn. Còn đồng PSC+ (Perfect-Surface Copper+) là phiên bản cao cấp hơn của đồng PSC – loại vật liệu được sản xuất dựa theo công nghệ Perfect Surface để loại bỏ đi sự thô ráp trên bề mặt sợi dẫn, đem đến cảm giác rất mịn, vượt trội hơn hẳn so với kim loại thông thường. Theo AudioQuest, đồng PSC+ có khả năng giảm thiểu bất cứ méo tiếng nào do bề mặt kim loại bình thường không đủ độ mịn và tinh khiết gây ra.
Đối với những dây nguồn tầm trung như Monsoon, AudioQuest cũng sử dụng thêm công nghệ triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa GND (Ground Noise Dissipation). Theo Garth Powell, can nhiễu hiện tại khá phức tạp, không chỉ nhiễu EMI, RFI mà giờ đây các hệ thống còn phải chịu can nhiễu từ các sóng ngắn như GSM, 4G, Wi-Fi hay Bluetooth. Ngoài ra, còn có một loại méo tín hiệu khác gọi là méo điều biến tức thời (TIM – Transient InterModulation distortion), một loại méo tiếng mà tai người rất nhạy cảm. Với công nghệ GND quen thuộc, từng xuất hiện trên rất nhiều sản phẩm của AudioQuest, Monsoon có thể loại bỏ rất dễ dàng các loại can nhiễu kể trên cũng như nhiễu của dòng điện thông qua đường tiếp địa, bởi đó là đường có tính điện kháng thấp nhất, rất dễ dàng cho electron đi qua.
Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không nhắc đến công nghệ không trở kháng đặc trưng (characteristic impedance). Do không có trở kháng đặc trưng nên hiện tượng nén dòng (current compression) và méo tín hiệu tức thời gây ra bởi dây nguồn sẽ giảm đi một cách rõ rệt. Nhờ vậy, độ động, các tín hiệu tức thời và năng lượng của dải âm trầm có thể tái hiện một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều do dây loa không còn là yếu tố làm biến dạng tín hiệu nữa.
Sự thay đổi về chất lượng âm thanh khi chuyển từ dây nguồn NRG-Z3 sang dây nguồn Monsoon rất rõ rệt. Khi nghe thử bản Moonlight Sonata 3rd Movement phiên bản epic do Tommee Profitt thể hiện, điều đầu tiên mà người nghe cảm nhận được chính là toàn bộ phần trình diễn này có vẻ như giàu năng lượng hơn. Tiếng piano được tái hiện một cách rõ ràng hơn trong khi cảm xúc cũng phần nào mãnh liệt hơn. Trường sân khấu âm thanh cũng được thể hiện một cách rộng rãi hơn, không còn bị bó hẹp, ngoài ra âm nên cũng tối hoàn toàn. Trong phiên bản này, nhà sản xuất cũng đồng thời đưa thêm choir, bộ gõ và bộ dây vào, khiến cho bản nhạc sống động hơn so với phiên bản gốc của Beethoven nhiều. Thế nhưng, để tái hiện lại sự sống động đó là điều đơn giản và rõ ràng Monsoon đã làm được rất tốt. Với dòng điện được cung cấp một cách đầy đủ, không bị nén dòng, độ động của bản nhạc được thể hiện một cách rất rõ nét, làm nổi rõ các âm thanh dịu dàng nhất cũng như mạnh mẽ nhất. Thế nhưng, chưa bao giờ tiếng piano vì thế mà bị át đi cả, trong khi nếu sử dụng dây nguồn OEM, đôi khi người nghe sẽ cảm thấy rằng nhiều lúc tiếng choir hay bộ trông có phần lấn át cả tiếng piano.
Monsoon là lựa chọn rất tốt dành cho các thiết bị yêu cầu dòng lớn như ampli hay loa tích hợp, trong khi các dòng NRG phù hợp với thiết bị nguồn phát hơn do kích thước khổ dây khá nhỏ. Với những mẫu dây này, người dùng có thể yên tâm rằng sự cải thiện đem đến cho hệ thống là điều chắc chắn, trong khi mức chi phí đầu tư không quá cao hay có sự mạo hiểm như khi thay thế thiết bị trong hệ thống. Với mức giá hơn 7 triệu đồng cho một mét, Monsoon xứng đáng xuất hiện trong các hệ thống trung cấp hay cao cấp nhờ vào khả năng đem đến dòng điện rất hoàn hảo cho toàn hệ thống, từ đó đem đến những màn trình diễn không thể nào bỏ qua.
Nguồn: tapchihifi.com/Bách Diệp