Đã là người đam mê nghệ thuật và muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thì chắc chắn các loại ống kính máy ảnh là điều bạn nên biết đến. Và để dễ dàng hơn, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt được các loại ống kính máy ảnh cũng như nên chọn loại nào.
1. Các loại ống kính máy ảnh thông dụng
Ống kính Zoom (Lens Zoom)
Đây là loại ống kính cấu tạo từ nhiều bộ hình thấu kính ghép lại với nhau, có thể phóng to để hình ảnh được trở nên lớn hơn. Ống kính Zoom có khả năng thay đổi tiêu cự bằng các nút chức năng hoặc ở một số máy ảnh, người dùng xoay chuyển vòng cao su trên thân ống kính.
Ống kính Zoom có khả năng phóng to giúp cho người dùng dễ dàng chụp những vật ở xa
Ống kính Zoom thường được phân biệt bằng 2 chỉ số tiêu cự in trên thân ống hoặc trong tên gọi sản phẩm, đơn vị tính bằng mm. Chẳng hạn như Canon EF-S 55-250mm/f4-5.6 IS, Nikon AF-S 70-300mm/f4.5-5.6G VR,… Với ống kính này, người chụp có thể zoom ở nhiều dải tiêu cự từ 18 đến 300mm, đáp ứng được nhu cầu thông thường trong chụp ảnh như chụp phong cảnh, chân dung, thể thao hay tĩnh vật.
Bên cạnh việc ứng dụng trong chụp ảnh, ống kính zoom còn được dùng như kính viễn vọng có thể thay đổi độ phóng đại, hoặc sử dụng để phát tia laser có thể thay đổi khoảng cách xa gần trên một diện tích.
Ống kính góc rộng (Wide-angel Lens)
Ống kính tiêu chuẩn thường có tiêu cự là 50mm cho góc ảnh giống với khả năng thu nhận không gian hình ảnh của mắt người. Trong khi đó, ống kính góc rộng có chiều dài tiêu cự nhỏ hơn so với tiêu cự chuẩn 50mm, giúp mở rộng góc nhìn cho hình ảnh được bao quát hơn.
Chỉ cần đứng một chỗ, ống kính góc rộng sẽ cho bạn hình ảnh toàn cảnh mong muốn
Ống kính góc rộng sở hữu dạng tiêu cự cố định và loại zoom có thể thay đổi chiều dài tiêu cự, được phân thành 3 loại chính: Góc rộng, góc siêu rộng và góc cực siêu rộng. Phù hợp với chụp ảnh phong cảnh, ảnh nội thất… vì người dùng không cần phải di chuyển nhiều mà vẫn có được tấm hình toàn cảnh. Ngoài ra, do đối tượng chụp càng gần máy có kích thước càng lớn ngược lại, nên người dùng có thể sử dụng ống kính này để nhấn mạnh sự khác biệt về khoảng cách giữa chủ thể với hậu cảnh.
Ống kính Prime (Lens Prime hay Lens Fixed)
Đối với loại ống kính này, người dùng không thể thay đổi được tiêu cự vì chúng đã cố định. Nếu muốn chụp xa hoặc gần chủ thể, người dùng cần phải di chuyển. Do đó, ống kính Prime ít được sử dụng hơn so với ống kính Zoom và thưởng chỉ dùng để chụp ảnh chân dung hoặc ảnh tĩnh.
Lens Prime phù hợp với chụp ảnh chân dung vì nó có thể hỗ trợ xóa phông rất chuyên nghiệp
Đặc điểm của ống kính Prime là giá rẻ hơn ống kính Zoom, chất lượng quang học tốt và cũng gọn nhẹ hơn… Dải tiêu cự được trang bị thường cố định ở các mức như 20mm, 24mm, 28mm, 35mm, 50mm, 85mm, 105mm…
Ống kính Telephoto (Lens Tele)
Telephoto là loại ống kính được thiết kế để chụp các vật thể xa trong nhiếp ảnh thể thao, động vật hoặc những trường hợp mà người chụp không thể nào đến gần đối tượng chụp. Ống kính Telephoto có 2 loại ống là fix và zoom. Ống fix độ dài tiêu cự cố định cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhưng không linh hoạt như zoom có thể thay đổi tiêu cự.
