Sau đây là 1 số kiến thức hữu dụng về cách chọn tai nghe đúng theo yêu cầu của bạn, người sắp sửa móc hầu bao chi tiêu và hoàn toàn không muốn mang về thứ mà mình không ưng ý. Dĩ nhiên cách chọn tai nghe và sở thích của mỗi người đều khác nhau nhưng hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho bạn đọc
Bước 1: Quyết định xem bạn cần gì
Thật đơn giản phải không? Không đâu. Đây là 1 trong những bước khó nhất khi bạn phải tự định hướng được nhu cầu sử dụng của mình. Ví dụ với chiếc smartphone hay laptop bạn sẽ cần gì nhất? Tính năng và cấu hình? Màn hình Full HD? Pin “trâu” hay dung lượng lưu trữ lớn? Giá vừa túi tiền? Bạn sẽ phải lựa chọn và không thể nào có được tất cả những tiêu chí đó.
Tai nghe cũng vậy. Ba tiêu chí lựa chọn đầu tiên chính là chất lượng âm thanh, độ tiện dụng và giá thành. Nếu bạn cần chất lượng âm thanh thì nên để mắt đến các dòng sản phẩm audiophile chuyên dụng như Audeze hay Focal, bù lại chúng sẽ chỉ có kích thước và mức giá từ khá cao đến rất cao. Còn với tính tiện dụng như không dây hay portable, cái cần hy sinh sẽ là chất lượng âm thanh chỉ ở mức trung bình khá hoặc mức giá cao. Tương tự như thế, chú trọng hơn vào mức giá thì sẽ cần phải gia giảm cả 2 yếu tố còn lại.
Bạn cũng cần xác định chính xác nhu cầu của mình là gì và bạn đang cần gì nhất. Ví dụ nếu chỉ đôi khi rời nhà và đang có hầu bao eo hẹp, tại sao bạn không chọn 1 chiếc tai nghe có dây thay vì không dây? Trong 3 yếu tố chất lượng âm thanh, độ tiện dụng và giá thành, giá thành luôn luôn cần được chú ý đầu tiên và lấy đó làm nền tảng cho các tiêu chí khác. Hãy chọn 1 mức hầu bao tối đa mà mình có thể chi, sau đó mới tính đến các nhu cầu khác.
Bước 2: Tham khảo những thông tin cơ bản
Tai nghe có nhiều kiểu thiết kế khác nhau nhưng về cơ bản nhất sẽ là 2 thiết kế open-back và close-back. Tai nghe open-back có độ kín âm rất kém (hay đôi khi hoàn toàn không kín âm) nên sẽ làm rò rỉ âm thanh và người xung quanh bạn sẽ nghe được những gì phát ra từ tai nghe. Close-back ngược lại cho độ kín âm tốt hơn nhiều và không bị rò rỉ âm có thể làm phiền người bên cạnh. Đa số người mới chơi âm thanh đều tiếp cận với tai nghe close-back trước (vì chúng đa dạng hơn), sau đó mới đến tai nghe open-back. Tai nghe open-back cũng cho chất âm chi tiết và trung thực hơn do sóng âm không bị cộng hưởng bên trong earcup kín.
Vậy thì dựa trên nhu cầu của bạn: nghe nhạc ở nhà riêng hay những không gian yên lặng mà không cần phải lo lắng làm phiền người bên cạnh? Lựa chọn open-back lúc này sẽ tốt hơn. Còn nếu cần nghe nhạc ở nơi công cộng ồn ào hay ngăn cách tiếng ồn công sở thì 1 cặp tai nghe close-back sẽ phù hợp hơn.
Tiếp theo là 3 kiểu tai nghe thường gặp nhất được phân loại dựa trên kích thước và cách đeo của chúng.
Circumaural: Hay còn được gọi là over-ear, kiểu tai nghe này có kích thước lớn nhất với cách đeo trùm quanh vành tai cho chất lượng âm thanh và độ kín âm cao nhất. Chúng thường không có khả năng cho phép thu gọn và cũng hy sinh luôn sự tiện lợi để bù trừ cho độ thoải mái khi đeo cùng chất âm tốt nhất có thể.
