HFVN – Nếu như Bugatti là một cái tên làm cho người Pháp luôn tự hào mỗi khi nhắc đến những chiếc siêu xe nhanh và đắt nhất hành tinh, thì ở thế giới âm thanh, Triangle Audio cũng hoàn toàn xứng đáng đại diện cho những tinh hoa công nghệ lẫn mỹ thuật trong ngành chế tác loa hi-end audio. Nhắc đến Triangle Audio là nhắc đến một thương hiệu âm thanh với 35 năm lịch sử cùng một triết lý sáng tạo không ngừng, luôn ở vị trí tiên phong cả về những thiết kế thùng loa giảm nhiễu và driver công nghệ cao với tiêu chí hoàn thiện khả năng trình diễn.
CHẶNG ĐƯỜNG 35 NĂM ĐẦY SÁNG TẠO
Được thành lập vào năm 1980 bởi Renaud de Vergnette, ngay từ mẫu loa đầu tiên model 1180, Triangle Audio đã nhanh chóng tạo dấu ấn của mình trên bản đồ âm thanh thế giới. Vào thời điểm đó, thiết kế loa module tách rời tháp loa tweeter-mid và phần cột woofer để hạn chế cách nhiễu âm giữa các driver được xem là một thiết kế mang tính cách mạng và làm nền ý tưởng cho hàng loạt các nhà sản xuất loa khác cho đến tận ngày hôm nay. Chỉ một năm sau, thiết kế loa CX2 của Triangle tiếp tục gây được chú ý với thiết kế loa đầu tiên của hãng có module tweeter nằm hẳn bên ngoài thùng loa. Có thể nói, đội ngũ kỹ sư cũng như chuyên viên kỹ thuật của Triangle là những người luôn tìm tòi và hướng đến những cải tiến không ngừng về thiết kế cũng như công nghệ mới. Và tinh thần này được duy trì liên tục với những đầu tư rất lớn về R&D, đó cũng được xem là một triết lý, một di sản làm nên tên tuổi vững chắc của Triangle Audio.
Tiếp tục hành trình lịch sử của hãng, năm 1985, cùng với sự ra đời của mẫu loa Zenith 1, đây cũng là năm đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Triangle Audio, bởi Zenith 1 chính là thiết kế loa đầu tiên được sản xuất in-house toàn bộ với hệ thống các driver do chính hãng thiết kế và sản xuất. Năm 1990, Triangle Audio tiếp tục tạo được một mẫu loa với công nghệ đặc biệt mang tính bản lề. Triangle Altair chính là mẫu loa sử dụng thùng loa có hai mặt cong ở hong loa, tránh sóng đứng và cộng hưởng đầu tiên trên thế giới. Có thể nói hầu hết các hãng loa hiện nay đều chịu ảnh hưởng của thiết kế thùng loa với mặt bên được vuốt cong hoặc vuốt theo hình giọt nước.
Năm 1994, dòng loa Antal ZTX được hãng giới thiệu, chính thức đưa thương hiệu Triangle Audio vào phân khúc thị trường hi-end cao cấp. Sau đó, năm 2001, mẫu loa LYRR 222 ra đời, thiết kế loa cột 5 driver cho đến nay vẫn được xem là mẫu loa nổi tiếng nhất của Triangle. Thế hệ Antal ES tiếp theo được giới thiệu vào năm 2004 mang lại một bước tiến đáng kể trong thiết kế driver tweeter, đó chính là công nghệ tweeter găn họng kèn với buồng nén đặc biệt giúp mang lại dải cao có độ chi tiết và độ động tối ưu.
