HFVN – Sự thành công của thưởng hiệu âm thanh VTL – Vaccum Tube Logic với hàng loạt các sản phẩm mới cùng nhiều cải tiến về mặt kỹ thuật, thiết kế vỏ máy cho đến những hoạt động ngoại giao, chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn chính là nhờ sự xuất hiện của một nữ doanh nhân, một nhà quản lý giỏi, một người đam mê âm thanh – Bà Beatrice Lam, phu nhân của Luke Manley, chủ nhân của VTL. Không những thế, với đôi tai cực tốt, bà còn là một trong những người quyết định phẩm chất âm thanh của VTL. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Bea Lam khi bà sang dự triển lãm Việt Nam High End Show 2009 tại Tp.HCM vào cuối tháng 9 vừa qua.
PV: Thưa bà, qua triển lãm Việt Nam High End Show, bà cảm nhận thế nào về thị trường audio tại Việt Nam?
Bà Bea Lam: Tôi rất vui và cảm thấy dễ chịu khi đến Việt Nam, đặc biệt lần đầu tiên tham gia Việt Nam High End Show, nó đã làm cho tôi vô cùng phấn khích. Mặc dù là một triển lãm có qui mô chưa được lớn nhưng cả ban tổ chức, các đơn vị tham gia và khách tham quan đều tỏ rõ sự nhiệt tình và say mê với thiết bị audio. Tôi cảm nhận rõ sự háo hức của khách tham quan, họ quan sát thật kỹ những thiết bị âm thanh được trưng bày và ngồi nghe rất lâu, tôi còn nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc hầu như có mặt ở cả 3 ngày của triển lãm. Tôi có cảm giác như được quay trở lại thời kỳ cực thịnh của high-end audio vào những năm 90 tại Mỹ. Khi đó CES Show luôn nhộn nhịp, nhà sản xuất thì nào nức mang đến những tác phẩm âm thanh mới nhất, người xem lúc nào cũng chật kín các phòng nghe.
Với truyền thống đam mê âm thanh, thị trường âm thanh cao cấp tại Việt Nam mặc dù mới phát triển trong thời gian gần đây, nhưng tôi tin chắc chắn rằng, các bạn đang đi rất vững, các thương hiệu audio lớn, nhỏ sẽ hiện diện đầy đủ tại đây trong thời gian rất ngắn.
VTL đã chính thức có mặt tại Việt Nam nhiều năm trước đây với những sản phẩm thuộc thế hệ cũ. Thanh Tùng Audio, nhà phân phối chính thức của VTL hiện tại đã mang về cả một thế hệ VTL mới, nó là những cải tiến về công nghệ, chất lượng và cả ngoại hình. Thanh Tùng là nhà phân phối mà chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, bởi họ là những người đam mê âm thanh thực thụ, có kiến thức cũng như khả năng tư vấn tốt cho khách hàng. Thanh Tùng đã nhập toàn bộ các dòng sản phẩm của VTL từ model cơ bản cho đến những bộ khuếch đại tham chiếu mang đến sự lựa chọn phong phú cho khách hàng từ những người mới làm quen với audio, với VTL cho đến những ai muốn tìm những sản phẩm đỉnh cao nhất.
PV: Bà có thể giới thiệu ngắn gọn về lịch sử của VTL, nhiều độc giả của chúng tôi cũng thắc mắc về sự tồn tại của hai thương hiệu VTL và Manley?
Bà Bea Lam: Vâng rất sẵn lòng. Thương hiệu VTL – Vaccum Tube Logic được thành lập tại Anh Quốc vào năm 1989 bởi David Manley. Với ý tưởng mang những công nghệ tiên tiến nhất từ các thiết bị phòng thu ứng dụng vào lĩnh vực âm thanh gia đình, David là một kỹ sư thu âm giỏi. Đầu tiên, ông ứng dụng những thiết kế mạch nổi tiếng từ các thiết bị thu âm với cấu trúc đơn giản ví dụ như mạch đẩy-kéo chẳng hạn, kết hợp với việc trang bị những linh kiện âm thanh cao cấp cũng như đầu tư mạnh vào bộ nguồn. Năm 1986, David quyết định mang những thiết kế ampli của mình đến với triển lãm CES tại Chicago (Mỹ), khi đó Luke Manley cũng đã đến Mỹ để giúp đỡ cha mình. VTL đã ngay lập tức gây được sự chú ý mạnh mẽ tại triển lãm năm đó, những phản hồi rất tốt từ khách tham quan và báo giới, lần đầu tiên người ta có dịp thưởng thức những sản phẩm khuếch đại bằng đèn điện tử ngọt ngao lại có sức mạnh và độ động cao. Chính từ sự thành công vượt ngoài mong đợi này mà David và Luke quyết định chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất từ Anh sang California (Mỹ), VTL bắt đầu gặt hái thành công với những sản phẩm nổi tiếng thời đó như các powermono ampli Deluxe 300, Deluxe 225…. Bản thân tôi cũng là người bị VTL chinh phục bởi bộ ampli Deluxe 225. Tôi thích dòng nhạc cổ điển thính phòng nên cần những thiết bị khuếch đại mạnh mẽ và có độ động cao, trước đó tôi dùng ampli của Conrad Johnson nhưng khi chuyển sang VTL Deluxe 225 tôi đã rất phấn khích.