Supraaural: Còn được biết đến với tên gọi on-ear và cũng là thiết kế có nhiều điểm yếu nhất trong cả 3. Nó hy sinh cả chất lượng âm thanh, khả năng cách âm và độ thoải mái khi đeo, bù lại sở hữu tính di động (portable) cao nhất (tuy nhiên vẫn to hơn nhiều so với tai nghe in-ear). Đa số tai nghe on-ear hiện nay trên thị trường đều thuộc hàng trung bình trừ 2 chiếc tai nghe tạo ấn tượng rất tốt là Beyerdynamic T51i và Koss Porta Pros. Tai nghe on-ear rất được ưa chuộng bởi giới trẻ tuy nhiên nó cũng giống như phiên bản Starbucks của các dòng tai nghe vậy, độ phổ biến thường chẳng liên quan gì đến chất lượng.
In-ear: Tai nghe in-ear cho chất lượng âm thanh gần như tương đồng với tai nghe over-ear nhờ vào khả năng kín âm gần như tuyệt đối, đi kèm với kích thước nhỏ gọn có thể cho vào túi áo hay túi quần dễ dàng. Vậy thì vì sao tất cả mọi người không chuyển qua hết tai nghe in-ear? Câu trả lời là do kích thước ống tai của mỗi người là khác nhau vì thế khó tìm kiếm được sự vừa vặn cần thiết. Thứ 2 nữa là đối với 1 số người có bệnh lý về tai được bác sỹ khuyến cáo không nên sử dụng tai nghe in-ear. So với tai nghe over-ear, tai nghe in-ear không chỉ chiến thắng ở kích thước nhỏ mà còn cho chất âm ấm áp và trung thực hơn nhiều (do được nhét sâu vào trong tai nên tránh được tạp âm môi trường).
Bước 3: Xác định nhu cầu của mình
Không có chiếc tai nghe nào có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu và đòi hỏi của bạn, luôn luôn phải có 1 sự hy sinh nào đó. Một chiếc tai nghe phù hợp cho văn phòng sẽ phải có độ thoải mái cao khi sử dụng và cách âm tốt để bạn không bị phân tâm khi nghe nhạc và làm việc. Sony 1000X làm được điều này với thiết kế over-ear và khả năng chống ồn active ANC, ngoài ra còn được bonus thêm thiết kế không dây, tuy nhiên chất lượng âm thanh của nó chỉ vào hàng khá. Sony cũng vừa ra mắt phiên bản nâng cấp 1000XM2 gần đây với các cải tiến rất đáng chú ý.
Tai nghe dành cho các chuyến bay dài cũng có những đòi hỏi gần giống với tai nghe cho văn phòng. Bose QC35 (không dây) và QC25 (có dây) đều là những lựa chọn tốt ở mức giá không quá cao, ít ra là đối với những gì mà nó có thể làm được cho bạn.
Tai nghe gaming thì khác biệt hơn khi không đòi hỏi chất lượng âm thanh quá cao nhưng phải có chất âm phù hợp với nhu cầu sử dụng đặc biệt nào đó. Game thủ đam mê game hành động sẽ cần những chiếc tai nghe có khả năng cung cấp vị trí âm chính xác nhất nhằm nhận biết được tiếng súng hay tiếng bước chân của đối thủ, ngoài ra tiếng bass cũng phải mạnh mẽ để tận hưởng những tiếng nổ hay tiếng động cơ xe. Cuối cùng cũng cần có thêm các công nghệ lọc tiếng (tuy không quá quan trọng) để phục vụ cho nhu cầu in-game voicechat.
Tai nghe dành cho nhu cầu tập luyện thể thao thì sẽ cần những tính năng chuyên dụng như chống thấm nước và mồ hôi, dây chống rối không gây vướng víu khi luyện tập (tốt nhất là không dây) và không được quá đắt hoặc nghe quá dở. Tai nghe thể thao tốt nhất nên chọn thiết kế in-ear (tốt hơn nữa nếu gắn được earfin) để có thể bám dính tốt hơn trên tai khi tập luyện các môn thể thao có cường độ hoạt động cao.
Cuối cùng là tai nghe audiophile tuy nhiên người nghe chuyên nghiệp chắc sẽ không có thêm thông tin nào mới cho mình trong phần này. Các thương hiệu âm thanh được khuyến nghị gồm Audeze, MrSpeakers, Grado, Audio-Technica, Fostex, Final Audio, Zero Audio, Sennheiser và Beyerdynamic. Chơi tai nghe cao cấp cũng giống chư chơi xe hơi: luôn bắt đầu từ các thương hiệu nổi tiếng về công nghệ.
