Bạn đang sở hữu dàn karaoke, nhưng không biết sử dụng như thế nào để đảm bảo dàn máy (đặc biệt là loa và ampli) hoạt động tốt, nâng cao tuổi thọ sản phẩm. Dưới đây là một số lưu ý để bạn tham khảo trong quá trình sử dụng các thiết bị karaoke tại gia cũng như các điểm kinh doanh karaoke.
 
► Không để công suất của ampli nhỏ hơn công suất của loa.
Nhiều khách hàng thường chủ quan trong việc lựa chọn, gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng âm thanh cũng như tuổi thọ của thiết bị, nhẹ thì âm thanh bị méo khi phát ra từ loa, nặng hơn là cháy loa. Khi ampli có công suất không đủ trong việc tải loa, tín hiệu của ampli gửi đến loa thường xuyên xuất hiện trạng thái clipping (bị xén đỉnh), màng loa co dãn không tốt gây hiện tượng méo tiếng, cứ dãn ra và không co lại, lâu ngày cone loa sẽ nóng và có thể cháy.
Nên chọn ampli có công suất tối thiểu bằng công suất RMS của loa (trên cùng 1 mức trở kháng). Nếu công suất ampli lớn hơn nhiều so với công suất của loa, trong lúc hoạt động bạn phải điều chỉnh âm lượng theo công suất của loa để loa không bị cháy.
  Hướng dẫn sử dụng dàn karaoke đúng cách

► Tổng trở kháng của loa phải phù hợp với trở kháng ra của ampli 
Không nên để ampli của bạn tải quá nhiều loa karaoke, trừ khi ampli của bạn có công suất lớn và trở kháng nhỏ. Trở kháng của hệ thống loa phải phù hợp với tải của ampli.
Trở kháng trong kết nối nối tiếp là:
Tổng trở (R) = R1 + R2 + R3 +… + R(n)
Trở kháng trong kết nối song song là:
1/R = 1/R1 + 1/R2 + 1/R3 +… + 1/R(n)
Do đó, khi ghép nối tiếp hoặc song song thì cần xét đến trở kháng, tổng trở kháng của loa phải phù hợp với trở kháng ra của ampli. Ví dụ: đối với ampli karaoke có thể tải được 4 ohm đến 16 ohm, điều đó có nghĩa là bạn có thể đấu nối để cho tổng trở của loa nằm trong khoảng 4 ohm đến 16 ohm (với điều kiện công suất ampli lớn hơn tổng công suất của loa).
Lưu ý: Không nên ghép các cặp loa có trở kháng khác nhau.

► Đấu nối cẩn thận, tách bạch, tránh làm ngắn mạch
Bạn nên cẩn thận khi đấu nối các thiết bị với nhau, đặc biệt việc rút ra cắm vào các giắc loa. Nếu đấu nối không cẩn thận để hai đầu giắc loa chạm vào nhau  trong khi ampli đang hoạt động thì sẽ tạo nên hiện tượng đoản mạch và ngay lập tức sẽ làm hỏng ampli (nếu không có mạch bảo vệ trong ampli) ngoài ra tia lửa điện có thể gây ra cháy nổ.
Sử dụng các dây dẫn đảm bảo chất lượng, chuyên dùng trong âm thanh (không sử dụng các loại dây điện dân dụng để đấu nối, ảnh hưởng chất lượng âm thanh), các tiếp xúc phải đảm bảo chắc chắn, hạn chế chiều dài của dây loa (đi dây vừa đủ, không nên để dây quá dài, mức trở kháng trên dây sẽ tăng cao làm suy hao tín hiệu). Khi đấu nối dây loa, nếu không sử dụng các jack đấu nối chuyên dụng thì nên chuốt dây có độ dài vừa phải, không quá ngắn (giảm tiếp xúc) cũng không quá dài, tránh trường hợp các mối dây thừa tiếp xúc (chạm) vào vỏ thiết bị loa hay ampli. Các tiếp xúc trên các cực của loa và ampli phải đảm bảo tiếp xúc trực tiếp lên phần kim loại, tránh đè lên phần vỏ bọc làm giảm tiếp xúc.

