Canon lẫn Nikon đang gặp phải một đối thủ đáng gờm và họ sẽ tụt lại phía sau nếu không có sự thay đổi kịp thời.
8 giây, đó là thời gian tối thiểu mà một anh cao bồi cần phải giữ vững trên yên ngựa chứng để bắt đầu được tính điểm. Còn đối với những nhiếp ảnh gia, thời gian ngắn ngủi này chỉ đủ để nhận lại được những bức ảnh nhoè mờ hoặc thậm chí có thể còn không sử dụng được nếu… số đen.
Đấu ngựa Rodeo có thể nói là một trong những môn thể thao hấp dẫn nhưng cũng thuộc hàng “khó nhai” với các tay chụp ảnh bởi chuyển động của cả người lẫn ngựa không lúc nào là ngừng nghỉ và cũng vô cùng khó đoán, chính vì thế chuyện bắt được khoảnh khắc trong bộ môn thể thao này đôi khi đòi hỏi rất nhiều ở sự may mắn nữa.
“Trước đây, những bức ảnh chụp ở các cuộc thi ngựa rodeo thường được các nhiếp ảnh gia thực hiện bằng cách lấy nét trước ở khoảng cách ước lượng và sau đó cầu nguyện để có kết quả tốt nhất”, nhiếp ảnh gia Kenneth Jarecke cho biết.
Tuy nhiên, những ngày tháng cầu nguyện có ảnh rõ nét đã không còn nữa. Anh là một trong những người được tiếp xúc sớm với các dòng máy ảnh mirrorless do Sony sản xuất và từ đó tạo ra được những bức ảnh chụp chủ thể chuyển động nhanh nhưng vẫn nét căng. Không giống với các dòng máy ảnh DSLR, chiếc Sony a7R III của Jarecke loại bỏ hệ thống gương lật và nhờ đó cảm biến nhận được hình ảnh, ánh sáng tốt hơn cũng như lấy nét nhanh hơn. Chính sự thay đổi về mặt thiết kế cũng như tận dụng phần mềm tối ưu nên Sony đã có cơ hội phá vỡ vị thế đứng đầu của Canon và Nikon suốt bao năm qua.
Bức ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia Kenneth Jarecke bằng a7R III, 4/7/2018.
Đây không phải là lần đầu thị trường máy ảnh xảy ra biến động lớn. Cách đây 2 thập kỷ, kỉ nguyên máy ảnh kỹ thuật số đã khiến các nhà sản xuất thiết bị phải chạy theo thời thế, hoặc là phải “chết dần chết mòn” nếu cứng đầu theo phim (Kodak và Fujifilm từng là ví dụ điển hình). Và trong 10 năm trở lại đây, thời đại của smartphone bắt đầu nở rộ. hệ thống camera trên những chiếc điện thoại này ngày một cải tiến khiến thị phần máy ảnh ngày càng bị lung lay, ảnh hưởng đến 80% doanh thu. Những thiết bị dành cho phân khúc pro như Nikon D5 (giá 6.500 USD) hay Canon 1D Mark II (giá 5.500 USD) có vẻ như không bị ảnh hưởng, nhưng câu chuyện đó sẽ không còn nữa.
Hiện tại thị trường trị giá 3,2 tỉ USD/năm này đang có sự góp mặt của một loạt nhãn hiệu máy ảnh (lẫn smartphone), trong đó Canon, Nikon và Sony là ba nhà sản xuất máy ảnh lớn với lợi thế cung cấp các sản phẩm camera tầm cao cấp, ống kính phục vụ mảng thể thao, phóng sự và nghệ thuật. “Sony hiện đang trong vị thế vươn lên và chiếm lấy thị phần nhiều hơn”, nhà phân tích Kazunori Ito đến từ Morningstar Investment Services cho biết.
Sony a7 III (trái) và a9 là hai chiếc máy ảnh chủ lực của Sony thời điểm hiện tại.
Câu chuyện Sony khuấy đảo thị trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp không phải là chuyện mới đây. Nó đã nhen nhóm từ thời kỳ đầu của cảm biến ảnh kỹ thuật số hàng thập kỉ trước. Trong những năm 90, máy ảnh Cybershot từng được quảng cáo là thiết bị dễ dùng lại có thể bỏ gọn trong túi của người dùng được. Và đến sau này, khi các nhà sản xuất smartphone cần hệ thống camera tốt cho thiết bị của họ, Sony cũng chính là hãng cung cấp cảm biến ảnh và vi xử lý ảnh cho thị trường này (Apple cũng là một trong những khách hàng lớn của hãng điện tử Nhật Bản này).