Năm 2006, Triangle Audio có sự thay đổi về sở hữu, gia đình Decelle, cụ thể là ông Olivier Decelle, đã mua lại toàn bộ công ty Triangle. Ông Olivier Decelle từng là một trong những đại lý đầu tiên ở Pháp chọn phân phối mẫu loa Model 1180 của Triangle ngay từ những năm 80. Sau đó, vào năm 1995, ông đã mua lại một phần cổ phần từ Renaud de Vergnettes, chính thức tham gia vào việc tổ chức sản xuất và góp phần lớn vào những công nghệ nổi trội của các dòng loa cao cấp sau này của Triangle Audio. Sau khi mua lại hoàn toàn công ty, Olivier Decelle đã cùng với CEO hiện hành là Marc Le Bihan tiếp tục tinh thần sáng tạo và nghiên cứu không ngừng cũng như hoàn thiện những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong quá trình sản xuất loa Triangle.
Năm 2007, dòng loa ultra hi-end Magellan được giới thiệu sau một khoảng thời gian dài hơn 60 tháng nghiên cứu và thử nghiệm. Triangle Magellan với siêu loa đầu bảng Grand Concert, có thiết kế module 3 khối độc lập hiện được xếp vào những những đôi loa cột tham chiếu của thế giới. Gấn đây nhất vào năm 2013, Triangle Audio giới thiệu dòng loa Signature rất thành công. Đây là dòng loa nhì bảng, sở hữu thùng loa sử dụng các loại veneer gỗ xuất sắc, kết hợp các công nghệ driver từ dòng đầu bảng Magellan với một mức giá dễ chịu hơn. Cùng năm này, Triangle đã dời bộ phận Bán hàng và Tiếp thị sang Bordeuax, đồng thời mở rộng diện tích nhà máy ở Soissons. Esprit EZ ra đời vào năm 2014 với hệ thống củ loa được thiết kế với vật liệu màng mới như sợi Cellulose, Titan, Foam, sợi thủy tinh…, nhằm tối ưu hóa chất lượng trình diễn các dải, giúp các mẫu loa như Anta EZ, Gaia EZ, Comète EZ tạo được sức cạnh tranh rất lớn trong phân khúc loa tầm trung cao.
CHẾ TÁC THỦ CÔNG TIÊU CHUẨN LUXURY
Nhà máy của Triangle tọa lạc tại Soissons, miền Bắc của nước Pháp, sau khi chuyển bộ phận Tiếp thị và Bán hàng sang trụ sở mới của hãng ở Bordeuax, nhà máy Triangle đơn thuần phục vụ cho hai mảng sản xuất và nghiên cứu. Triangle Audio tự hào là một trong số rất ít các nhà sản xuất hi-end trên thế giới có thể tự thiết kế, chế tạo và hoàn thiện mọi bộ phân của loa, trong đó phải kể đến công nghệ chế tạo thùng loa và đặc biệt là hệ thống driver cao cấp được nghiên cứu và cải tiến gần như liên tục trong suốt 35 năm lịch sử.
Sự tỉ mỉ, tinh xảo với gỗ veneer cao cấp bóng phẳng chính là đặc tính nhận diện đầu tiên của một đôi loa Triangle. Hãng loa Pháp luôn đặt trọng việc chế tác thùng loa kể cả ngoại hình lẫn đặc tính âm học. Là nhà sản xuất đầu tiên trên thể giới đưa ra thiết kế thùng loa có hai mặt bên được uốn cong giúp hạn chế tối đa sóng đứng gây cộng hưởng, Triangle Audio cũng đưa ra những thiết kế làm nền tảng cho rất nhiều mẫu loa hiện đại ngày nay, trong đó phải kể đến kiểu thùng module tách rời, cách li tháp loa woofer và module loa tweeter/ mid. Ngoài ra, Triangle Audio cũng tiên phong trong việc thiết kế driver tweeter bên ngoài thùng loa, giúp hạn chế các rung chấn ảnh hưởng đến khả năng trình diễn dải cao. Trong những thiết kế gần đây, chúng ta có thể thấy hãng loa đến từ miền Bắc nước Pháp cũng đã có những thiết kế thùng loa với diện tích mặt trước được giảm đến mức tối đa, sát với viền chassis của driver. Thiết kế này không chỉ giảm các tán xạ âm từ mặt thùng loa đến không gian phòng nghe mà còn tăng cường độ mở đặc biệt ở dải trung và cao.
