Có bao nhiêu loại kính lọc trong nhiếp ảnh? Mỗi loại khác nhau như thế nào? Loạt bài này sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc đó.
Trong nhiếp ảnh, kính lọc (filter) là một phụ kiện rất quan trọng mà hầu như nhiếp ảnh gia nào cũng có. Chúng được chia làm nhiều loại và theo nhiều cách khác nhau. Mỗi loại lại phù hợp với một kiểu ống kính, chưa kể chúng còn có những công dụng và chức năng riêng biệt. Trong phần 1, Nghenhinvietnam.vn sẽ giới thiệu với đọc giả cách phân loại và sử dụng filter.
Phân loại kính lọc
1. Theo vật liệu chế tạo
Optical (nhựa): Đây là dòng sản phẩm được chế tạo từ loại nhựa đặc biệt, tương tự như vật liệu làm mắt kính. Kiểu filter này có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền hơn các sản phẩm làm từ gel, đa dạng, và giá không quá cao.
Glasses (kính): Các kính lọc được làm từ kính cho chất lượng tốt và bền bỉ nhất trong mọi môi trường sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng sản phẩm này là giá thành khá cao và thường được dùng nhiều bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
2. Theo cơ cấu gắn lên ống kính
– Liên kết bằng ren xoắn: Kính lọc liên kết bằng ren xoắn là loại phổ biến nhất và có thể xoáy trực tiếp vào ống kính. Để sử dụng loại kính lọc này, người dùng chỉ cần quan tâm đến đường kính của ống kính đang sử dụng và chọn loại kính lọc có kích cỡ tương ứng. Chỉ số này thường được ghi ở mặt trước hoặc bên hông của ống kính. Đơn vị đo là milimét (mm) và thường nằm trong khoảng từ 46mm đến 82mm.
– Liên kết thông qua giá đỡ: Loại kính lọc liên kết theo dạng này có khả năng tương thích với nhiều loại ống kính có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, nó cần một cái kẹp kiêm giá đỡ để giữ tấm kính lọc phía trước. Ưu điểm của loại này là tháo lắp nhanh chóng, phù hợp với hầu hết ống kính nhưng sự chắc chắn lại không bằng loại trên. Và một nhược điểm đáng cân nhắc nữa là khi sử dụng kính lọc loại này sẽ không gắn được hood (loa chắn sáng).
3. Theo vị trị gắn trên ống kính
– Filter gắn phía trước ống kính: Loại này phổ biến nhất, thường dùng trên các ống kính thông dụng.
– Filter gắn sau ống kính: Loại này ít phổ biến hơn, thường sử dụng trên các ống kính supertele bởi vành trước của các loại ống kính này quá lớn.
– Filter gắn trong thân máy: Loại này được gắn hoặc trước cảm biến hoặc trước gương lật.
Các loại kính lọc phổ biến
1. Filter UV
Filter UV là loại kính lọc giúp ngăn chặn các tia cực tím đi qua ống kính, loại này thường được sử dụng như một tấm kính bảo vệ khỏi sự ăn mòn của gió biển và bụi bẩn ở môi trường có ánh sáng tự nhiên như ngoài trời.
Những kính lọc loại này trong suốt, giảm lượng ánh sáng đi vào ống kính không đáng kể và có giá thành rẻ.
2. Filter Polarizer
Filter Polarizer là loại kính lọc phân cực. Nó ngăn chặn các tia phản xạ từ bề mặt phẳng phi kim loại như gương kính, mặt nước. Khi gắn kính lọc này, gần như máy ảnh có thể lấy nét xuyên qua mặt gương, mặt nước mà không bị phản chiếu. Filter Polarizer có tác dụng giảm độ chói sáng và mây mù, rất quan trọng và thích hợp trong việc chụp ảnh phong cảnh, đặc biệt phong cảnh có trời mây.
Có hai loại Filter Polarizer. Một là loại Linear, hai là loại Circular (CPL).
Loại Linear chỉ phổ biến ở thời máy film, đến nay hầu như không ai sử dụng.
Loại Circular thì phổ biến hơn, nó thường gồm 2 phần, một phần gắn cố định vào đầu lens, phần kia có thể xoay tròn để lựa chọn góc lọc phân cực hiệu quả nhất. CPL ngăn những tia sáng từ những hướng không cần thiết đi vào tấm ảnh. CPL rất tốt khi chụp mặt nước, chụp qua tấm kính…
Kính lọc Polarizer là phụ kiện cần thiết cho các nhiếp ảnh gia, vì trong khi nhiều hiệu ứng filter khác có thể được giả lập bằng phần mềm xử lý ảnh hậu kỳ, thì hiệu ứng của CPL rất khó “số hoá”, trong nhiều trường hợp là không thể.
Ngoài ra khi dùng Filter CPL, có thể không cần gắn thêm hood (loa chắn sáng) nữa.
3. Filter Graduated Neutral Density
Đây là loại Filter có tính năng giảm lượng ánh sáng trong hình ảnh nhưng chỉ giảm sáng ở một phần. Kính lọc loại này được sử dụng khi chụp ảnh trong bối cảnh ánh sáng có độ tương phản mạnh.
Filter Graduated Neutral Density (GND) có nhiều loại, điển hình là Soft Edge, Hard Egde và Radial Blend. Kính lọc dạng Soft Edge tạo ra một dải mờ trung gian, giúp sự chuyển đổi từ sáng sang tối một cách từ từ. Kính lọc Hard Edge chuyển đổi đột ngột giữa nền sáng và tối, còn kính lọc Radial Blend cho kết quả tối dần từ 4 góc vào trong theo vòng tròn đồng tầm.
Loại Soft Edge, Hard Egde thường được sử dụng trong ảnh chụp phong cảnh còn loại Radial Blend hay được sử dụng để làm cân bằng độ tối góc của ống kính.
Còn tiếp: Phân loại kính lọc dành cho ống kính máy ảnh (phần2)