WH-1000X (full-size) là dòng sản phẩm nổi bật nhất của Sony trong những năm gần đây, nên việc hãng tiếp tục ra mắt thêm một phiên bản đời 3 của sản phẩm này không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Sản phẩm vẫn giữ được những thông số ấn tượng của dòng 1000xm2, bao gồm chống ồn chủ động, âm thanh Hi-res, thời lượng pin lên tới 30 tiếng, nhưng có thêm một điểm mới đó là tích hợp sâu hơn trợ lí ảo Google Assistant.
Mở hộp, ta có một tờ giấy hướng dẫn sử dụng ngắn gọn.
Hộp của 1000xm3 đã được thay đổi, không chỉ làm bằng nhựa mà đã được bọc một lớp vải bện bên ngoài, nhưng tất nhiên là vẫn mở theo kiểu khóa kéo theo chiều ngang như trước.
Tai nghe được đặt gọn gàng bên trong nhờ khả năng gập gọng đã có mặt từ sản phẩm đầu tiên. Hộp này cũng có thêm một ngăn nhỏ để đặt tất cả phụ kiện mà người dùng cần.
Các phụ kiện này bao gồm dây sạc USB Type-C loại ngắn, dây 3,5mm 2 đầu và cổng nghe nhạc trên máy bay.
Nhìn trên ảnh, ta không thể thấy được sự khác biệt giữa đời 1, 2 và thậm chí 3. Nhưng phải sử dụng trực tiếp mới thấy được. Vỏ ngoài của 1000xm3 đã nhẵn hơn, không còn được làm giả da như trước, các khớp được hoàn thiện chắc chắn, nên cầm trên tay cũng không còn cảm giác ọp ẹp.
Mặt ngoài tai là một mặt cảm ứng, giúp nhận cuộc gọi, dừng / chơi nhạc, chuyển bài và chỉnh được cả âm lượng. Các cử chỉ trên tai 1000xm3 đã rất đầy đủ, hiếm khi phải mở smartphone để điều chỉnh khi đang nghe nhạc.
Một điểm thiết kế rất tuyệt vời, đã được hãng làm tốt ngay từ thế hệ đầu tiên đó là phần đệm tai. Đệm của 1000xm3 hình oval, trùm trọn tai người dùng và rất kín khí. Dòng 1000x nổi tiếng khả năng chống ồn chủ động, nhưng sử dụng trên thực tế thì chất lượng chống ồn thụ động đã rất tốt nhờ vào lớp đệm da này.
Đệm đầu cũng được đệm da dày dặn, nên cảm giác đeo 1000xm3 rất thoải mái.
Các cổng kết nối của tai nghe bao gồm cổng sạc USB Type-C và jack 3,5mm trong những trường hợp hết pin. Nhưng với thời lượng pin (thực tế) lên tới hơn 30 tiếng, thì tình trạng hết pin cũng rất hiếm xảy ra.
Ngoài nút bấm nguồn, ta có thêm nút Ambient Sound để chỉnh qua lại giữa các chế độ: tắt hoàn toàn, chống ồn chủ động hay Ambient – dùng microphone để làm các âm thanh bên ngoài ‘lọt’ vào tai người dùng, tiện cho việc giao tiếp mà không cần phải bỏ tai ra. Tính năng này cũng có thể được kích hoạt bằng cách đặt lòng bàn tay lên mặt cảm ứng.
Trên 1000xm3, điểm mới là người dùng có thể chuyển nút này thành nút gọi Trợ lí ảo Google Assistant, và chỉnh tính năng chống ồn qua phần mềm.
Giao diện chính của phần mềm Sony Connect.
Phần mềm điều chỉnh của 1000xm3 vẫn có giao diện rất quen thuộc, gần như không thay đổi mấy qua các đời tai nghe. Một số tính năng đáng nói là: Đo áp suất bên ngoài, chỉnh âm thanh theo sở thích người dùng, chỉnh âm thanh theo Equalizer, bật tắt DSEE HX, chuyển qua lại giữa việc “Ưu tiên độ ổn định hoặc “Ưu tiên chất lượng âm thanh”.
Ở chế độ “Ưu tiên độ ổn định” tai sẽ nhận tín hiệu với Bitrate thấp hơn để tránh hiện tượng giật, mất tiếng, nhưng trong quá trình sử dụng mình đặt ở chế độ “Ưu tiên chất lượng âm thanh” thì hiện tượng này vẫn không xảy ra, nên đây có lẽ không còn là vấn đề trên 1000xm3.
Các bước đo đạc và hiệu chỉnh khả năng chống ồn trên 1000Xm3.
Để điều chỉnh chất lượng chống ồn, người dùng có thể để tai nghe tự phân tích tạp âm bên ngoài để đưa ra phương án tốt nhất, hoặc tự chọn các trường hợp bao gồm: trong nhà, đi chạy và trên tàu diện. Sony cùng với Bose là 2 hãng đứng đầu về công nghệ chống ồn chủ động hiện nay, nên ta không còn phải hỏi thêm về độ hiệu quả của tính năng này nữa.