Bước 4: Tham khảo và nghe thử
Sau khi đã lọc ra được những gì mình cần thì đây là lúc bắt đầu tìm kiếm và tham khảo những bài review từ nhiều nguồn nhằm mang lại cho bản thâm cái nhìn bao quát hơn trước khi chính thức móc hầu bao chi tiêu. Nguồn review có thể được tìm thấy ở tất cả mọi ngóc ngách trên internet, thậm chí trên các diễn đàn có nhiều thành viên tích cực, câu hỏi của bạn có thể được trả lời cực kỳ nhanh chóng bởi các thành viên nhiều kinh nghiệm.
Nhiều khách hàng cũng thường cảm thấy ngại ngùng khi bước vào 1 cửa hàng tai nghe và nghe thử những sản phẩm mà mình đang quan tâm. Chỉ khi thử nghiệm bạn mới có thể biết được những điểm yếu và điểm mạnh riêng của từng loại eartip, earpad hay thiết kế đeo mà khi đọc review chưa chắc đã đánh giá đầy đủ. Sử dụng thử trên thực tế sẽ cho bạn cảm nhận chính xác nhất về những gì có thể phù hợp hoặc không phù hợp với mình.
Earpad bằng da thường được xem như 1 thiết kế sang chảnh cho tai nghe on-ear và over-ear, tuy nhiên chúng cũng không phải là không có khuyết điểm. Chất liệu da thường không thông thoáng như vải hoặc cao cấp hơn là alcantara nên về cơ bản nó không phù hợp để đeo trong mùa nóng hoặc với người dễ đổ mồ hôi. Earpad bằng chất liệu da cũng có ảnh hưởng đến chất âm tổng thể, chủ yếu là làm tiếng bass mạnh và đầy hơn do bản chất kín hơi của nó.
Headband cũng là 1 phần rất quan trọng dù nó không liên quan gì đến chất lượng âm thanh cả. Đây là thành phần chính giúp cân bằng trọng lượng giữa 2 bên earcup đồng thời cũng kiểm soát lực ép của chúng vào tai. Một khung headband tốt cần có độ bền cao và cũng nên có thêm miếng lót để không gây đau đỉnh đầu cũng như làm hỏng kiểu tóc của người đeo.
Tai nghe không dây thực ra giờ đây đã được cải tiến rất nhiều, sở hữu lượng pin cao hơn cùng khả năng kết nối cũng trơn tru hơn, mặt khác cũng tương thích tốt hơn với nhiều dòng thiết bị di động cả Android và iOS. Tuy nhiên nếu không có hứng thú với tai nghe wireless thì lời khuyên tốt nhất chính là mua chiếc tai nghe đắt tiền nhất nằm trong khả năng chi tiêu của bạn. Đừng vì tiết kiệm 1 chút mà lựa chọn các dòng rẻ tiền vì điều đó sẽ làm hạn chế trải nghiệm âm thanh của bạn, đó là chưa kể đến việc nó có thực sự phù hợp với bạn hay không, hay chỉ là 1 lựa chọn chắp vá hiện thời.
Bước 5: Không nên tự dằn vặt bản thân
Dù lựa chọn của bạn là gì thì cũng không nên quá khắt khe với bản thân mà hãy tin tưởng vào quyết định của mình. Khi đã mua chiếc tai nghe mà mình nhắm đến, bạn hãy ngưng ngay việc đọc review và so sánh này nọ trong đầu mà dồn hết thời gian dành cho trải nghiệm thực tế. Cảm giác lo lắng rằng mình đã bỏ lỡ thứ gì đó khi chọn lựa tai nghe sẽ làm bạn cảm thấy mình có lỗi, từ đó làm giảm đi rất nhiều niềm tin vào chiếc tai nghe mình đang cầm trên tay. Bạn có thể sẽ tự thôi miên bản thân mình rằng có thể có 1 chiếc tai nghe hoàn hảo đang ở nơi nào đó mà mình phải tìm kiếm, nhưng thực tế thì chiếc tai nghe hoàn hảo đó không hề tồn tại.
Nguồn: monospace.vn