Khi những chiếc đồng hồ kĩ thuật số ra đời vào đầu những năm 1980, nhiều người đã cho rằng thời đại của những chiếc đồng hồ kim đã qua, và chúng sẽ nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, không còn được sử dụng nữa. Họ còn nói chỉ những người làm việc trong bảo tàng hay những tay sưu tầm đồ cổ mới còn tha thiết với những mẫu đồng hồ “cổ lỗ sĩ” này.
Cho đến đầu những năm 1990, những chiếc đồng hồ kỹ thuật số đã dần lộ ra những khuyết điểm khiến cho chúng không còn được ưa chuộng, đặc biệt là trong giới thượng lưu. Theo đó, họ thấy đồng hồ kỹ thuật số đã mất đi “trái tim” và “linh hồn” mà một chiếc đồng hồ đã từng có. Sau đó, khi mọi người nhìn nhận lại giá trị truyền thống cùng nghệ thuật chế tác của những chiếc đồng hồ cổ điển, đồng hồ kim đã dần trở lại với vị thế của chính mình. Và điều tương tự cũng đã xảy ra với lịch sử phát triển của các ampli đèn chân không.
BÓNG ĐÈN CHÂN KHÔNG – SỰ TRƯỜNG TỒN CỦA MỘT DI SẢN ÂM THANH
Khi các transistor bán dẫn lần đầu tiên xuất hiện vào cuối những năm 1960, rất ít các công ty điện tử tiêu dùng tiếp tục sản xuất các linh kiện cho bóng đèn chân không. Sau đó, các transistor bán dẫn và mạch tích hợp được sản xuất hàng loạt, dường như báo hiệu cho sự sụp đổ của các ampli đèn trong thị trường âm thanh.
Đến năm 1970, thương hiệu Audio Research Corporation (ARC) là một trong số những công ty sản xuất thiết bị âm thanh gia dụng hiếm hoi trên toàn nước Mỹ còn sử dụng bóng đèn chân không. Tại sao giữa thời đại của mạch bán dẫn, ARC vẫn tiếp tục làm điều này? Giám đốc điều hành của ARC, Bill Johnson, luôn tin tưởng rằng những chiếc bóng đèn chân không sẽ cho ra chất âm nổi trội và có nhạc tính hơn nhiều so với các transitor bán dẫn. Và chính Ông là một trong những người góp phần đưa ampli đèn đến với thời kỳ “phục hưng” đầy mạnh mẽ, khi các mẫu ampli bán dẫn thời đó cũng đã vấp phải khuyết điểm chí mạng: thiếu đi cảm xúc và tính quyến rũ của bài nhạc.
Trong bài chia sẻ ngày hôm nay, hãy cùng tìm hiểu xem Audio Research đã đẩy mạnh giới hạn của chủ nghĩa hiện thực trong âm thanh với hàng loạt các thiết bị ampli đèn chân không của họ như thế nào.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA AMPLI ĐÈN CHÂN KHÔNG:
Xét về phương diện truyền tải tín hiệu, các bóng đèn chân không là vật dẫn điện tuyến tính hơn, do đó các tín hiệu khi được xử lí hay khuếch đại đều được duy trì vẹn toàn và hoàn chỉnh hơn rất nhiều. Đồng thời, các thiết bị tuyến tính như bóng đèn chân không cũng sẽ tạo ra âm thanh tự nhiên hơn và giúp kết nối cảm xúc sâu sắc hơn với âm nhạc. Vậy điều gì mang lại đặc tính này cho các ampli đèn? Đó chính là Sóng hài (Harmonics).
Các mạch đèn chân không có thể tạo ra các cấu trúc sóng hài bậc chẵn, và nhiều người tin rằng các sóng hài bậc chẵn sẽ cho ra âm thanh dễ chịu hơn. Lý do là vì các sóng hài bậc chẵn, khi được biểu hiện dưới dạng âm thanh, sẽ có độ mượt mà và mềm mại hơn so với các sóng hài bậc lẻ. Hơn nữa, tính toàn vẹn của sóng hài cũng được bảo tồn bởi các bóng đèn chân không, cho phép các mạch đèn xử lí các tín hiệu âm thanh, kết cấu nhạc cụ và khoảng cách âm giữa các vị trí một cách cụ thể hơn. Ngoài ra, các bóng đèn chân không mang trong mình chỉ số khoảng cách dự trữ tín hiệu (Headroom) cao hơn, từ đó mà âm thanh sẽ có độ động tốt hơn nhiều.