► Mở/tắt các thiết đúng cách
– Mở các thiết bị:  Các thiết bị đã được kết nối sẵn
Bước 1: Volume ampli phải về Min trước khi bật công tắc nguồn
Bước 2: Bật công tắc nguồn  cho các thiết bị đã kết nối sẵn
Bước 3: Cho chạy  (Play) nguồn phát (CD, đầu karaoke …)
Bước 4: Vặn nhẹ (tăng dần) volume Music của mixer, ampli, volume sub (nếu có), volume mic (nếu hát karaoke) khi vừa đủ nghe thì dừng lại.
– Tắt các thiết bị
Bước 1: Trước tiên là dừng các nguồn phát
Bước 2: Vặn volume của mixer (nếu có), ampli, sub… , thiết bị khuyếch đại về Min
Bước 3: Tắt công tác nguồn tất cả các thiết bị
Bước 4: Tắt hoặc rút các ổ cắm điện
 
 Không để bộ dàn karaoke hoạt động trong môi trường quá nóng
Bộ dàn âm thanh sẽ nóng lên quá mức khi các thiết bị xếp chồng lên nhau hoặc đặt trong tủ kính bị đóng kín.
+ Các thiết bị chồng lên nhau sẽ bịt kín các lỗ tản nhiệt của một số thiết bị nằm dưới, làm giảm tuổi thọ. Vì vậy, các thiết bị chồng lên phải  nhau phải có chân để tạo khe hở thoát khí.
+ Các thiết bị đặt trong các tủ kính đóng kín: Điều này làm cho nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình vận hành máy không thoát ra ngoài được và môi trường làm việc của nó sẽ trở nên nóng hơn mức cho phép của nhà sản xuất. Bạn nên đặt thiết bị tỏa ra nhiều nhiệt lượng ở trên cùng của giá đặt thiết bị và trong một không gian thông thoáng, có thể bổ sung thêm quạt gió để làm mát cho các thiết bị.

► Chú ý tác động của ánh sáng tới hệ thống loa
Ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng đèn neon là nhân tố có thể làm phân huỷ gân loa. Nếu ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào màng loa sẽ khiến màng loa đổi màu và sẽ nhanh hỏng hơn. Tốt nhất bạn nên sử dụng ê căng (lưới che loa) che màng loa để bảo vệ loa tốt hơn, hiện nay hầu hết các hãng sản xuất loa đều thiết kế các loa có ê căng đi kèm.

► Tránh sử dụng các thiết bị trong môi trường  ẩm ướt
Trong môi trường  ẩm ướt, hơi nước tích tụ sẽ bám lên bề mặt của các mạch điện dễ gây ra hiện tượng chập, phá hỏng một số linh kiện, thậm chí cả một thiết bị. Vì vậy, bạn không nên để bộ dàn hoạt động trong môi trường này, nếu thiết bị bị ẩm ướt hãy dùng máy sấy sấy khô bề mặt sản phẩm.

► Bảo quản, vệ sinh các thiết bị không để bụi bẩn
Bụi bẩn được coi là kẻ thù của ampli và loa cũng như các thiết bị điện tử, trong quá trình sử dụng, bụi bẩn và các vật nhỏ có thể bám lên bề mặt mạch điện ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, làm giảm tính truyền dẫn của nó. Do vậy, bạn nên thường xuyên lau chùi, vệ sinh bên ngoài các thiết bị, tránh để các thiết bị gần các nơi hay phát sinh bụi, có thể sử dụng các tấm vải mỏng phủ lên các thiết bị khi không sử dụng để hạn chế bụi (lưu ý: khi sử dụng phải bỏ các tấm vải này ra để thoát nhiệt). Trường hợp nếu thấy bụi bám nhiều trên các bo mạch bên trong nên mang sản phẩm đến Trung tâm bảo hành để các Kỹ thuật viên hỗ trợ vệ sinh các bo mạch, không nên tự ý mở thiết bị để vệ sinh bên trong.

Sau khi không sử dụng nữa, hãy tắt các thiết bị theo như hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời che chắn để bảo quản thiết bị tốt hơn.

Nguồn Paramax.vn