Với hàng loạt những nghiên cứu và ứng dụng mang tính tiên phong trong việc tối ưu hóa thiết kế thùng loa, Triangle cũng cực kỳ khắc khe trong việc chế tác và hoàn thiện các tiêu chí mỹ thuật. Định hướng triết lý chế tác mang tính thủ công luxury nên từ việc chọn veneer gỗ, xử lý độ bóng, các đường nét viền thùng loa cho đến các chi tiết nhỏ như lỗ thoát hơi, chân đinh, cọc loa đều được tối ưu về thiết kế và hoàn thiện. Nhắc đến loa Triangle, điểm ấn tượng đầu tiên của chúng tôi chính là lớp veneer bóng hoàn mỹ, phẳng như gương, mang đẳng cấp đồ mỹ nghệ hi-end. Thùng loa của Triangle ở những dòng cao cấp được gia công từ 7 lớp gỗ được chọn lọc kỹ với độ dày mỗi lớp 3mm, sau đó các lớp này được cho vào khuôn ép thủy lực định hình và sản phẩm sau cùng là cấu trúc thùng đơn khối với độ dày đạt 21mm. Dù là lựa chọn các lớp veneer vân gỗ quý hay phủ sơn mài trắng/đen bóng piano, thùng loa Triangle phải trải qua ít nhất vài chục giờ đồng hồ với tổng cộng từ 7 đến 10 lớp sơn phủ. Các nghệ nhân luôn giám sát từng lớp phủ một và thực hiện đánh bóng sau mỗi lớp để đảm bảo một nước lacquer bóng, trong, phẳng như gương.
TRANG BỊ NHỮNG CÔNG NGHỆ R&D TIÊN TIẾN BẬC NHẤT
Bên cạnh việc đề cao tiêu chuẩn chế tác thủ công luxury, R&D chính là tinh thần và triết lý xuyên suốt 35 năm của Triangle Audio. Tại nhà máy Soissons, ngoài khu vực chế tạo, nhà kho và một bảo tàng nhỏ nơi chứa những mẫu loa huyền thoại từ trước đến nay của Triangle, hãng loa Pháp dành một phần diện tích khá lớn cho phòng Nghiên Cứu và Phát Triển.
Từ năm 2009, bộ phận R&D được Triangle đầu tư mạnh và tách toàn bộ hệ thống đo đạt khỏi những phòng kiểm âm. Trianlge là một trong những nhà sản xuất hi-end đầu tiên trang bị hệ thống máy in 3D. Phòng nghiên cứu thuộc bộ phận R&D còn được đầu tư một phòng không cộng hưởng (anechoic room) riêng, để thực hiện những đo đạt cần thiết. Để có thể liên tục đưa ra những mẫu thử nghiệm mới, bên cạnh trang bị máy in 3D chuyên nghiệp dòng Projet của hãng 3D Systems với khả năng tạo mẫu vật nhanh, sai số thấp, Triangle còn trang bị hệ thống phần mềm giả lập Klippel, cho phép giả lập hoạt động của các driver, các mẫu loa trên máy tính.
NHỮNG THIẾT KẾ DRIVER LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU QUỐC TẾ TRIANGLE
- Loa Tweeter kèn:
Các driver tweeter họng kèn sử dụng củ nén chính là công nghệ driver nổi tiếng nhất làm nên dấu ấn của Triangle Audio. Không chỉ tự nghiên cứu, sản xuất, trang bị trên hầu hết các mẫu loa của hãng với những biến thể cấu hình khác nhau về đường kính, chất liệu diaphragm, các tweeter kèn của hãng còn được xuất dưới dạng linh kiện OEM cho nhiều thương hiệu loa khác.
Driver tweeter TZ2900 GC và TZ 2550 được trang bị ở các dòng loa Magellan, Signature, Espirit EZ là hai mẫu driver cao cấp nhất của hãng. Các củ loa này đều có thiết kế từ nhôm đúc, màng driver làm từ chất liệu titanium. Một trong những chi tiết quan trọng của tweeter kèn Triangle chính là chiếc mũi định âm hình viên đạn và họng còi được tính toán và tối ưu hóa độ tán âm. Ưu điểm của driver tweeter kèn là giúp tăng cường tính định hướng, độ tuyến tính dải cao, giảm đáng kể độ méo.