Ampli đèn chân không mang lại một trải nghiệm âm nhạc rất điệu kỳ. Nếu được phối ghép với một hệ thống âm thanh thích hợp, các ampli đèn có thể đem đến một buổi trình diễn cực kỳ ấn tượng với chất âm ngọt ngào và đầy nhạc tính. Chúng có thể tái tạo lại âm thanh của các nhạc cụ và giọng hát một cách mượt mà, tự nhiên và không gây cảm giác mệt mỏi cho người nghe.
SỰ KẾT HỢP TUYỆT HẢO TRONG THIẾT KẾ CỦA AUDIO RESEARCH:
Tuy nhiên, bản thân ampli đèn cũng có một vài khuyết điểm cần khắc phục, và 2 trong những nhược điểm lớn nhất chính là thiếu uy lực ở dải trầm và dễ có hiện tượng nhiễu nhiệt. Là một thương hiệu âm thanh đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực ampli đèn chân không, Audio Research thừa sức để nhận ra những điều này. Và để khắc phục điểm yếu này, cũng như là để đạt được âm thanh tinh khiết nhất, Audio Research đã sử dụng thiết kế kết hợp giữa mạch đèn chân không và các transistor bán dẫn FET (Field Effect Transistor). Ví dụ như ở dòng Reference và mẫu Preamp LS28, Audio Research đã tích hợp FET cho bảng mạch đầu vào để giảm thiểu mức độ nhiễu tín hiệu. Đầu CD Player CD6 cũng sử dụng FET trên các đường dẫn tín hiệu nhằm giảm nhiễu.
Audio Research dành rất nhiều thời gian cho công tác lựa chọn linh kiện. Các bóng đèn chân không và các transistor FET đều sẽ trải qua một quá trình chọn lọc, chạy rà (khoảng 48 tiếng), kiểm định, so sánh – đối chiếu một cách cẩn thận nhằm đảm bảo chất lượng luôn ở mức cao nhất. Sau đó, các kỹ sư sẽ tiến hành đánh giá các bóng đèn và linh kiện của mỗi bộ phận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt trước khi đi đến giai đoạn lắp ghép. Bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn đo lường và kiểm tra như vậy, Audio Research đảm bảo được khả năng tái tạo âm thanh và độ bền tốt hơn từ mọi sản phẩm.
Giai đoạn kiểm định và giai đoạn kết hợp mạch đèn chân không với mạch bán dẫn FET là 2 giai đoạn quan trọng nhất của cả quá trình. Tất cả các bóng đèn và các transistor FET đều được chế tạo với độ dung sai và đặc tính kỹ thuật cụ thể để có thể kết hợp hoàn chỉnh với nhau. Duy trì dung sai chặt chẽ với các van đầu ra là một bước mang tính quyết định trong quá trình chế tác, vì nếu chọn lựa được các bóng đèn và van phù hợp thì sẽ tạo ra độ méo tiếng và biến dạng thấp hơn đáng kể, đồng thời dẫn đến ít sóng hài không mong muốn hơn, mang đến chất âm tốt hơn.
Ngoài ra, Audio Research cũng sử dụng hệ thống phân cực tự động (Auto Bias) cho những chiếc ampli của mình. Theo đó, hệ thống này sẽ liên tục theo dõi dòng điện chạy qua các bóng đèn và điều chỉnh các thông số một cách chính xác, giúp các bóng đèn đạt được hiệu suất tối ưu. Điều này không chỉ giữ được chất lượng âm thanh tốt nhất, mà còn đảm bảo được tuổi thọ của các bóng đèn. Đồng thời, hệ thống này cũng giúp cho việc thay đổi các bóng công suất theo sở thích cũng trở nên dễ dàng hơn cho người dùng.
KẾT LUẬN:
Luôn theo đuổi chất âm với độ tinh khiết cao nhất, Audio Research đã dành 50 năm cho công cuộc nghiên cứu và hoàn thiện các thiết kế dành cho ampli đèn chân không của mình. Sử dụng nguồn điện khổng lồ, mạch chỉnh lưu phức tạp, các linh kiện và bộ phận được chế tạo và lắp ráp tỉ mỉ, tất cả các thiết bị của Audio Research đều được thiết kế để tạo nên một trải nghiệm sâu sắc và đầy cảm xúc cho các tín đồ âm thanh trên toàn thế giới. Các sản phẩm của Audio Research đều được sản xuất thủ công tại Minnesota, USA và được trang bị bộ khung thép cứng chắc, mang đậm dấu ấn thiết kế của thương hiệu âm thanh đến từ Mỹ này.
Nguồn: Đông Thành – Hòa Phúc