Quay trở lại với lịch sử VTL, từ năm 1986 đến 1988, chúng tôi tạo ra được những sản phẩm tốt và kinh doanh rất thành công nhưng cũng gặp phải những vấn đến giữa hai thương hiệu VTL và Manely (chuyên sản xuất các thiết bị cao cấp dành cho phòng thu). Cho nên đến năm 1993, David Manley quyết định rời công ty và tập trung phát triển những sản phẩm Manley còn Luke ở lại và duy trì hoạt động của VTL.
Kể từ đó chúng tôi bắt đầu cơ cấu lại VTL, tập trung phát triển sản phẩm và công nghệ mới, bên cạnh đó, không thể thiếu sự đầu tư vào hệ thống phân phối bán hàng, phát triển thương hiệu và mở rộng đến các thị trường mới. Ngoài ra, một vấn đề đáng quan tâm khác chính là chất lượng sản phẩm, trước đây VTL chưa quản lý tốt về mặt này, những linh kiện gần như được chọn ngẫu nhiên, dây chuyền sản xuất còn lỏng lẻo…. Chúng tôi bắt đầu phát triển hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, phần mềm này giám sát chặt chẽ các công đoan sản xuất một cách chi tiết và có hệ thống, mỗi sản phẩm đều có một danh sách quản lý riêng về linh kiện.
Trong khoảng thời gian đó tôi và Luke Manley đã kết hôn. Tôi làm việc cho công ty HP, ban đầu tôi chỉ định làm việc tại VTL khoảng 6 tháng để xem mình có giúp được cho Luke gì không, đặc biệt là những gì tôi đã được học từ HP, một trong những công ty xem chất lượng là mối quan tâm hàng đầu và sau đó quyết định giúp Luke cho đến ngày hôm nay.
Những nổ lực của chúng tôi đã có thành quả, vào năm 2002 một dòng sản phẩm VTL hoàn toàn mới đã chính thức xuất hiện, chúng tôi giới thiệu preamp tham chiếu TL7.5 và cả một gia đình sản phẩm mới với những thay đổi về thiết kế ngoài, thiết kế mạch bên trong, ứng dụng những công nghệ thông minh và đặc biệt là toàn bộ những sản phẩm mới được quản lý chất lượng theo một tiêu chuẩn khắt khe.
PV: Bà có thể giới thiệu những điểm khác biệt chính yếu về mặt thiết kế và triết lý sản xuất giữa dòng VTL mới và các sản phẩm thuộc thế hệ trước?
Bà Bea Lam: Có một sự thay đổi khá lớn giữa sản phẩm VTL thế hệ mới so với dòng sản phẩm cũ. Đầu tiên là về việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Trước đây chúng tôi chỉ có duy nhất một nhà thiết kế, ông ta làm tất cả mọi việc từ thiết kế nguồn, mạch khuếch đại…. Khi Luke và tôi tiếp quản VTL, tôi nhận ra ngay đây là điều đầu tiên mình cần thay đổi. Chúng tôi phát triển đội ngũ kỹ sư với mỗi người nắm giữ một phần nghiên cứu riêng, gồm có kỹ sư chuyên về mạch nguồn, kỹ sư chuyên nghiên cứu bóng đèn và các mạch liên quan, kỹ sư về thiết kế mạch PC board, kỹ sư phần mềm… Có thể nói từng công đoạn thiết kế đều là cả một ngành khoa học nghiên cứu, đơn cử như các thiết kế mạch PC board, kỹ sư thiết kế phải tìm ra cách để tạo được mạch điện cân đối với đường đi tín hiệu ngắn nhất, sắp xếp các linh kiện tránh nhiễu lẫn nhau.
