Đây là một hướng dẫn dành cho các bạn vẫn chưa biết mình nên mua tai nghe nào giữa “rừng” các hãng khác nhau với mẫu mã đa dạng, giá cả phong phú.

 Sự phổ biến của tai nghe hiện nay mạnh mẽ đến nỗi, hiếm ai không sở hữu cho mình một chiếc tai nghe bên người và sẽ là một điều “kinh hoàng” nếu như cuộc sống chúng ta thiếu mất tai nghe. Nhưng, không ai chỉ cho chúng ta cách để lựa chọn một chiếc tai nghe phù hợp và dĩ nhiên, bạn sẽ phải tốn một khoảng phí để mua, nghe thử, đổi mẫu khác – một vòng lẩn quẩn không hồi kết. Vậy làm sao để có thể lựa chọn một chiếc tai nghe hợp với bạn?

Bước 1: Xác định nhu cầu bản thân

 Nghe đơn giản nhỉ? Nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn. Một điều quá đỗi phổ biến đó là bất kỳ ai khi mua đồ công nghệ cũng muốn nó có thể đáp ứng được mọi thứ. Ví dụ như việc mua laptop, bạn sẽ tìm một mẫu có nhiều lõi xử lý, ổ cứng to, thời lượng pin lâu đến cả tuần, trọng lượng nhẹ và một mức giá “hợp lý”. Không, dĩ nhiên là sẽ không có cái máy nào như vậy cả. Nói cách khác, điều đầu tiên là bạn cần là xoá đi “ảo giác” rằng bạn có thể sở hữu được toàn bộ tính năng “hay ho” trong một món đồ.

 Với tai nghe, bạn nên tưởng tượng ra 1 hình tam giác với 3 đỉnh là các yếu tố sau: 1 – chất lượng âm thanh, 2 – tính di động, 3 – khả năng bạn có thể mua được. Nếu như bạn hướng đến phần chất lượng âm thanh thì chúc mừng, bạn sẽ rơi vào thế giới audiophile với các mẫu tai nghe cao cấp từ Audeze hoặc Focal – nơi có các mẫu tai nghe “khổng lồ”, tái tạo âm thanh chi tiết và mức giá thì “trên trời”. Trong trường hợp bạn muốn chi ít tiền nhất có thể, hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận chất lượng âm thanh “tuột dốc không phanh” hoặc phải dùng tai nghe có dây thay vì kết nối không dây thời thượng.

 Trước khi mở các trang web mua tai nghe online hoặc ra cửa hàng, hãy xem xét mức ưu tiên nào mà bạn thực sự quan tâm. Cái mà bạn thực sự cần và không thể sống thiếu nó? Với việc sử dụng hình tam giác tưởng tượng đã nhắc ở trên, bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi này. Việc làm tốt bước đầu tiên này cũng giúp bạn đặt ra được giới hạn chi tiêu, hay nói cách khác, “hầu bao” của bạn chính là một điều kiện mà bạn nắm rõ nhất, giúp bạn chống lại sự thu hút của các mẫu tai nghe ở trên các tấm poster sặc sỡ cùng hàng loạt tính năng đi kèm nghe có vẻ hấp dẫn.

Bước 2: Tìm hiểu cơ bản

 Tai nghe có sự phân hoá rất phức tạp. Điều đầu tiên mà bạn cần để ý đó là nó được chia ra làm 2 kiểu phổ biến là Open-back và Closed-back. Để phân biệt một cách đơn giản thì tai nghe Open-back gần như không tách biệt bạn với thế giới bên ngoài, và dĩ nhiên là người ngồi bên cạnh cũng có thể nghe được những gì bạn đang nghe. Tai nghe Closed-back thì ngược lai, chỉ có bạn và thế giới âm nhạc của riêng mình vì các mẫu tai nghe này thường được thiết kế chống ồn khá tốt.

