Phàm là người chơi âm thanh, không phải ai cũng đủ tiền để mua về những CD “xịn” có giá tới vài ba chục USD/album. Nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ, một vài năm nay những audiophile đã tìm đến một cách chơi đỡ tốn kém hơn: chơi nhạc lossless.
Lùng tìm lossless
Nếu bạn chưa từng chơi dàn máy âm thanh (gồm những thiết bị chủ yếu như đầu đọc đĩa, ampli, loa…) thì có thể bạn sẽ không có khái niệm gì về lossless. Với những audiophile thì khác, gần như đây là một “phương thuốc đặc hiệu” giúp thỏa mãn cơn “ghiền nhạc” mà chỉ phải đầu tư một khoản rất nhỏ so với việc tìm mua những CD xịn. Hãy tính, một CD, LP (đĩa than) xịn có giá ít nhất 150.000 đ, loại đắt hơn có thể tới triệu bạc, nếu nhân lên với hàng trăm CD thì con số sẽ là bao nhiêu?!
Lossless được hiểu một cách nôm na nhất là nguồn âm thanh chất lượng cao, khi ghi ra đĩa CD, sẽ được những album gần với đĩa gốc nhất.
Nắm được thông tin ấy, hàng ngày, hàng trăm ‘con nghiện” audio vẫn lần mò trên Internet, lùng sục tìm kiếm trên các diễn đàn âm thanh để tìm thứ nhu liệu thần kỳ này.
Anh Trần Mạnh Tùng, cán bộ kinh doanh công ty sữa Abbott là một audiophile mới “bập” vào âm thanh, nhưng nhanh chóng bị thú chơi tao nhã “hao tài tốn của” này cuốn hút. Sau khi nâng cấp thiết bị nghe lên mức kha khá (đầu đọc Marantz 63se, ampli Cyrus III, loa cột TDL) , anh nhận ra những đĩa CD “hàng chợ” khi đưa vào dàn máy, chất lượng đều bất ổn, kể cả những CD Trung Quốc trông “xịn” giá 35-50.000đ/đĩa, nhưng nghe kỹ vẫn có tiếng “sôi”.
Đĩa xịn thì anh không thể đủ tiền mua hết tất cả để thỏa mãn cơn khát nhạc ngày một trầm trọng. Đến lúc tình cờ tìm được thông tin lossless, khi hết công việc hàng ngày, anh lại vùi mặt vào mấy trang web, search tìm thông tin về thứ tài nguyên này. Lần mò tìm kiếm, anh thấy có những người sẵn sàng chia sẻ tài nguyên âm nhạc của mình cho người cùng sở thích. “Một lần- Tùng kể- tôi tìm được một cậu có nhạc lossless muốn chia sẻ, tôi liền gọi điện liên lạc.
Cậu này ở tít trong một ngõ nhỏ trên phố Minh Khai (Hà Nội). Lần mãi mới vào đến nơi, đấy là một khu trọ sinh viên. Cả dãy chung nhau một đường Internet, các phòng trọ đều có mạng 24/24. Nếu không lần mò vào thì tôi không bao giờ biết được sinh viên bây giờ điều kiện sống tốt hơn bọn tôi ngày trước. Cậu kia có hơn 40Gb nhạc, nhưng laptop của tôi lại chỉ còn trống có 20Gb. Tôi gọi điện cho một người bạn “cầu viện”. Anh này cũng máu mê nhạc, nghe vậy liền hấp tấp tháo cả ổ cứng của cơ quan chạy đến. Lần ấy bạn tôi suýt bị sa thải chỉ vì tự động tháo máy tính ở công ty”.
Sau những cuộc kiếm tìm, mò mẫm, giờ đây anh Tùng cũng đã có một vốn tài nguyên kha khá tới vài ba trăm Gb, đủ các thể loại nhạc Tây Tầu: vocal, jazz, giao hưởng, hòa tấu… Anh sắm một chiếc ổ cứng dung lượng lớn tới 500Gb, rồi sắm luôn một máy in mầu. Hết ngày làm việc, buổi tối anh cặm cụi ghi đĩa, in bìa, rồi cắt ghép… Anh lọ mọ xuất ra những album nhạc ai nhìn cũng phải thấy ưng ý.
