ssw1

HFVN – Việc sử dụng vật liệu cao cấp ở những ngành mũi nhọn để sản xuất thiết bị audio đã xuất hiện trong nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, ứng dụng hoàn toàn nguyên lý sản xuất đệm từ cho xe hỏa vào sản phẩm audio, thì mới có công ty First & Yeil của Hàn Quốc triển khai, nhưng đã đạt thành công ngoài mong đợi.

Với nhiều năm nghiên cứu công nghệ đường xe lửa chạy đệm từ, First & Yeil đã mang nguyên lý đệm từ ứng dụng cho công nghệ chống rung trong hệ thống audio. Theo nguyên lý này, các thiết bị audio sẽ được treo trên các chân chống rung của Spike Sound Will (SSW) mà không tiếp xúc với các bề mặt khác. Hệ thống treo hoạt động trên nguyên lý các nam châm cùng cực đẩy nhau.

ssw4

Chất liệu được sử dụng để làm nam châm neodymium là hợp kim gồm neodymium, sắt và boron. Đây là kết quả của đồng phát minh năm 1982 trong nỗ lực tìm kiếm vật liệu thay thế giá rẻ cho nam châm samari-coban. Thành công này thể hiện bước tiến vượt bậc trong công nghệ chế tạo. Sản phẩm của nó mang tính thay thế, bởi nam châm neodymium là nam châm vĩnh cửu mạnh nhất trong các ứng dụng thương mại ngày nay với mật độ phân tử dày đặc và chất kháng từ, khử từ cao. Đó là ứng dụng lý tưởng cho phép các linh kiện nhỏ, trọng lượng nhẹ có khả năng chịu lực cao. Vật liệu bọc ngoài của SSW làm từ nhựa thông ABS (Acrylonitrile Butadiene Styrene) chắc và cứng.

ssw2

Các thiết bị chống rung bình thường chỉ làm việc theo nguyên lý hạn chế xung đột năng lượng tạo ra do ma sát giữa các tiếp xúc trực tiếp và chuyển hóa thành nhiệt hoặc phân tán giảm dần. Tuy nhiên, nam châm SSW lại hoat động trên nguyên tắc cô lập các thiết bị đến mức triệt tiêu toàn bộ ma sát giữa vật thể với bề mặt chứa chúng. Các chân SSW được thiết kế để cách ly tuyệt đối thiết bị khỏi những nguồn xung độ năng lượng lớn khi toàn bộ thiết bị đặt trên cùng giá đỡ được treo trực tiếp trên các nam châm.

Mỗi chân SSW có hình robot, cao 4,2cm, đường kính 4,4cm được mạ vàng hoặc chrome xi bóng. Các model từ Y1001 đến Y2004 có khả năng chịu lực tối đa từ 20kg, 40kg đến 120kg. SSW có trụ bằng nhựa tròn, được khía rãnh nằm lọt phía trong. Bên trong lõi của hình trụ này là cục nam châm neodymium. Trụ tròn là bộ phận chính tiếp xúc và chịu lực từ các thiết bị kê trực tiếp bên trên. Phía dưới là bộ phận chứa nam châm cùng chiều với trụ tròn. Do cùng chiều, nên hai nam châm luôn có xu hướng đẩy nhau. Trụ tròn được giữ lại trong khối SSV bằng một vành rộng phía dưới lớn hơn đường kính của ống trụ bọc ngoài. Khi chịu tác động từ trọng lượng của thiết bị, trụ tròn có xu hướng bị nén xuống với biên độ tương ứng trọng lượng mà nó phải gánh đỡ, nhưng không tiếp xúc với khối trụ bên dưới do sức đẩy ngược chiều của khối nam châm cùng dấu. Do đó, khi chịu tải, hình trụ tròn luôn ở trạng thái treo lơ lửng, không tiếp xúc với đầu nào của chassis SSW, tạo nên trạng thái cách ly tuyệt đối cho thiết bị với các bệ đỡ và những hệ thống còn lại trong bộ dàn.

ssw5

Kiểm nghiệm thực tế cho thấy chân chống rung SSW có thể cách ly hoàn toàn thiết bị khỏi xung động, đặc biệt có hiệu quả với các thiết bị xử lý tín hiệu đòi hỏi độ chính xác cao như: pre-ampli, đầu đọc, mâm đĩa than, DAC, Transport, phono-box, step-up… SSW có thể giúp thiết bị nâng cao nhạc tính và nhiều khía cạnh khác của âm thanh như tốc độ, độ chi tiết, độ bong tách, tạo ra nền âm tĩnh lặng. Với các chân SSW, người nghe có thể khai thác tối đa vẻ đẹp âm thanh của từng thiết bị trong hệ thống.

Theo Tạp Chí Nghe Nhìn