JBL Charge 4 là bản nâng cấp của loa di động JBL Charge 3 được ra mắt vào năm 2015. Lần này, JBL mang đến một số thay đổi đáng chú ý so với đời trước như sử dụng củ loa đơn, công suất lớn hơn và đã loại bỏ microphone đàm thoại. Tuy nhiên không vì thế mà hồn cốt làm nên thương hiệu của dòng loa Charge bị mất đi mà trái lại, JBL Charge 4 năm nay là một sản phẩm loa di động cực kì mạnh mẽ, sẵn sàng cho mọi buổi tiệc sôi động.
1/ Thiết kế – Ngầu hơn, đầm tay hơn
JBL Charge 4 năm nay có kích thước gần như tương đương với Charge 3, chỉ có điều nó lớn hơn và nặng hơn một chút, kết hợp độ hoàn thiện tuyệt vời nên khi cầm trên tay cảm giác rất đã và sướng.
Bên ngoài loa vẫn là lớp vải dệt dạng lưới chắc chắn, bộ khung và đế vẫn làm từ nhựa cứng bọc cao su, dễ dàng lau chùi và vệ sinh khi bị bẩn. JBL Charge 4 đạt chuẩn chống nước IPX7 do đó anh em cứ tự tin mang vào phòng tắm, buổi tiệc hoặc thẳng tay ném xuống hồ bơi, loa sẽ nổi lên trên mặt nước.
Bộ tản âm kép bằng cao su JBL Bass Radiator ở hai bên JBL Charge 4 năm nay được cách điệu cho ngầu hơn, khi chơi nhạc thì chúng sẽ dập theo âm bass, nhìn ấn tượng và thích mắt hơn bản Charge 3 nhiều.
Ở đằng sau là vị trí của gioăng cao su che chắn cho cổng sạc Type-C, cổng sạc ngược USB-A, cổng AUX và lỗ reset thiết bị. JBL nâng cấp Charge 4 lên cổng Type-C là rất đáng khen, anh em dễ dàng sử dụng chung với dây sạc điện thoại hoặc các thiết bị Type-C quen thuộc của mình.
Ở mặt trước sẽ là đèn báo thời lượng pin còn lại trên loa. Nói chung không có gì phàn nàn về ngoại hình của JBL Charge 4, JBL đã hoàn thiện rất tốt ngôn ngữ thiết kế của dòng Charge rồi.
2/ Tính năng – tập trung vào nghe nhạc và tiệc tùng
Ở phía trên JBL Charge 4 là các phím tăng giảm âm lượng, chơi/ dừng nhạc, nút nguồn, nút kết nối Bluetooth và nút Connect, cho phép anh em kết nối 100 loa JBL khác nhau, miễn là có hỗ trợ tính năng Connect+. JBL Charge 4 sử dụng kết nối Bluetooth 4.2, anh em vừa phát nhạc, vừa điều khiển loa bằng ứng dụng JBL Connect trên iOS hoặc Android. Đáng tiếc JBL đã quyết định loại bỏ microphone đàm thoại trên Charge 4, do đó anh em không thể trả lời cuộc gọi hoặc gọi trợ lí ảo như phiên bản trước.
Ngoài ra, JBL Charge 4 chỉ hỗ trợ kết nối hai thiết bị cùng lúc thay vì ba thiết bị trên Charge 3, nhưng theo mình thì giới hạn này không ảnh hưởng quá nhiều vì đằng nào JBL cũng đã loại bỏ microphone đàm thoại đi rồi. Đổi lại, viên pin trên Charge 4 tăng khoảng 20% so với Charge 3 giúp anh em có thể dùng nó để sạc cho các thiết bị điện tử khác được nhiều hơn bằng cổng sạc ngược USB-A 5V/2A.
3/ Chất âm – không có Stereo, âm lượng lớn, thiên sáng, chơi hay nhất ở ngoài trời
Một điều khá ngạc nhiên là JBL Charge 4 chỉ có một củ loa đơn công suất 30W so với thiết kế hai củ loa kép 2x10W, do đó nếu chỉ sỡ hữu một sản phẩm thì anh em sẽ không có hiệu ứng Stereo khi chơi game, nghe nhạc bằng Charge 4. Tuy nhiên, với củ loa công suất mạnh hơn, JBL Charge 4 cho âm lượng rất lớn, đủ bao phủ không gian phòng từ vừa đến lớn.
Về chất âm, loa Charge 4 có hơi hướng thiên sáng, không nhấn nhiều vào bass mà dàn trải đều ở tất cả các dải, phù hợp để nghe tạp nhưng đối với thể loại EDM, nhạc trẻ thì cho cảm giác không tới, nhất là khi anh em tăng âm lượng qua mức 75% sẽ thấy dải trầm không đủ lượng để theo kịp dải trung cao. Do đó, loa JBL Charge 4 sẽ phát huy hết sở trường nếu anh em mở vừa đủ nghe trong không gian phòng hoặc vặn hết cỡ ở ngoài trời, phát rất to, rất mạnh mà vẫn rõ ràng, dễ nghe hơn Extra Bass của Sony.
4/ Kết luận
Với giá bán chính hãng khoảng 4 triệu đồng, JBL Charge 4 là một lựa chọn khá tốt cho fan JBL tìm kiếm một con loa di động bền bỉ, ngoại hình ấn tượng và có âm lượng lớn, phù hợp chơi nhạc ở ngoài trời. Đây chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm của loa di động Ultimate Ears Boom 3, khuấy động thị trường loa không dây trong thời gian tới.