Tính ra, một chiếc đĩa nhạc với phôi tốt, chỉ mất tới 15.000đ là cùng, rẻ hơn một nửa tới 1/3 so với đĩa nhạc Trung Quốc bán ở cửa hàng, mà chất lượng lại vượt trội. Bạn bè đến nghe nhạc, ai thích anh hào phóng tặng ngay 1-2 chiếc. Ai nghe cũng khen chất lượng tốt. Ngày nghỉ, anh lang thang khắp xó chợ Giời tìm mua phôi đĩa sao cho vừa tốt vừa rẻ. Lâu dần, Tùng thành khách quen của dân bán phôi đĩa chợ Giời.
Chẳng riêng gì Tùng, phong trào chơi đĩa nhạc tự “sản xuất” đang ngày một lan rộng, thế nên mới có chuyện gần đây, thị trường Hà Nội bỗng trở nên khan hiếm loại đĩa Mishubishi phono Audio- một loại đĩa ghi âm chuyên nghiệp, chỉ vì số lượng các audiophile mua về “đúc” đĩa tăng vọt.
Nghiện download nhạc lossless
Sau những lần đi xin nhạc vô tiền khoáng hậu, anh Tùng tình cờ quen anh Nguyễn Việt Đức- người nổi tiếng trên diễn đàn âm thanh vnav là có bộ sưu tập nhạc lossless đồ sộ, và cũng rất rộng lòng chia sẻ cho các anh em cùng sở thích. Anh Đức (nick ducvn) làm việc tại công ty FPT. Từ khi chơi audio, anh bắt đầu có thói quen tìm và download nhạc lossless.
Ban đầu, anh download trên diễn đàn ttvn, từ các thành viên khác up lên chia sẻ. Về sau, anh nhận thấy, nếu có một account rapidshare thì chỉ cần truy cập vào internet là cũng đồng nghĩa với việc bước chân vào kho tàng nhạc chất lượng cao khổng lồ, đủ các thể loại đông tây kim cổ, từ những album phổ thông nhất tới các loại khó tìm nhất… Có điều, các album đều có dung lượng rất lớn, tối thiểu cũng trên dưới 200Mb, có album dung lượng lên tới gần 1Gb, nên việc download rất lâu, tốn thời gian, công sức.
Nhưng thú vui download đã ngấm thì khó bỏ, ngày ngày, anh Đức âm thầm download các album theo gu của mình, rồi tự mình biên tập thành list, sau đó up lên blog và diễn đàn mời mọi người down xuống, hoặc tới… copy về. “Tôi không có thời gian nghe hết những gì mình download về, nhưng tôi phải thừa nhận mình thích download. Có lẽ từ khi có đường truyền ADSL tốc độ lớn, download nhạc trở thành thói quen”, anh Đức kể. Từ khi được chia sẻ, nhiều thành viên đã tới xin nhạc của anh Đức và tất cả đều rất hài lòng về chất lượng âm thanh của các album.
Nhưng có lẽ vì cho mượn ổ cứng nhiều quá, chiếc ổ Samsung 500Gb của anh đã “đột quỵ”, không cứu vãn được. Anh Đức đành ngậm ngùi mua cái khác, rồi mượn ổ sao lại nhạc lossless của… chính mình. Nhưng chỉ được ít lâu sau, đã thấy anh hớn hở khoe: “Tớ lại vừa download xong bộ Kitaro rồi đấy (Kitaro- nhạc sĩ Nhật Bản lừng danh thế giới), hôm nào rảnh chạy qua mà copy”.
Dân Việt sành nhạc, sành âm thanh chẳng kém gì thế giới. Thế giới có gì ta có nấy, chơi gì ta chơi nấy. Dân chơi có câu “hay trong tầm tiền”, ngẫm ra đúng muôn lần đúng. Chơi nhạc lossless là cách rẻ và hiệu quả nhất so với chi phí đầu tư. Nếu chẳng có sức mạnh công nghệ để người ta nghiên cứu ra cái thứ nhạc định dạng này thì có lẽ nhiều audiophile còn vật vã với nguồn âm thanh không biết đến bao giờ.
Văn Khách – XHTT số 66