Canon EOS R là mẫu máy ảnh mirrorless đầu tiên của Canon được trang bị cảm biến Full – Frame với độ phân giải 30,3MP.
Không chỉ có cảm biến lớn, EOS R còn được trang bị chip xử lý mới nhất của Canon là DIGIC 8 với những thông số về dải ISO, tốc độ lấy nét rất ấn tượng. Bên cạnh đó là ngàm ống kính mới mang tên RF cho phép người dùng dễ dàng tùy chọn ống kính theo nhu cầu của riêng mình để đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất.
Thiết kế quen mà lạ
Thực sự EOS R không quá khác biệt so với những chiếc DSLR xưa nay của Canon, nhưng đổi lại EOS R được thiết kế để tiện dụng hơn, do vậy máy có báng rất dày, cầm cực kỳ chắc tay, thoải mái. Phần ống ngắm cũng được làm trồi ra mặt sau, để khi ngắm đỡ bị chạm mũi vào màn hình. Thiết kế này khiến cho máy dày lên đáng kể, dù phần thân chính vẫn khá mỏng, và trọng lượng vừa tay.
Vỏ ngoài rất chắc chắn được làm từ hợp kim magiê với bề mặt nhám. Phần ngàm gắn ống kính trên thân máy và đuôi ống kính đều có chất liệu kim loại cứng cáp và gia công tinh xảo. Canon cũng cho biết sản phẩm này đã được bao bọc đủ kín để tránh tác động của thời tiết và môi trường.
Điểm thú vị nhất trên EOS R chính là thanh cảm ứng Multi-function bar, cho phép điều khiển cảm ứng bằng cả hai thao tác chạm và kéo để điều chỉnh nhanh các thông số hay chuyển đổi tiện lợi giữa các chế độ chụp. Khi xem ảnh, thanh cảm ứng cũng giúp tốc độ chuyển ảnh nhanh hơn hẳn. Tất nhiên, do là cách điều khiển hoàn toàn mới, nên bạn sẽ cần chút thời gian mới có thể thành thạo.
Trên các ống kính sử dụng ngàm RF đều có thêm một vòng xoay giống như vòng chỉnh khẩu của nhiều ống kính fix. Tuy nhiên đây là vòng xoay đa chức năng, người dùng có thể gán bất cứ chức năng nào vào đây để tiện điều chỉnh như ISO, khẩu hay tốc độ. Vòng xoay trên ống kính khá nhẹ, có từng khấc với phản hồi bằng âm thanh. Như vậy tổng cộng EOS R có tới 4 “vòng xoay” điều chỉnh, 3 trên thân máy và 1 trên ống kính.
Có thể thấy, thanh cảm ứng Multi-function bar kết hợp với Control Ring không những loại bỏ bớt các nút Joystick, bánh xe mà còn giúp Canon hướng tới người dùng sử dụng EOS-R để quay phim khi hạn chế tối đa những tiếng kêu vật lý gây ra trong quá trình điều chỉnh thông số.
Trên đỉnh máy lần đầu tiên xuất hiện màn hình dạng e- ink kích thước lớn để hiển thị chế độ chụp, thông số, vừa giúp tiết kiệm pin, vừa giúp các thông số hiển thị rõ ràng, đẹp mắt hơn. Vòng xoay bên cạnh có thể điều chỉnh được chế độ chụp còn chế độ quay phim được kích hoạt bằng nút riêng.
Mặt sau của EOS R là màn hình LCD cảm ứng đa điểm 3.15inch, chống lóa với 2,1 triệu điểm ảnh, có khả năng xoay lật linh hoạt, rất tiện lợi khi ngắm chụp ở những góc khó hay khi quay phim, quay Vlog. Màn hình sáng rõ, hiển thị tốt ngoài trời nắng, màu sắc tự nhiên, trung thực.
Ống ngắm điện tử EVF của máy khá lớn với kích thước 0.5 inch, sử dụng công nghệ OLED, độ phân giải 3.69 triệu điểm ảnh (1280×960 pixel), độ che phủ 100% và độ phóng đại 0,76x. Màu sắc của EVF tươi tắn hơn màn hình LCD đôi chút do đặc trưng của công nghệ OLED. Các chi tiết được thể hiện sắc nét, mượt mà, mang lại cảm giác ngắm chụp thoải mái, dễ chịu.
Hàng loạt tính năng tiên tiến
Canon EOS R được trang bị cảm biến DIGIC 8 giúp đem lại dải ISO 100-40.000, có thể mở rộng tới 102.400, để chụp liên tiếp 8fps và thời gian khởi động camera chỉ khoảng 0,9 giây.
