Skullcandy là một hãng khá là ngược đời khi tham gia vào thị trường tai nghe không dây hoàn toàn bằng một sản phẩm giá khá mắc là Skullcandy Push, sau đó giảm dần với Indy và cuối cùng là chạm ngưỡng 1.5 triệu Đồng với sản phẩm mới nhất là Sesh. Tuy vậy thì có vẻ như càng ra mắt sản phẩm thì hãng càng rút ra được kinh nghiệm từ những dòng trước, nên cả thiết kế lẫn tính năng đều được hoàn thiện hơn.
Vậy cặp Sesh mới nhất ở tầm giá thấp nhất hiện nay có thể làm được gì? Và liệu có nó đáng mua hay không?
Đây là hộp của sản phẩm, vẫn một màu đen trắng rất đặc trưng của những sản phẩm hiện nay của Skullcandy.
Cạnh bên có logo của hãng được in đi in lại tạo thành họa tiết trang trí, làm mình nhớ đến chiếc mặt lưng của chiếc smartphone Huawei 5T.
Trong hộp ta có bộ phụ kiện rất cơ bản bao gồm 2 cặp đệm tai (có in dập nổi hình logo Skullcandy như thường lệ) và dây sạc micro USB. Vấn đề vẫn sử dụng micro USB – chưa chuyển qua USB Type – C có lẽ nói đi nói lại ai cũng cảm thấy nhàm, nên mình sẽ không nhắc lại thêm một lần nữa. Nhưng mong rằng tới 2020 không còn hãng nào sử dụng chuẩn cũ này nữa!
Đây là hộp sạc của Skullcany Sesh, nhìn khá là đẹp nhưng cũng có vẻ cồng kềnh. Trong thời gian sử dụng mình thường đặt hộp sạc này vào balô nên kích thước của nó không phải là vấn đề lớn, nhưng với ai thích đặt họp sạc vào túi quần thì lại là câu chuyên khác. Mặt trước ta có nút bấm kiểm tra pin, cùng với hệ thống 4 đèn LED để hiển thị.
Nói về vấn đề sạc, ta sẽ đến nhược điểm đầu tiên (và có lẽ cũng là lớn nhất) của Sesh: thời lượng pin. Tai nghe cho thời lượng sử dụng khoảng 3 tiếng trong một lần sạc, cùng với hộp sạc thì sẽ tăng lên từ 9 – 10 tiếng. Đây là một thời lượng có thể nói là kém trong thời điểm hiện tại, kém cả 1 lần sạc của cả một cặp tai nghe không dây dạng vòng cổ!
Trong thời gian sử dụng cặp tai nghe này, mình đã gặp 2 lần muốn sử dụng mà tai nghe hết pin nên phải đợi sạc, và nếu như sử dụng tiết kiệm thì cũng chỉ khoảng 5 – 6 ngày là Sesh cũng sẽ hết pin.
Lý do tại sao tai lại có thời lượng pin thấp đến vậy? Câu trả lời nằm ở thiết kế bên ngoài của nó. Bộ đôi tai nghe không dây hoàn toàn của Skullcandy là Push và Indy trước đây bị nhiều người chê vì có vẻ ngoài lớn, hơi cồng kềnh nên với Sesh hãng muốn thu nhỏ tai nghe xuống hết mức có thể. Tất nhiên rồi, một thành phần quan trọng bên trong tai là pin cũng vì vậy mà bị thu nhỏ theo, khiến thời lượng sử dụng không cao được.
Bù lại, tai nghe nhìn gọn gàng, hiện đại hơn rất nhiều 2 người tiền nhiệm. Kèm theo đó, cảm giác đeo trên tai cũng vì vậy mà thoải mái hơn. Với những ai có vành tai to và sâu thì thậm chí còn có thể đeo được cả cặp Sesh để đi ngủ, một điều mà số tai nghe TWS làm được chỉ đếm trên một bàn tay.
Chính vì vậy việc làm tai nghe nhỏ lại vừa là 1 ưu điểm vừa là 1 nhược điểm, đáng hay không tùy thuộc vào người dùng đặt nặng sự gọn gàng hay thời lượng sử dụng cao hơn mà thôi!
Mặt ngoài của tai nghe là 2 nút bấm vật lý để chỉnh âm lượng, chuyển bài hát và gọi trợ lý ảo, được giấu sau lớp nhựa mềm. Nhựa mềm của Skullcandy sử dụng có vẻ có chất lượng cao hơn cặp JBL Tune 120, nên không dễ bám bẩn vân tay và xước, một điều đáng khen! Ta cũng có chuẩn chống bụi và nước IP55.