- Driver mid màng giấy sợi cellulose:
Driver mid T16GMF100-THG06 được trang bị trong dòng loa đầu bảng Magellan là một trong những loa trung có dải tần rộng từ 70Hz lên đến 4000Hz và đạt độ tuyến tính tốt nhất từ trước đến nay. Màng loa này sử dụng chất liệu sợi cellulose được tẩm thấm thêm chất liệu latex giúp màng vừa nhẹ vừa tăng cường độ ổn định bề mặt. Chất liệu màn giấy sợi cellulose cũng được ứng dụng cho các driver mid ở các dòng loa thấp hơn.
Hầu hết các driver này đều sử dụng chassis nhôm đúc nguyên khối, giúp chống rung, tăng độ ổn định và được thiết kế thoáng khí tránh cả nhiễu âm phản hồi từ mặt sau của màng loa. Driver mid Triangle sử dụng voice-coil 2 lớp với phần lõi làm từ chất liệu Kapton cao cấp. Một điểm thiết kế đáng chú ý ở các màng driver mid Triangle chính là hãng không dùng các loại viền poly thông thường mà thay vào đó viền có các nếp gấp nhỏ giúp màng hoạt động cực kỳ linh hoạt, tăng cường độ động của trung âm, tạo nên một tổng thể âm thanh vừa có hài âm tự nhiên, chi tiết vừa nhanh, tuyến tính.
Ở dòng loa đầu bảng Magellan, Triangle sử dụng đến 2 loa twetter hoặc cả 2 loa tweeter và mid bố trí ở mặt trước và sau tạo nên một thiết kế lưỡng cực. Thiết kế này giúp các mẫu loa Magellan như Grand Concert, Concerto và Quatuor có được những màn trình diễn 3D với sân khấu cực rộng, sâu và chia nhiều từng lớp.
- Driver woofer kết hợp màng sợi thủy tinh và màng sơi cellulose:
Theo nghiên cứu của Triangle, chất liệu sợi thủy tinh được chọn làm màng loa woofer bởi đây là một trong những vật liệu lý tưởng nhất đáp ứng độ tuyến tính ở dải mid-low, điều mà các chất liệu màn giấy, poly, kevlar thông thường đều khó đáp ứng được. Chính vì thế hầu hết các màng woofer của Triangle đều sử dụng một hoặc hai lớp màng sợi thủy tinh để đảm bảo có được dải mid-low tốt nhất. Tất nhiên, nhiệm vụ chính của driver woofer vẫn là dải trầm, để tăng cường độ ổn định và chống rung màng ở tần số thấp, chất liệu giấy vẫn được Triangle tin dùng. Như vậy tùy vào cấu trúc driver woofer mà hãng sẽ kết hợp theo kiểu hybrid sandwich giữa các lớp màng giấy sợi cellulose và màng sợi thủy tinh.
Một trong những loa con woofer đặc biệt mà chúng tôi muốn nhắc đến gắn liền với tên tuổi Triangle đó là driver T21GM-MT10- THG06. Ngoài sở hữu cấu trúc chassis nhôm khối ấn tượng, bộ nam châm cực mạnh, driver woofer Triangle T21GM-MT10-THG06 có kết cấu màng rất độc đáo. Cũng kết hợp giữa màng sợi cellulose và sợi thủy tinh nhưng màng loa này phức tạp hơn hiều so với kiểu ghép 2 lớp hoặc sandwich thông thường. Màng loa T21GM-MT10-THG06 gồm 3 lớp, trong đó 2 lớp trên và dưới là màng sợi thủy tinh, ở giữa là một lớp màng sợi thủy tinh nhưng có cấu trúc tổ ong phức tạp. Sự kết hợp này giúp tối ưu dải mid low đồng thời tạo được những âm trầm sâu với độ ổn định và độ động cao nhờ cấu trúc vững chắc của màng tổ ong.