Còn nhớ vào năm 2006, Sony từng mua công ty máy ảnh Konica Minolta, một động thái khá bất thường với một công ty luôn tự hào về kỹ thuật công nghệ của mình. Chiếc máy ảnh DSLR Alpha đầu tiên được ra đời nhưng vẫn chỉ là làm lại trên lớp vỏ của Konica Minolta, tuy nhiên những sản phẩm sau đó người dùng đã nhận thấy sự phát triển vượt bậc của Sony. Và 8 năm trước, Sony quyết định loại bỏ hệ thống gương lật cũng như đem đến khung ngắm điện tử cho người dùng. Các thành phần được gọt bỏ bớt, thiết kế nhỏ gọn và nhẹ hơn, đó chính là những ưu điểm bề ngoài đáng giá mà Sony có được giúp những tay máy mang vác thường xuyên đỡ phải cực nhọc hơn.
Công nghệ ngày một cải tiến nhanh, nhưng người dùng không phải ai cũng chấp nhận thay đổi và chuyển sang hệ thống mới. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường họ rất trung thành với bộ gear của mình vì độ tin cậy đã được chính họ chứng minh được. Hơn nữa, họ đã bỏ nhiều tiền để đầu tư cho các ống kính chuyên nghiệp khác nhau, mà giá tiền có khi thậm chí đắt hơn cả body máy ảnh. Một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho rằng Sony vẫn chưa tung ra các dòng lens mới đủ nhanh, kèm theo đó là dịch vụ hỗ trợ khách hàng vẫn không bằng Nikon và Canon. Về phía Sony, họ cũng cho biết đang cải tiến tất cả, không chỉ về mặt sản phẩm mà còn về cả dịch vụ vì mục tiêu cuối cùng họ tiến đến là sản phẩm dành cho các dân chuyên.
Tất nhiên những đối thủ khác cũng không thể ngồi yên. Trong lúc Sony đang tung hoành, Nikon cũng cho biết đang phát triển dòng máy ảnh Mirrorless cảm biến Full Frame và sẽ hé lộ thêm nhiều chi tiết hơn vào ngày 23/8 tới đây.
Canon hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào, cho biết vẫn đang “trong quá trình phát triển”. “Rào cản cho Sony hiện vẫn còn khá lớn”, Tomonori Igari, cây bút của tờ Asahi Camera cho biết. “Tất nhiên nó vẫn còn phụ thuộc vào việc họ có cam kết tạo dựng hệ thống hỗ trợ khách hàng tốt hơn nữa hay không, và cả Nikon lẫn Canon có chiến thuật phát triển máy ảnh mirrorless như thế nào”.
Và trong thời điểm hiện tại, Sony tiếp tục khai thác lợi thế dẫn đầu của mình. Nhà sản xuất máy ảnh đến từ Tokyo này đang đẩy mạnh marketing cho dòng máy ảnh Alpha của mình. Bên cạnh đó, chiếc máy ảnh a9 trị giá 4.500 USD gần đây cũng nhận được nhiều giải thưởng dẫn đầu tại 3 cuộc thi nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ngoài ra, Sony cũng đem đến một loạt dòng sản phẩm Alpha khác dành cho khách hàng không chuyên lẫn bán chuyên. Hãng này dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ 40%, lê gần 1 tỉ USD cho doanh nghiệp trong 3 năm tới.
Nếu Sony thành công trong việc đưa máy ảnh mirrorless thành chuẩn mực mới trong ngành công nghiệp này, các cuộc họp báo chắc chắn sẽ trở nên yên ắng hơn do không phải nghe những tiếng gương lật đánh trong các máy DSLR. Đây vốn là ưu điểm để các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lựa chọn khi tác nghiệp ở những giải đấu golf hoặc ở phòng xử án. Thậm chí buổi lễ thoái vị của Hoàng Đế Nhật Bản Akihito trong tháng 4/2019 sẽ cấm hoàn toàn các thiết bị chụp ảnh gây tiếng ồn và đây là thời điểm để những chiếc máy Alpha của Sony được toả sáng.
Nguồn: GenK