HFVN – Viện Vật lý Thí nghiệm Anh vừa công bố một phương pháp mới sử dụng laser giúp các kĩ sư âm thanh và cả người dùng hiệu chỉnh hệ thống loa của mình nhanh chóng và hiệu quả. Đây là kết quả công trình nghiên cứu của viện kết hợp với hãng loa danh tiếng: PMC Ltd

011713_lw_loudspeaker
Thực nghiệm đo đạc và lập bản đồ 3D trên các dải tần. Ảnh: National Physical Laboratory

Theo Newscientist, một trong các công đoạn quan trọng nhất của việc hiệu chỉnh loa là xác định vị trí của các “điểm chết” trong không gian. Hiện tượng không mong muốn này xuất hiện khi các sóng âm thanh chồng lên nhau và triệt tiêu lẫn nhau. Nguyên nhân có thể do vị trí đặt loa sai, hoặc có thể do nhiều driver trên một loa hoạt động cùng lúc, phát ra các dải sóng khác nhau.

Thông thường, trong phòng thí nghiệm của các hãng sản xuất loa, các kỹ sư âm thanh phải dùng microphone, đặt ở các vị trí khác nhau, ghi lại và xử lý đồng bộ. Cách này mất thời gian và kém chính xác bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng thu âm, vị trí đặt mic… Tuy nhiên, với kỹ thuật mới, dựa trên các hiệu ứng âm-quang, các nhà khoa học sử dụng cảm biến ghi lại sự thay đổi của tốc độ ánh sáng laser khi đi qua không gian trước loa. Phổ ánh sáng được nhanh chóng ghi lại cho thấy rõ vị trí của các “điểm chết” không cần thiết.

Phương pháp mới thu hút được sự quan tâm của không chỉ các nhà sản xuất loa mà cả những audiophile khi phối ghép, sắp đặt phòng nghe của mình. Dù chỉ vừa được công bố, nhưng kỹ thuật đo đạc âm thanh này hứa hẹn sẽ rất phổ biến trong tương lai gần.

Nguyên Khánh