HDMI là viết tắt của từ High-Definition Multimedia Interface, nghĩa là “Giao diện đa phương tiện có độ phân giải cao”. Đây là đầu kết nối kỹ thuật số đáng tin cậy phù hợp cho các TV màn hình phẳng, máy chiếu và các thiết bị AV khác trong suốt 15 năm qua. Trải qua thời gian dài phát triển, HDMI đã trở thành một cổng kết nối đa năng, hoạt động như một giao diện cho nhiều định dạng Video và Audio khác nhau.
HDMI ARC (Audio Return Channel) là một giao thức thông minh nằm trong tiêu chuẩn của HDMI. Về lý thuyết, giao thức này có thể đơn giản hóa việc thiết lập TV và giảm số lượng cáp cần thiết để kết nối. Như vậy, HDMI eARC là gì? Và có điều gì khác biệt so với HDMI ARC? Tất cả những điều ấy sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
HDMI VÀ HDMI ARC LÀ GÌ?
HDMI ra đời vào năm 2002, và thiết bị đầu tiên được tích hợp công nghệ HDMI được ra mắt trước công chúng vào năm 2004. Đây được coi là một cách thuận tiện để gửi dữ liệu âm thanh và hình ảnh kỹ thuật số “ngược dòng” từ nguồn đến TV, bộ ampli khuếch đại hoặc soundbar. Ngõ HDMI dần trở nên thông dụng và được phát triển qua nhiều năm với nhiều phiên bản khác nhau (phiên bản mới nhất là HMDI 2.1), hỗ trợ các công nghệ âm thanh và hình ảnh mới nhất như 3D, 4K, 8K…..
Mãi đến năm 2009, giao thức HDMI ARC mới được giới thiệu như một phần của phiên bản HDMI 1.4, và từ đó trở thành một phần tính năng của công nghệ HDMI.
TÁC DỤNG CỦA GIAO THỨC HDMI ARC:
Hãy tưởng tượng rằng bạn có một Set – up Box (Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình), một chiếc máy chơi game console và một đầu Blueray, và tất cả đều được kết nối với chiếc TV thông qua ngõ HMDI. Ngày trước, nếu chưa có giao thức HDMI ARC, người dùng cần phải sử dụng thêm 1 chiếc dây tín hiệu Optical để kết nối hệ thống âm thanh hay soundbar với TV nếu muốn sử dụng các thiết bị này. Thế nhưng, nhờ vào ngõ vào HDMI ARC, người dùng chỉ cần 1 sợi dây HDMI kết nối TV với thiết bị âm thanh, và 1 sợi dây HDMI khác kết nối thiết bị âm thanh với nguồn phát là đủ. Lúc đó, thiết bị âm thanh (Soundbar hoặc ampli) sẽ đóng vai trò như một thiết bị trung tâm, giữ lại tín hiệu âm thanh và truyền tín hiệu hình ảnh từ nguồn phát đến TV. Đặc biệt, người dùng có thể truy xuất tín hiệu âm thanh từ TV xuống thiết bị âm thanh chỉ nhờ vào 1 sợi dây HDMI, thay vì phải kết nối thêm 1 sợi Optical như trước đây.
Để sử dụng giao thức HDMI ARC, người dùng cần có một chiếc TV và một thiết bị xử lí âm thanh (AV Receiver, Processor hoặc là soundbar) có ngõ vào HDMI hỗ trợ ARC phù hợp. Người dùng không cần một sợi HDMI mới dành cho ngõ ARC. Bất kỳ dây HDMI nào cũng có thể kết nối với ngõ vào HDMI ARC. Ngoài ra, người dùng có thể cân nhắc tính năng HDMI CEC (Consumer Electronics Control). Tính năng này cho phép người dùng bật TV và điều khiển âm lượng trên soundbar hoặc ampli mà không cần quá nhiều điều khiển từ xa.
Hãy lưu ý rằng cổng HDMI ARC chỉ hỗ trợ các định dạng PCM (2 kênh) Dolby Digital (lên đến 5.1 kênh) và DTS Digital Surround (lên đến 5.1 kênh). Điều này có nghĩa là ARC vẫn chưa cho phép người dùng phát các định dạng âm thanh chất lượng cao như Dolby TrueHD, Dolby Atmos, DTS-HD Master Audio hoặc DTS: X. Tuy nhiên, ARC có thể cho phép người dùng nhận âm thanh Dolby Atmos từ các dịch vụ xem phim trực tuyến sử dụng định dạng này, bao gồm Netflix và Amazon Prime Video. Các ứng dụng này đã tích hợp định dạng Dolby Atmos vào hệ thống Dolby Digital Plus, giúp cho ARC có thể xử lí được.
HDMI EARC LÀ GÌ? TÁC DỤNG CỦA HDMI EARC
eARC (Enhanced Audio Return Channel) là thế hệ kế tiếp của ARC, là một tính năng được triển khai cùng với phiên bản HDMI 2.1 mới nhất. Theo đó, lợi ích của eARC chính là tăng cường băng thông và tốc độ truyền tải. Điều này cho phép người dùng gửi âm thanh chất lượng cao hơn từ TV đến soundbar hoặc bộ thu AV.
Pham vi phân phối của eARC có thể lên đến 32 kênh, bao gồm cả các luồng dữ liệu 24bit / 192kHz với tốc độ lên đến 38Mbps. Điều này có nghĩa là tất cả các định dạng bitrate cao hiện có trên đĩa Blu-ray, 4K Blu-ray và một số dịch vụ phát trực tuyến (Dolby TrueHD, DTS-HD Master Audio…) và các định dạng “Object – Based” như Dolby Atmos và DTS: X – đều sẽ tương thích.
Trên lý thuyết, HDMI eARC sẽ là cầu nối cho các thiết bị, giúp cho sự tương thích giữa chúng trở nên mượt mà hơn. Và cũng như ARC, người dùng cần có các ngõ vào HDMI eARC để có thể sử dụng giao thức này.
Một điều lưu ý đối với eARC chính là không phải dây HDMI nào cũng có thể tương thích và cho phép người dùng sử dụng toàn bộ công suất của eARC. Một số dây cáp sẽ không đủ băng thông để truyền tải các tín hiệu hình ảnh và âm thanh chất lượng cao. Do đó, người dùng nên sử dụng cáp HDMI High – Speed with Ethernet hoặc Ultra High – Speed để có thể tương thích hoàn toàn với eARC.
Đối với trường hợp TV tương thích với eARC, nhưng hệ thống âm thanh chỉ tương thích với ARC, người dùng vẫn có thể nghe được âm thanh từ hệ thống của họ, nhưng do các giới hạn về băng thông, người dùng sẽ không thể trải nghiệm được âm thanh bit tốc độ cao từ nguồn phát được.
Nguồn: Đông Thành – Hòa Phúc