Lựa chọn power-amp phụ thuộc vào ba yếu tố, đó là công suất, chi phí và loại power-amp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các yếu tố kể trên.
Không như các thiết bị khác trong hệ thống, chất lượng trình diễn của power-amp dao động rất nhiều, phụ thuộc vào các đặc tính về điện. Kết quả là việc lựa chọn power-amp đòi hỏi người nghe cần phải rất cẩn thận, không chỉ chú ý đến nhạc tính mà còn cả các đặc tính về điện. Trong một hệ thống, đối với các thiết bị chủ động như preamp hay nguồn phát, người nghe có thể dùng bất cứ loại nào vì chúng lúc nào cũng có thể hoạt động tốt (cho dù nhạc tính có thể không được lý tưởng cho lắm), nhưng power-amp buộc phải phối ghép được với loa, ít nhất là về mặt kỹ thuật mới có thể đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định được. Do đó, việc tìm kiếm power-amp cho hệ thống sẽ có những đòi hỏi khắt khe hơn nhiều.
Trước hết, về yếu tố kỹ thuật, lựa chọn power-amp đồng nghĩa với việc lựa chọn công suất để phối ghép với loa. Công suất phù hợp của power-amp thường dao động rất lớn, phụ thuộc vào độ nhạy của loa, trở kháng loa, kích thước phòng, các biện pháp xử lý âm học và tuỳ thuộc vào người nghe muốn lớn tiếng đến mức nào. Độ nhạy loa là mức độ áp suất âm thanh mà loa tạo ra khi có tín hiệu đi vào, đây cũng đồng thời là thông số quan trọng nhất quyết định mức công suất cần thiết. Thông số độ nhạy thường được ký hiệu như sau: xx dB/W/m. Điều đó có nghĩa là loa đó có thể tạo ra mức áp suất âm thanh xx dB với 1 watt điện đầu vào, khoảng cách từ người nghe đến loa là 1 mét. Một cặp loa có độ nhạy dưới 90dB, trên 85dB thường có âm lượng trung bình khi có một watt điện vào. Thế nhưng thường do các yếu tố khác nên chúng ta sẽ cần mức công suất cao hơn 1 watt ấy.
Để tăng âm lượng thêm 3dB, chúng ta sẽ cần tăng gấp đôi công suất đầu vào. Do đó, một cặp loa có độ nhạy 88dB với 1 watt sẽ tạo ra 91dB với 2 watt, 94dB với 4 watt, 97dB với 8 watt và cứ tiếp tục như vậy. Để tạo ra mức âm lượng lớn 109dB, công suất đầu ra của ampli sẽ phải là 128 watt.
Với cặp loa có độ nhạy 91dB với 1 watt điện đầu vào, khoảng cách là 1m, ta có thể thấy chênh lệch về độ nhạy với cặp loa 88dB chỉ là 3dB, nhưng để tạo ra âm lượng 109dB thì công suất yêu cầu chỉ bằng một nửa (64 watt). Một cặp loa 94dB sẽ chỉ cần 32 watt để tạo ra cùng mức âm lượng.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng có một sự liên quan giữa công suất power-amp với giá thành, cho nên bên cạnh việc tìm công suất phù hợp, người nghe cũng cần phân bổ lại ngân sách cho hợp lý. Cho dù có định đầu tư bao nhiêu thì cũng nên nhớ rằng, giá trị của power-amp nên chiếm từ 20 đến 25% tổng giá trị hệ thống.
Lựa chọn loại power-amp – stereo hay monoblock – cũng bị chi phối bởi yếu tố ngân sách. Monoblock có chất lượng tạm được thường bắt đầu từ phạm vi 2500 đô la / cặp. Ở mức giá này, lựa chọn một chiếc stereo power-amp thường sẽ hợp lý hơn vì chỉ với một thân máy, một dây nguồn và một thùng hàng, nhà sản xuất có thể đầu tư nhiều hơn vào quá trính sản xuất cũng như lựa chọn linh kiện. Nhìn chung, để chơi một hệ thống cao cấp, nếu như ngân sách cho power-amp dưới mức 4000 đô la thì không nên lựa chọn monoblock. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng thường thì những trường hợp ấy rất hiếm. Ngay cả trong trường hợp của stereo power-amp, 4000 đô la cũng không phải giới hạn cuối cùng, bởi có những cỗ máy cao cấp với chất lượng xuất sắc có thể có giá lớn hơn thế nhiều. Thông thường, giá phổ thông của power-amp chất lượng tốt nói chung nằm trong khoảng từ 800 đến 2000 đô la. Trong đó, ở mức giá trần, có một vài mẫu sản phẩm sở hữu hiệu năng trình diễn ấn tượng, không thua kém gì những cỗ máy đắt tiền gấp vài lần.
Monoblock thường có hiệu năng trình diễn tốt hơn một chiếc stereo power-amp vì vài lý do. Thứ nhất, bản chất của monoblock là hai kênh khuếch đại bên trong thân máy khác nhau, do đó các can nhiễu có thể làm ảnh hưởng chất lượng tín hiệu giữa các kênh không thể xuất hiện. Vì vậy, monoblock có khả năng tái tạo âm trường tốt hơn stereo power-amp. Thứ hai, mỗi chiếc monoblock sử dụng mạch nguồn riêng hoàn toàn, thậm chí đến cả biến thế nguồn cũng vậy, do đó kênh trái và phải của mạch khuếch đại không chia sẻ cùng dòng điện. Điều đó giúp monoblock chiếm ưu thế lớn hơn trong việc truyền tải các dải tín hiệu tức thời đến loa. Cuối cùng, nhà sản xuất thường coi monoblock là chiếc power-amp đầu bảng của họ, vì thế họ sẵn sàng đổ hết công sức cũng như tiền bạc vào phát triển monoblock. Do đó, đây là lựa chọn dành cho những ai vừa có điều kiện tài chính, vừa muốn sở hữu khả năng trình diễn tốt nhất.
Nguồn: tapchihifi.com/Nguyễn Hào