Thông số kỹ thuật
– Màng loa Dynamic 6mm – dải tần 20Hz – 20kHz
– Bluetooth 5.0
– Trở kháng 16 Ohms
– Thời lượng chơi nhạc: 3 – 10 tiếng
– Trọng lượng: 10.6g cho riêng tai và 59.5 khi đựng trong hộp
Trái ngược với chuẩn sạc cũ kỹ micro USB thì Sesh đã được nâng cấp lên chuẩn Bluetooth 5.0 mới nhất, chính vì vậy mà độ trễ được giảm đi một cách đáng kể so với cặp tai nghe Push đầu tay của hãng. Về độ ổn định, khi mình sử dụng trong nhà thì không gặp vấn đề gì, nhưng trong một lần nghe ngoài đường thì tai nghe liên tục mất kết nối, và sau khi đặt lại vào hộp rồi kết nối lại thì mọi thứ lại trở lại bình thường. Mong rằng đây chỉ là lỗi một lần chứ không xảy ra thường xuyên!
Vậy còn chất âm thì sao? Skullcandy Sesh đi theo kiểu thanh mới của Skullcandy đó là vẫn thiên nhiều về phần âm trầm, nhưng với các thành phần còn lại được tinh chỉnh theo hướng đồng đều để không gây khó chịu như những cặp tai nghe thế hệ đầu của hãng. Âm trầm chắc chắn vẫn sẽ là dải đầu tiên mà người dùng nghe thấy khi đặt Sesh lên tai, và ta có thể miêu tả dải âm này bằng 2 từ là ‘nổi bật’ nhưng ‘mềm’. Âm trống trong Exodus của nhạc sĩ dương cầm Maksim không nhấn vào 1 điểm, nổi lên đậm đà, ngắt lâu và tràn nhiều vào nền âm.
Xét về tính kỹ thuật, âm trầm này chắn chắn sẽ không được đánh giá cao, vì tốc độ ngắt chậm cũng như thiếu tính lực đập cho từng nhát đánh, ngược lại thì có thể coi là dạng trầm ‘vui vẻ’ (fun) chắc chắn sẽ dễ thích với số đông.
Dải trung có thể nói là ‘ổn’, không hơn và không kém. Ta vẫn có được giọng ca sĩ đầy đặn, cứng cáp hơn so với kiểu thể hiện của cặp JBL Tune 120 mặc dù cùng ngả tối như nhau, kèm theo đó là được đặt lên đủ cao để trở thành thành phần chính của một bài nhạc. Kiểu âm trung này cũng đã được hãng áp dụng vào bộ đôi Push và Indy, nhưng với Sesh mình đánh giá thấp hơn 1 điểm về mặt chi tiết, khi nhiều lúc phần này cũng bị ‘quyện’ vào âm trậm, mất sự rõ ràng. Mặc dù vậy, ta vẫn sẽ phải nhớ rằng cặp tai nghe này chỉ có giá 1.5 triệu Đồng mà thôi!
Điểm mà người dùng phải đánh đổi nhiều nhất ở chất âm nằm ở dải cao. Vì đã bỏ chất âm kiểu V-shape từ lâu nên phần cao của những cặp tai nghe của Skullcandy cũng vì vậy mà ‘hiền’ đi rất nhiều, và đến với cặp Push thì có vẻ đã bị ‘hiền quá’. Phần này có độ sáng không cao, do cả 2 dải còn lại đều đã rất dày và chiếm chỗ nên thường không có nhiều không gian để thể hiện.
Đáng mua hay không?
Skullcandy Sesh thuộc một trong những cặp tai nghe ‘khó khen, khó chê’, vì một mặt ta có những điểm tốt như thiết kế sạch sẽ, có nút bấm điều khiển, chống nước bụi IP55, Bluetooth 5.0 và tổng thể chất âm ‘ổn’ cho mục đích sử dụng tạp; ngược lại thì cũng khó khen được vì những ngược điểm như thời lượng pin yếu, vẫn có micro USB và thiếu cá tính khi đi rõ về từng dải âm.
Với tầm giá 1.5 triệu Đồng (hiện vẫn là khá rẻ cho một cặp TWS, và không có nhiều lựa chọn khác) thì Sesh tất nhiên vẫn rất đáng mua, nhưng chắc chắn trong tương lai hãng âm thanh Mỹ sẽ còn phải đem tới cho ta nhiều hơn nữa khi các hãng khác đang lấn sân rất nhanh vào mảng này.
Ưu điểm
– Thiết kế mạnh mẽ nhưng theo dạng sạch sẽ, không ‘lố’
– Có nút bấm điều khiển trên tai
– Bluetooth 5.0 mới nhất, độ trễ thấp
– Chuẩn chống nước và bụi IP55
– Kiểu âm tạp dễ nghe, đa phần mọi người sẽ thích
– Giá bán thấp nên dễ tiếp cận
Nhược điểm
– Hộp sạc lớn và có thể không vừa túi quần
– Thời lượng pin khá thấp do thu nhỏ thiết kế
– Vẫn dùng chuẩn micro USB cũ
– Từng dải âm thiếu cá tính, phần cao bị yếu