Điểm khác biệt thứ hai rất quan trọng chính là những sản phẩm VTL mới được giám sát với một quy chuẩn chất lượng rất khắt khe. Những ngày đầu tiên đến với VTL tới không tìm thấy được bất kỳ một tài liệu quản lý qui trình sản xuất nào, họ đã quá bận rộn với những đơn hàng kéo dài. Nhưng tôi đã quyết định thiết lập lại tất cả các quy chuẩn về giám sát và quản lý chất lượng. Không chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm khi đã hoàn thiện, mà chúng tôi phát triển một hệ thống quản lý toàn diện từ các khâu tiếp nhận linh kiện, lắp ráp theo quy trình cho đến các bước kiểm ra kỹ thuật, kiểm tra chất lượng âm thanh và đóng gói xuất xưởng.
Điểm khác biệt thứ ba chính là chúng tôi tập trung hơn vào khách hàng. Tập trung chính vào khác hàng thể hiện qua việc chúng tôi lắng nghe những phản hồi trực tiếp của khách hàng, chọn lọc và đưa nó vào những ý tưởng phát triển sản phẩm. Ngoài ra, khách hàng sẽ được phục vụ một cách chuyên nghiệp hơn về dịch vụ hậu mãi, bảo trì. Nhờ thiết lập hệ thống quản lý chi tiết về quy trình sản xuất nên khi có sản phẩm lỗi chúng tôi có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Một trong những điểm khác biệt nữa là việc chúng tôi đã thành lập cả một ban nghe thẩm định, ban này sẽ chịu trách nhiệm nghe thẩm định một cách chuyên sâu.
Cuối cùng, những thiết kế sản phẩm VTL được trang bị những công nghệ mới như các mạch lai hybrid, ứng dụng nguồn Mosfet và đặc biệt là ứng dụng những công nghệ cao như vi xử lý trong việc vận hành máy nhằm mang lại khách hàng khả năng thao tác trên sản phẩm một cách đơn giản nhất. Nếu như trước đây khi nhắc đến ampli đèn mọi người đều ngại việc phải bias bóng đèn, ngay cả việc thay bóng cũng không phải dễ và khó xác định tuổi thọ bóng thì giời đây sản phẩm mới của VTL đã được trang bị mạch tự bias hay cao hơn là bạn có thể xác định tuổi thọ bóng, máy tự phát hiện và báo lỗi chính xác của từng bóng…
PV: Qua rất nhiều bài báo viết về bà, tôi được biết vai trò của bà tại VTL là cực kỳ quan trọng, bà có thể cho biết rõ hơn công việc hiện tại của bà tại nhà máy VTL?
Bà BeaLam: Tại VTL tôi bị gán cho là người “lắm chuyện” (cười)… Bởi tôi gần như tham gia vào quản lý vào tất cả mọi công đoạn trong quá trình sản xuất, quản lý mọi người. Với nền tảng làm việc ở vai trò quản lý tại HP tôi học được rất nhiều điều từ việc quản lý con người cho đến quản lý dự án lớn. Công việc hiện tại của tôi là quản lý đội ngũ sản xuất, phòng vật tư, quản lý chất lượng. Trong khi đó, Luke lo việc marketing và bán hàng cũng như thường xuyên công tác đến các đại lý. Vai trò của tôi và ông ấy rất rõ ràng.
Ngoài ra, tôi cũng kiêm luôn phần hỗ trợ khách hàng, tôi nhận và trả lời email trong ngày. Một công việc mà tôi rất yêu thích nữa là nghe thẩm định, tôi nằm trong ban thẩm định chất âm của sản phẩm.
PV: Bà có thể cho biết về các hệ thống nghe thẩm định, tôi được biết hiện tại phòng test của VTL đang dùng những sản phẩm của Wilson Audio, điều đó có đúng không?
Bà Bea Lam: Chúng tôi có hai phòng test đặt tại nhà máy và nhà riêng. Hệ thống tại nhà máy chúng tôi dùng loa Avalon Indra và nó rất hợp với ampli VTL. Tôi dùng đầu đĩa than của VPI, hầu hết khi thực hiện việc nghe thẩm định tôi đều dùng nguồn analog với đĩa than LP. Tại nhà riêng, chúng tôi dùng loa Wilson Max 2 và hiện tại chúng tôi còn trang bị thêm đôi Rockport Aquila. Hệ thống nguồn dùng thiết bị từ dCS và dây dẫn của Nordost.
PV: Xin cám ơn bà rất nhiều. Xin chúc bà ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa tại VTL.
Tuấn Lương