Thông số kĩ thuật Sony 1000xm3:
– Màng loa Dynamic 40mm
– Dải tần số: 4Hz – 40.000Hz (đạt chuẩn Hi-res), hiệu dụng ở tần số lấy mẫu LDAC 96 kHz, 990 kbps.
– Trở kháng 47 Ohms
– Độ nhạy: 105dB
– Có NFC, DSEE HX
– Thời lượng pin: 30 – 38 tiếng (tùy vào mức độ chống ồn chủ động)
– Bluetooth v4.2
– Trọng lượng: Xấp xỉ 255 g
Một điểm lạ ở thông số kĩ thuật của Sony 1000xm3 đó là hãng vẫn sử dụng chuẩn Bluetooth v4.2, trong khi đã có chuẩn v5.0 mới nhất. Chuẩn v5.0 giúp cho các cặp tai nghe có kết nối tốt hơn với smartphone, giảm thiểu được hiện tượng lag giật, chậm trễ tiếng. Nhưng 1000x đời đầu, 1000xm2 cũng đều có chất lượng kết nối tốt, không trễ nên 1000xm3 cũng không phải là ngoại lệ. Đây là một cặp tai đa dụng, không chỉ dùng để nghe nhạc mà còn có thể dùng xem video, xem phim và chơi game nữa.
Nói về khả năng tái tạo âm thanh, Sony 1000xm3 có chất âm chung khá giống với các sản phẩm trước đây, vẫn là một chất âm nghe tạp, đầy đặn và ấm áp. Nhưng có vẻ như mỗi dải âm đã được chỉnh lại đôi chút, để có tính hoàn thiện hơn.
Âm bass có thể gọi là nhiều, nhưng cũng luôn được thể hiện nhiều hơn mức chung bình để tạo độ ‘ấm’ và ‘đậm’ của toàn bộ âm thanh. 1000xm3 cho cảm giác nhiều sub-bass hơn so với phiên bản 1000xm2, nên âm trống Closer của The Chainsmokers cũng có vẻ sâu hơn, nặng hơn. Vẫn như truyền thống thì đa phần âm bass được tập trung vào dải mid-bass.
Âm trống qua cách thể hiện của 1000xm3 tạo được sự cân bằng giữa punchy và tốc độ, nhấn khá mạnh ngay khi âm bass nổi lên, kéo đuôi thêm 1 chút nhưng giảm nhanh âm lượng để không bị ù bí. Bản thân mình thích kiểu bass cứng cáp, rõ ràng thân (texture) hơn, song chơi bass của dòng 1000x nói riêng và Sony nói chung cũng không tệ, dễ thích sau khi đã làm quen.
Dải trung là dải hãng muốn làm ‘an toàn’ nhất, khi không có sự thay đổi gì so với các sản phẩm tiền nhiệm. Mid của Sony 1000xm3 ngả về hướng tối, đầy đặn khá là giống với chất âm chung. Điểm hay của dải âm này đó là luôn có chỗ đứng, luôn đủ độ rõ ràng mặc dù đứng cạnh dải bass không hề thiếu năng lượng.
Giọng Alexis Cole trong Nobody nhẹ nhàng, có độ thực đủ tốt để tạo cảm giác tự nhiên. So với cặp AKG K612 Pro thì Sony 1000xm3 có giọng mid hơi dư âm hơi nên không chắc chắn bằng, nhưng chỉ qua một vài bài là có thể quen được.
Qua từng đời, cặp 1000x đã cải thiện nhiều ở dải cao. Đời đầu có dải cao khá yếu, không đủ lượng và bị che lấp bởi các dải khác, nhưng tới thế hệ thứ 3 thì điều này đã được cải thiện nhiều. Âm treble trong Lonestarcủa Norah Jones rất tốt; năng lượng không thực sự nhiều, nhưng tai cũng không ngắt dải này quá sớm nên mặc dù không tạo ấn tượng mạnh bằng dải bass, mỗi khi treble nổi lên ta vẫn cảm nhận được rõ rệt dải này, nhất là ở rìa không gian âm thanh.
Lời kết
Sony 1000mx3 là một chiếc tai nghe không dây có rất nhiều tính năng, gần như mọi yêu cầu của người dùng về việc nghe nhạc đều được nó đáp ứng. Dù không hoàn toàn mới, nhưng chất âm đặc trưng và tinh chỉnh sau mỗi đời tiếp tục thể hiện ưu thế của dòng tai nghe trứ danh này. Với những ai đi tìm điểm mới lạ, tính năng ‘khác người’ và chất âm cá tính thì Sony 1000xm3 lại không đem tới được điều này. Tai nghe có chất âm nghe tạp, tất cả các dải đều được làm tốt, song thiếu đi sự ‘thú vị’ so với những tai nghe có dây được phối ghép kĩ càng.
Nguồn: NNVN/Minh Đức