Với 5.655 điểm AF kết hợp và hệ thống Dual Pixel CMOS AF, EOS R có thể lấy nét trong vòng 0,05 giây. Máy được trang bị tính năng Eye AF trước đó đã xuất hiện trên EOS M50. EOS R thậm chí có thể lấy nét được trong điều kiện ánh sáng rất yếu tương đương mức -6 EV khi sử dụng kèm ống kính Canon RF 50mm f/1.2 L.
Một tính năng mới trên Canon EOS R là chế độ Fv, (Flexible Mode – Chế độ Linh hoạt), tức là khi thay đổi Khẩu độ, Tốc độ hay ISO thì hai thông số còn lại trong phơi sáng sẽ thay đổi theo để đạt được một thông số tổng thể cần thiết và phù hợp nhất mà không cần phải ra ngoài chuyển chế độ. Đây là một tính năng rất tiện dụng khi chụp sự kiện.
EOS R cũng có nhiều tính năng phù hợp với người quay phim bán chuyên hay vlogger nhờ tính năng trợ quay 4K 30fps hoặc Full HD 1080 60fps với thời lượng quay 30 phút liên tục. Tuy nhiên cần lưu ý là ở độ phân giải 4K, hình ảnh sẽ bị crop với tỉ lệ 1,7x. Theo lý giải của Canon, việc crop khung hình lại không làm ảnh hưởng tới độ phân giải thực của phim, nhưng giúp máy xử lý dễ dàng và bớt nóng hơn. Canon cũng bố trí cho máy cổng gắn mic và tai nghe khi quay, cổng HDMI xuất video HDR 10-bit.
Máy không được trang bị chống rung trong thân máy, tuy nhiên hệ thống chống rung trên ống kính của Canon từ trước đến nay vẫn được đánh giá cao về độ hiệu quả và trên EOS điều này tiếp tục được khẳng định.
Hệ ống kính mới
Cũng không thể không nhắc đến ngàm ống kính mới RF và 4 ống kính được Canon ra mắt cùng với EOS R. 4 ống kính này bao gồm 24-105mm f/4 L, 50mm f/1.2 L, 28-70mm f/2 L, và 35mm f/1.8 macro, gần như đầy đủ cho mọi nhu cầu, từ chụp đường phố, chân dung cũng như kết hợp để quay phim.
Đặc biệt khi nhìn vào ngàm RF là màn trập luôn đóng lại, không mở ra như những dòng máy không gương lật khác. Có lẽ, Canon muốn tăng khả năng bảo vệ cảm biến lên cao hơn khi thay ống kính với môi trường bên ngoài, hạn chế tối đa bụi bẩn.
Những ống kính RF có kích thước khá lớn và nặng, chỉ kém phiên bản dùng ngàm EF một chút. Trong số này, 24-105 có thể coi là ống kit mới, có dải tiêu cự rộng, đa năng và khẩu đủ lớn để chụp hoặc quay video trong nhiều tình huống. 50 f/1.2 tận dụng được kích thước lớn của ngàm RF để mở khẩu lớn hơn, cho phép chụp trong điều kiện sáng rất yếu cũng như tạo ra hiệu ứng bokeh đẹp mắt. Trong khi đó Canon RF 28-70mm f/2L là “ngôi sao” với khẩu lớn gần tương đương các ống fix, trong khi lại có dải tiêu cự rất đa dụng từ nhà ra phố.
Tuy nhiên, ống kính này cũng có trọng lượng tới gần 1,5 kg, đường kính lên tới phi 95mm, tương đối to và nặng, đi kèm giá bán lẻ ở Mỹ lên tới gần 3000 USD (70 triệu đồng). Người dùng sở hữu một bộ sưu tập ống kính EF hoàn toàn có thể sử dụng trên EOS R thông qua các adapter, và Canon cũng trình làng tới 3 bộ adapter chuyên dụng: một loại thông thường có giá 100 USD, loại thứ hai hỗ trợ vòng xoay đa chức năng Control Ring có giá 199 USD, và adapter cuối rất đặc biệt khi hỗ trợ gắn kính lọc (filter) đằng sau ống kính, cho phép điều chỉnh hiệu ứng của filter ngay trên adapter, và có giá 299 USD. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, giúp người dùng sử dụng kính lọc cả với những ống kính có mặt kính lồi, không thể gắn được kính lọc mặt trước.