Ống kính như khẩu đại bác này sẽ hỗ trợ được rất nhiều trong chụp ảnh thế thao hay động vật đấy
Ống kính Telephoto cũng được chia làm 3 loại:
– Ống kính Telephoto ngắn (85mm-135mm)
– Ống kính Telephoto trung bình (135mm- 300mm)
– Ống kính Super Telephoto (Trên 300mm).
Thông thường, tiêu cự ống kính Telephoto nhỏ nhất ở 85mm và kéo dài lên đến trên 800mm. Độ dài tiêu cự càng lớn càng chụp được ảnh ở xa hơn, tuy nhiên cũng đồng nghĩa với ống kính có giá ‘chát’ hơn, lớn và nặng hơn.
2. Những điều cần lưu ý khi chọn mua ống kính máy ảnh
Trước khi chọn lựa mua ống kính máy ảnh, bạn cần phải xem xét các tiêu chí như khẩu độ, tiêu cự, khả năng chống rung và giá thành để chọn được một chiếc ống kính phù hợp với nhu cầu.
Khẩu độ
Đây chính là độ mở của ống kính, nhờ nó mà ánh sáng có thể đi vào bên trong thân máy. Khẩu độ được kí hiệu bằng chữ f, chỉ số f càng nhỏ thì khẩu độ sẽ càng lớn, ánh sáng đi qua ống kính càng nhiều. Nó cũng quyết định đến giá thành của ống kính.
Nếu chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng, người dùng nên chọn ống kính khẩu độ khoảng f/1.8 – f/2.0.
Chỉ số f càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn và ngược lại
Tiêu cự
Khoảng cách tính từ tâm ống kính đến cảm biến hình ảnh chính là tiêu cự, biểu thị mức độ phóng đại mà ống kính đạt được. Tiêu cự càng dài thì cho độ phóng đại càng lớn.
Để biết được tiêu cự, chúng ta có thể xem thông tin được ghi trên ống kính. Ví dụ 18-55 mm f/3.5-5.6, có nghĩa là ống kính có thể chụp ở tiêu cự 18mm và zoom xa nhất tại tiêu cự 55m.
Khả năng chống rung ảnh
Chức năng chống rung ảnh thường được tích hợp vào thân máy mirrorless nhằm giúp cho việc chụp ảnh được hoàn hảo hơn. Tuy vậy, đối với máy ảnh DSLR thì chúng lại không được hỗ trợ, bạn cần phải mua ống kính chống rung ảnh rời bên ngoài.
Các nhà sản xuất sẽ có kí hiệu riêng cho tính năng này như Canon là IS (Image Stabilization- Ổn định hình ảnh), Nikon là VR (Vibration Reduction- Giảm rung) hay Sony là OSS (Optical Steady Shot- Chụp ổn định quang học).
Tính năng chống rung ảnh không cần thiết lắm khi chụp ảnh tĩnh, những sẽ rất quan trọng khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu ở tốc độ màn trập chậm, quay video hoặc sử dụng ống kính tiêu cự rất dài.
Với máy ảnh mirrorless thì chúng đã được trang bị khả năng chống rung, nhưng với máy ảnh DSLR thì cần phải sử dụng ống kính chống rung để được hỗ trợ về tính năng này
Tóm lại, tùy vào từng mục đích chụp ảnh mà bạn sẽ có những lựa chọn về ống kính thích hợp.
– Ống kính có tiêu cự 50mm, khẩu độ f/1.8 sẽ phù hợp với những nơi thiếu sáng, hoặc chụp chân dung, thú cưng.
– Ống kính góc rộng sẽ phù hợp với chụp ảnh phong cảnh hoặc ‘sống ảo’.
– Ống kính tele sẽ thích hợp với ảnh ở xa hoặc chụp ảnh thể thao, động vật hoang dã.
Nguồn: TCN