MỘT SỐ DÒNG SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
- Dòng Magellan:
Dòng sản phẩm cao cấp nhất Magellan được Triangle phát triển nghiên cứu trong suốt hơn 60 tháng ròng với hơn 1000 các bản vẽ thiết kế chi tiết khác nhau. Dòng Magellan có tất cả 6 thiết kế loa, trong đó có 3 model Grand Concert, Concerto và Quatour có thiết kế loa lưỡng cực, được bố trí thêm các driver mid và tweeter phía sau giúp tăng thêm hiệu ứng live và mở rộng trường âm đáng kể.
Thiết kế loa đầu bảng Magellan Grand Concert được xếp vào nhóm những mẫu loa tham chiếu thế giới, hiện là đôi loa duy nhất của Triangle có thiết kế module. Grand Concert có tất cả 3 module, cao 215cm, nặng 100kg, được liên kết với nhau bằng hệ thống khóa Fixoal. Hệ thống khóa này với lực ép tì lên đến 1,6 tấn, giúp toàn bộ 3 module của loa được liên kết gần như một khối thống nhất và hạn chế các rung động ở các khớp module so với những cấu trúc loa cột module thông thường. Magellan Concerto có tổng cộng 2 tweeter, 2mid và 4 woofer, trong đó 2 bộ driver mid và tweeter được bố trí ở mặt loa tạo nên một cấu trúc loa lưỡng cực.
- Dòng Signature:
Nhờ hiệu quả trình diễn đáng nể so với tầm giá, hiện Signature là một trong những dòng loa có tính thương mại tốt nhất cũng như được nhận diện nhiều nhất của hãng loa Triangle, đặc biệt là model Signature Delta. Dòng Triangle Signature có tất cả 4 mẫu loa gồm Alpha, Delta, Theta và Gama. Xét về thiết kế Signature chính là sự kết hợp từ hai thiết kế thùng loa CX2 và Altair cùng hệ thống driver mới. Signature có hai điểm đáng chú ý mang tính đặc trưng công nghệ của Triangle đó chính là thiết kế tweeter rời bên trên thùng loa và bộ vách hong cùng nóc loa được bo tròn giúp hạn chế các nhiễu âm phát sinh từ sóng đứng cộng hưởng và nhiễu xạ bề mặt thùng. Dòng Signature sở hữu các driver cao cấp, thừa hưởng trực tiếp những công nghệ từ driver của dòng đầu bảng Maglellan gồm tweeter kèn, mid màng giấy cellulose và loa woofer kết hợp hai lớp màng sợi thủy tinh và giấy. Đến nhấn đáng kể khác của dòng Signature chính là hệ thống chân chống rung SPEC (Single point energy conductor), lấy cảm hứng thiết kế từ chân đàn Cello, giúp khóa chặt tháp loa với nền và đồng thời xả nhanh các rung động.
- Dòng Esprit EZ:
Có tổng cộng 6 model gồm 2 loa cột, 3 đôi bookshelf và 1 center, dòng sản phẩm Esprit EZ được định vị ở phân khúc tầm trung cao. So với Signature, dòng Espirt EZ có thiết kế thùng loa đơn giản hơn nhưng vẫn sở hữu những lớp bóng piano cao cấp rất bắt mắt. Tuy không có những điểm mạnh về khả năng chống cộng hưởng và nhiễu xạ âm như dòng Signature nhưng thiết kế ngoài được tối giản với những đường nét tinh tế nhẹ nhàng của Esprit EZ lại giúp dòng này có thể dễ dàng hòa nhập với các phong cách nội thất hiện đại. Trái với thiết kế thùng loa được tinh giản, hệ thống của loa Esprit EZ vẫn được Triangle ưu ái trang bị toàn bộ những công nghệ đặc trưng với bộ ba tweeter kèn, mid giấy và woofer sợi thủy tinh.
Nghe Nhìn Việt Nam