Thời tiết nồm ẩm vào những người cuối xuân ở Miền Bắc là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ của thiết bị điện tử, thậm chí gây hỏng hóc khiến nhiều người phải tiêu tốn khoản tiền không nhỏ để sửa chữa hoặc mua mới. Vậy, làm thế nào để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những hư hại do kiểu thời tiết đặc thù này của Miền Bắc?
Đặt cách tường 10-15cm, cách nền khoảng 1m
Nguy cơ xảy ra hiện tượng tượng rò rỉ điện vào những ngày nồm ẩm khá cao. Vì thế, cách tốt nhất là người dùng nên đặt đồ điện tử cách tường 10-15 cm và đặt cách nền nhà khoảng 1m để hạn chế thiết bị nhiễm ẩm cũng như tăng độ an toàn cho người sử dụng.
Bật thiết bị mỗi ngày ngay cả khi không có nhu cầu
Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, nhất là những ngày độ ẩm trong không khí ở mức bão hòa (100%), người dùng nên bật TV, máy tính, dàn âm thanh… ít nhất một lần mỗi ngày. Bởi khi hoạt động, các thiết bị điện tử sẽ tự tỏa nhiệt, làm nóng, giúp sấy khô linh kiện bên trong. Cụ thể: Với TV, dàn âm thanh, người dùng có thể mở khoảng 1 giờ/ngày, ngay cả khi không có nhu cầu. Với máy tính hay một số thiết bị đắt tiền, người dùng nên để thiết bị hoạt động trong thời gian dài hơn.
Để ở chế độ chờ, không tắt nguồn, rút phích sau khi sử dụng
Ngoài việc mở ít nhất một lần/ngày, người dùng nên đặt thiết bị điện tử như TV, thiết bị âm thanh… ở chế độ chờ (Stand by) thay vì ngắt điện hoàn toàn. Chẳng hạn: Sau khi xem TV, hay nghe nhạc, người dùng nên tắt thiết bị bằng điều khiển từ xa thay vì tắt nguồn và rút phích điện. Bởi khi đặt ở chế độ chờ, thiết bị điện tử không tắt hoàn toàn, giúp sinh nhiệt góp phần hạn chế ảnh hưởng của độ ẩm mà không gây lãng phí điện do năng lượng tiêu thụ ở chế độ stand by chỉ vài Watt.
Không dùng máy sấy nóng, thổi trực tiếp vào thiết bị điện tử cần sấy khô
Hành động dùng máy sấy thổi trực tiếp hơi nóng vào đồ điện tử cần sấy khô có thể gây hư hỏng cho thiết bị. Bởi việc làm này có thể khiến linh kiện bên trong bị hư hại do phải chịu sức sức nóng rất lớn, thậm chí gió thổi khiến hơi nước xâm nhập sâu hơn, tác động xấu đến các mối hàn, gây giòn, gãy…
Vậy làm thế nào để sấy khô thiết bị điện tử?
Cách tốt nhất là đặt thiết bị điện tử cần sấy khô cạnh thiết bị điện tử khác đang hoạt động. Bỏ vào tủ chống ẩm hay thùng gạo cũng là những giải pháp chống ẩm mà người dùng có thể tham khảo. Theo đó, khi thiết bị điện tử hoạt động sẽ sinh ra nhiệt, làm ấm thiết bị đặt cạnh đó. Người dùng cũng có thể đặt thiết bị điện tử trong hộp rồi lắp bóng đèn sợi đốt 40-60W ở bên trong, chú ý không để trong thời gian quá lâu.
Đóng cửa bật điều hòa
Vào những ngày nồm ẩm, không ít người có quan niệm sai lầm rằng: Mở cửa, bật quạt sẽ thổi hơi ẩm ra ngoài. Thực tế không phải vậy, bởi với độ ẩm ngoài trời cao, càng mở cửa không khí ẩm bên ngoài càng tràn vào khiến nhà thêm ẩm ướt. Cách tốt nhất là chúng ta nên đóng kín cửa. Nếu có máy hút ẩm hoặc điều hòa thì có thể bật chúng nên nhằm hút bớt hơi nước trong phòng. Khi bật điều hòa, người dùng cần chú ý để ở chế độ lạnh khô với điều hòa một chiều, ở chế độ nóng với điều hòa hai chiều.
Đặt máy ảnh, ống kính trong tủ chống ẩm
Người dùng có thể sấy khô nhiều thiết bị điện tử trước khi dùng trong trường hợp dính ẩm nhẹ, thì với máy ảnh, ống kính không đơn giản như vậy. Bởi ống kính dễ bị ẩm mốc, rễ tre trong điều kiện thời tiết ẩm mốc. Muốn loại bỏ hiện tượng này, người dùng phải tháo ra để lau khiến ống kính mất “zin” và khó có thể hoạt động không trơn tru như trước. Không chỉ có vậy, hơi ẩm còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống kính ngắm, cơ chế lật của gương.
Vì thế, cách tốt nhất là sử dụng tủ chống ẩm trong điều kiện độ ẩm khoảng 35-50% để bảo quản máy ảnh và ống kính. Tuy nhiên, người dùng không nên bảo quản trong môi trường quá khô vì khi lớp gioăng cao su mất ma sát không thể bám lấy bánh răng để điều chỉnh. Thêm nữa, nếu khô quá, lớp dầu mỏng ở các chi tiết máy sẽ mất đi khiến ống kính hoạt động không còn trơn tru như trước.
Theo Quang Huy/Sống mới