Người mới chơi audio khi đọc bài review hay bàn luận trên diễn đàn sẽ gặp phải nhận xét thường thấy như “tai nghe này âm sáng quá nghe chói cả tai”, “ồ, con tai nghe này nghe ấm thật” hay “tôi chỉ thích chiếc tai nghe nào trung tính mà thôi”… Đây là một trong những cụm từ truyền miệng của giới chơi âm thanh chuyên nghiệp để miêu tả chất âm của một chiếc tai nghe nào đó, tuy vậy nó lại khá khó hiểu đối với người chơi không chuyên hay mới bắt đầu bước vào thế giới âm thanh. Vậy chất âm “sáng”, “ấm” hay “trung tính” là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây
Trung tính
Trung tính là chất âm được dân chơi audiophile tung hô và xem như một kiểu âm “nguyên chất” nhất. Tuy nhiên thật đáng buồn khi phải thông báo với bạn đọc rằng âm thanh “nguyên chất” là một thứ gì đó không hề tồn tại. Một chiếc tai nghe hay loa chỉ có thể đạt được chất lượng âm thanh “nguyên chất” khi nó tái tạo được tất cả các tần số âm thanh trong toàn dải được đo đạc và cùng lúc phân tách được mức thay đổi decibel của các tần số này. Dĩ nhiên đây là điều không thể làm được do hạn chế của từng thiết kế driver riêng biệt của tai nghe hay loa. Chúng ta tuy nhiên vẫn có thể đạt được điều này bằng cách kết hợp nhiều bộ loa phát với kích thước khác nhau trong phòng nghe (tương tự với hệ thống home theater). Mỗi bộ loa lúc này sẽ được phân chia nhiệm vụ để làm phần việc riêng của chúng.
Khác với loa, tai nghe lại không có khả năng làm được điều này ngay cả với những sản phẩm cao cấp đắt tiền. Phần nhiều những chiếc tai nghe nổi tiếng với độ “trung tính” cao thường nghiêng về chất âm “sáng” và khá khó nghe đối với người dùng phổ thông và thiếu kinh nghiệm nghe. Với những ai chưa tiếp xúc nhiều với tai nghe hay mới tập chơi audio, thay vì tìm kiếm một chiếc tai nghe thực sự “trung tính” thì tốt hơn nên thử nghiệm trước các dòng tai nghe thiên về chất âm “ấm” hay “sáng” để tìm ra thứ phù hợp nhất với mình trước đã. Vì gu nghe của các bạn sẽ thay đổi, thay đổi và thay đổi rất nhiều nếu đi con đường này lâu dài, vì thế chiếc tai nghe đầu tiên, mình khuyên thật lòng, có bao nhiêu tiền thì đi nghe thử vài con trong cùng tầm giá rồi chọn ra con vừa tai, nghe thích nhất chứ đừng đọc review nhiều quá có khi tẩu hỏa vì khái niệm về âm thanh và kinh nghiệm nghe vẫn còn non
Ấm
Chất âm “ấm” có mặt ở hầu như 90% thiết bị âm thanh trên thị trường tai nghe với đông đảo các dòng tai nghe tầm trung và không chuyên, trong đó có cả những chiếc tai nghe cao cấp cũng lựa chọn hướng đi an toàn này để tiếp cận tốt hơn với khách hàng đại trà. Dòng tai nghe này được tuning hơi thiên về bass và vocal với dải treble giảm đi khá nhiều. Đặc điểm được nhiều người yêu thích ờ dòng tai nghe có chất âm “ấm” là khả năng nghe tạp tốt, phù hợp với nhiều thể loại nhạc đa dạng trên thị trường cũng như chất tiếng dễ chịu hơn và không làm mệt tai khi nghe trong thời gian dài.
Tai nghe có chất âm “ấm” đôi khi cũng là những dòng tai nghe heavy-bass được dân bass-head cực kỳ ưa chuộng. Hai thương hiệu tai nghe Beats và Bose đã và đang thu mức lợi nhuận khổng lồ chỉ với riêng mảng tai nghe chuyên bass này. Đây còn là dòng tai nghe được giới game thủ tin dùng, xuất hiện trong hàng tá các sản phẩm tai nghe Gaming Gear.
Sáng
Chất âm sáng trái ngược hoàn toàn với chất âm ấm nói trên và thường xuất hiện trong các dòng tai nghe cao cấp. Chất âm kiểu này còn được gọi với các tên gọi khác như “trong trẻo”, “giòn” hay “chói”. Các dòng tai nghe có chất âm sáng đôi khi còn được sử dụng để test tiếng hissing trong thiết bị âm thanh hay các bản thu lỗi.
Điểm yếu của một chiếc tai nghe có chất âm quá sáng là sẽ gây mệt tai khi nghe lâu, đôi khi gây nhức đầu với người nghe không quen. Grado và Beyerdynamic là hai tên tuổi chuyên sản xuất các dòng tai nghe với chất âm cực sáng, thu hút được một lượng fan riêng thích nghe kiểu âm này.
Dân chơi audio nói chung thường cải thiện độ sáng cho dàn âm thanh của mình bằng cách thêm tweeter hay thay cable chuyên dụng chứ ít ai mua hẳn một chiếc tai nghe có chất âm sáng cả. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là dòng tai nghe này không hay, nó chỉ hơi kén người nghe mà thôi.
Nói thêm về khái niệm V-shaped
Một chiếc tai nghe được gọi là V-shaped khi ngưỡng dải low và high của nó nổi trội vượt bậc so với mid, tạo thành một hình chữ V trên biểu đồ đo đáp tuyến tai nghe. Kiểu âm này cực kỳ phù hợp với khả năng tiếp nhận của não người và tạo ra một dạng âm được dân audiophile đặt cho cái tên không mấy đẹp đẽ là “nịnh tai”. Người chơi âm thanh chuyên nghiệp luôn đánh giá thấp những dòng tai nghe có kiểu âm này do nó không thể hiện được những điểm nhấn âm học cần thiết mà họ mong muốn, cả trong thông số đo đạc lẫn thực nghiệm nghe.
Tuy vậy cũng cần nói thêm rằng não người rất giỏi trong việc điều tiết theo những chiếc tai nghe mà bạn nghe thường xuyên. Nhiều người không hề biết chiếc tai nghe của mình là “ấm” trước khi nghe thử một chiếc tai nghe có chất âm “sáng” và ngược lại. Dĩ nhiên không có chiếc tai nghe hay loa nào là hoàn hảo, chúng chỉ làm tốt được một phần nào đó mà thôi. Một số cá nhân vẫn có suy nghĩ rằng một chiếc tai nghe hay thực sự phải làm tốt được trong mọi tình huống, tuy nhiên nếu như vậy thì chúng ta đâu cần bộ chỉnh EQ làm gì phải không nào.