Ngàm E-mount là một bước đi hoàn toàn mới của Sony từ năm 2010 và từng gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng nhiếp ảnh
E-mount chỉ tương thích với máy ảnh cảm biến APS-C. Đây là một sự hiểu nhầm vì ngay từ khi bắt đầu, loại ngàm này đã được định vị với vai trò “một ngàm cho tất cả” – sử dụng cho máy ảnh không gương lật (MRL) cảm biến APS-C và fullframe.
Điều này đã mang lại những lợi ích rõ thấy khi giảm thiểu được những bất tiện của ngàm chuyển. Bên cạnh đó, khi chủ nhân một chiếc máy muốn nâng cấp body của mình có thể duy trì bộ lenses hiện tại mà không tốn thêm chi phí chuyển đổi hệ ống kính, cũng như không phải lo lắng về sự “thờ ơ” của hãng với hệ ngàm cũ. Hoặc với hệ sinh thái lenses đa dạng (54 lenses), các body của Sony sẽ được tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ nhiếp ảnh đường phố, nhiếp ảnh chuyên nghiệp, thậm chí là quay phim chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, những câu hỏi khác lại được đặt ra: Liệu kích thước của E-mount có quá bé để sử dụng cho những ống kính tiêu cự lớn và độ bền của sản phẩm có được đảm bảo? Thực tế đã cho thấy rằng những chiếc ngàm-E có độ bền còn cao hơn cả ngàm dùng cho các loại máy DSLR.
Về mặt thiết kế, khoảng cách flange focal (tạm dịch: tiêu cự mặt bích) được thu hẹp lại do thân máy không chứa gương lật, giúp cho ngàm chuyển tuy có đường kính nhỏ nhưng vẫn đảm bảo tương thích kỹ thuật với những ống kính khẩu độ lớn. Chính điều này đã giúp cho tổng thể thiết kế dòng MRL của Sony trở nên vô cùng nhỏ gọn.
Chủ nhân những chiếc máy MRL của Sony có lẽ là người hưởng lợi nhiều nhất, bởi những tiêu chuẩn đáp ứng được “One Mount Strategy” là không hề nhỏ trong khi Sony vẫn phải duy trì những mức giá hợp lý cho các dòng lenses bình dân dành cho hệ máy Crop của mình.
Chế tác một chiếc ngàm nhỏ dành cho tất cả các máy ảnh mà vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng là một bước đi đầy rủi ro và tốn kém. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất ống kính phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe.
Nếu như hệ ống kính của Canon hay Nikon chỉ tập trung tăng cường số lượng các motor lấy nét nhằm cải thiện tốc độ lấy nét, thì hệ thống ống kính của Sony lại trái ngược hoàn toàn khi tập trung vào hệ thống trượt cơ khí chuyển động linear. Nhờ đó mà Sony đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc tăng cường khả năng lấy nét trên hệ thống máy ảnh của mình.
Ngoài những dòng ống kính phổ thông, các ống kính cao cấp của Sony được thiết kế với độ phân giải lens lên đến 50MP, so với ống kính đến từ các đối thủ khác chỉ dừng lại ở 36MP mà thôi (Canon và Nikon có khá ít lens có độ phân giải trên 36MP, nên body có cảm biến 50MP hay 70MP đều không thể tận dụng hết được).
Không chỉ vậy, kết cấu ống kính thuộc hệ E-Mount cũng có những khác biệt nhất định. Sony đã áp dụng các thuật toán xử lý dựa trên truyền động thấu kính kết hợp cùng thiết kế vỏ ngoài, cho phép máy xử lý hình ảnh thu được nhanh và chính xác hơn. Chính điều này đã góp phần tạo nên tính năng lấy nét ánh mắt người (Eye AF) một cách nhanh chóng trên các máy ảnh mới ra gần đây của Sony.
Với hệ thống ngàm “cồng kềnh” EF, EF-S, EF-M của mình, năm 2018 Canon chính thức bước vào cuộc chiến máy ảnh không gương lật và có lẽ cũng đang chọn cho mình hướng đi giống Sony khi bắt đầu phát triển hệ lense RF cho dòng Canon EOS R. Điều này càng củng cố thêm minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Sony từ cách đây 10 năm.
Chiến lược “Một ngàm cho tất cả” – One Mount Strategy của Sony đang bắt đầu gặt hái thành công. Tầm nhìn One Mount thực sự là một điểm sáng làm thay đổi đến cả ngành công nghiệp máy ảnh. Nó khiến cho những hãng truyền thống như Canon, Nikon và cả Fujifilm phải nhìn lại và học hỏi, nhằm mang đến sự đồng nhất cho các dòng sản phẩm mới của mình, nếu như không muốn tụt lại phía sau trong cuộc đua không có chỗ cho sai lầm chiến lược.
Nguồn: Nghe Nhìn Việt Nam