Trải nghiệm chụp ảnh với Canon EOS R hết sức thân thuộc với những ai đã từng dùng qua các dòng máy DSLR của Canon. Bạn có thể làm quen gần như tức thì nhờ cách bố trí phím bấm, vòng xoay đã thành truyền thống của hãng. Tất nhiên, sẽ có 2 chi tiết mới làm bạn có đôi chút bỡ ngỡ là vòng xoay Control Ring trên ống kính cùng thanh cảm ứng Multi-function bar. Tôi thường thiết lập vòng Control Ring cho việc chỉnh ISO còn trượt thanh Multi-function để thay đổi chế độ lấy nét, bật tắt tính năng lấy nét theo mắt Eye AF theo từng tình huống.
Tốc độ của EOS R thực sự ấn tượng. Toàn bộ quá trình khởi động, khóa nét, bấm chụp và hiện ảnh diễn ra trong nháy mắt. Khả năng tùy chỉnh điểm nét gần như phủ kín toàn bộ cảm biến, lại vừa có thể ngắm chụp trên EVF, vừa có thể chọn điểm nét trên màn hình LCD cảm ứng mang tới khả năng bố cục thật sự linh hoạt. Gần như tôi không còn phải sử dụng đến kỹ thuật khóa nét và di chuyển bố cục nữa.
Ngay cả trong điều kiện đêm tối, mắt người cũng khó nhìn rõ, EOS R vẫn có thể lấy nét nhanh nhẹn, tỷ lệ trật nét rất thấp. Chế độ lấy nét theo mắt Eye AF hoạt động đáng tin cậy, có thể bám nét theo mắt kể cả khi mẫu không nhìn thẳng vào ống kính, m nhìn nghiêng hay nhìn chéo. Nhờ vây mà các bức ảnh chân dung với EOS R luôn đạt được độ nét chuẩn xác.
Nhiễu được kiểm soát rất tốt. Ngay cả khi đẩy ISO lên mức 32000, nhiễu vẫn ở mức chấp nhận được và hoàn toàn có thể dùng ổn ở kích thước nhỏ. Chỉ ở mức ISO từ 40000, nhiễu mới bắt đầu xuất hiện mạnh, chi tiết ảnh bị vỡ.
Tôi có cơ hội trải nghiệm EOS R với 2 ống kính RF 24-105mm f/4 L và RF 35mm f/1.8 macro. Cả 2 đều làm tôi hài lòng với tốc độ thực thi nhanh nhẹn, lấy nét chuẩn xác, chi tiết ảnh sắc nét, màu sắc dịu nhẹ đặc trưng của Canon từ trước đến nay, nhất là màu da người.
Ống RF 35mm f/1.8 macro với khoảng lấy nét tối thiểu 17cm, độ phóng đại 0.5x giúp tạo ra những bức ảnh macro khá ấn tượng, chi tiết nổi khối, tách bạch. Trong khi RF 24-105mm f/4 L đúng chất một chiếc lens All in One đa năng, phù hợp với mọi tình huống giống như người anh em EF 24-105mm f/4L trên các máy DSLR của Canon mà lại gọn nhẹ hơn. Đây hứa hẹn sẽ trở thành lựa chọn chủ đạo của người dùng EOS R trong thời gian tới nhờ cân bằng tốt giữa tính cơ động, chất lượng hình ảnh và sự đa dụng.
Chỉ có một điểm cần lưu ý ở ống kính RF 35mm f/1.8 macro là cơ chế lấy nét dạng thò thụt sẽ tạo ra tiếng động khá lớn, nhất là trong các không gian yên tĩnh.
Tôi chưa có cơ hội trải nghiêm kỹ khả năng quay video 4K của EOS R nhưng một vài đoạn video ngắn thử nghiệm cho thấy Canon đã thực sự nghiêm túc ở khả năng quay phim của mẫu mirrorless Full Frame này. Chi tiết, màu sắc, dải sáng, khả năng bám nét, chuyển vùng nét đều cho kết quả ấn tượng. Khả năng tự động cân bằng sáng khi chuyển từ vùng tối sang vùng chênh sáng hoàn toàn có thể làm hài lòng cả những tay máy chuyên nghiệp. Khả năng chống rung trên ống kính hiệu quả sẵn sàng làm bạn quên đi việc EOS R không hề có chống rung trên body.
Thay cho lời kết
Trong lần đầu tiên tham gia vào thị trường mirrorless Full Frame, Canon đã chứng tỏ họ hoàn toàn không phải là “tay mơ” khi mà Canon EOS R gần như hội tụ đầy đủ tố chất để trở thành chiếc mirrorless của nhiều nhiếp ảnh gia hay dân quay video bán chuyên. Hơn thế nữa, hệ thống ống kính, phụ kiện đa dạng của EOS R cho thấy Canon sẽ có những đầu tư dài hơi, nghiêm túc cho hệ máy mirrorless Full Frame, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ.
Nguồn: ĐTTD