 Thường thì trải nghiệm lần đầu của mọi người là với một chiếc tai nghe dạng closed-back vì chúng quá phổ biến. Tai nghe open-back thì cũng đã xuất hiện khá lâu và giữ được sự phổ biến nhất định, vì ưu điểm của chúng là khả năng tái tạo âm thanh tốt nhất có thể. Người thiết kế tai nghe open-back cũng không cần phải lo về việc đối mặt với các vấn đề tiếng vang chạy lung tung bên trong một chiếc tai nghe kín.

 Kế đến, các lựa chọn sẽ chuyển thành việc bạn mua tai nghe để nghe ở nhà hay đâu đó yên tĩnh, không ai làm phiền? Với trường hợp này thì tai nghe open-back sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Đối với nhu cầu di động cao, thường xuyên có mặt ở những nơi ồn ào như văn phòng và cần sự kín đáo, bạn nên chọn cho mình một chiếc tai nghe closed-back.

Bước 2.5: Vẫn là tìm hiểu cơ bản

 

Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về 3 loại tai nghe chính, phân biệt qua kích thước cách đeo.

 1/Tai nghe Over-ear: kiểu tai nghe bao phủ hết đôi tai của bạn và thường có kích thước to nhất, cho âm thanh tốt nhất trong 3 loại nghe. Kiểu tai nghe này cũng không có thiết kế nhỏ gọn và gập lại được, chúng bỏ đi tính di động để đổi lại được sự thoải mái hơn, cũng như cho âm thanh hay hơn với các bộ phận to. Tai nghe over-ear hay nhất thế giới vẫn còn là 1 vấn đề gây tranh cãi, nhưng đã số người dùng sẽ chọn các thương hiệu nổi tiếng và các mẫu tai nghe over-ear có thiết kế dạng open-back để có chất lượng âm thanh cao nhất.

 2/Tai nghe On-ear: đây là kiểu tai nghe có tiềm năng nhất trong cả 3 – chất âm ở mức khá-tốt, chống ồn hiệu quả với các kiểu closed-back và có tính di động cao (mặc dù vẫn hơi to với với các kiểu tai nghe nhét tai). Có một số lựa chọn tiêu biểu với dòng tai nghe này như T51i của Beyerdynamic và “huyền thoại” Koss Porta Pros.

 3/Tai nghe In-ear: có chất âm hay không kém các mẫu tai nghe over-ear và thậm chí chúng còn gọn hơn các mẫu tai nghe on-ear. Vậy tại sao chúng ta lại đắn đo lựa chọn trước kiểu tai nghe hấp dẫn như vậy? Câu trả lời là ngay cả những chiếc tai nghe in-ear thoải mái nhất thì vẫn không thực sự thoải mái như chúng ta nghĩ. EarPod của Appple phổ biến vì nó không phải đeo quá sâu, nhưng đối với chiếc tai nghe in-ear có chất âm tốt nhất – như chiếc ER4XR của Etymotic, thiết kế của nó bắt buộc bạn phải cắm tai nghe sâu vào ống tai.

Bước 3: Xác định cách dùng của bạn

 Đọc đến đây thì chắc có lẽ bạn cũng đã nắm được một số thông tin quan trọng như: tài chính, khả năng phân biệt các kiểu tai nghe và ý thức về các ưu tiên của bạn. Giờ là lúc xâu chuỗi các điều này lại với nhau và kết hợp với mục đích sử dụng tai nghe chính của bạn. Hãy nhớ một câu khẩu quyết quen thuộc của người Việt Nam: “Tiền nào của đó”.

 Sau đây là một số ví dụ phổ biến về cách dùng tai nghe:

 +Chiếc tai nghe tốt nhất cho môi trường văn phòng sẽ chịu ảnh hưởng bởi 2 ưu tiên: độ thoải mái cao để chúng không trở thành thứ khiến bạn xao lãng, chống ồn tốt để bạn không phải bận tâm đến xung quanh. Trong trường hợp này thì một chiếc tai nghe over-ear có tính năng chống ồn chủ động sẽ là 1 lựa chọn tốt. Mẫu tai nghe WH-1000XM2 vừa ra mắt của Sony và đàn anh nó là MDR-1000x có thể là ứng cử viên sáng giá mà bạn nên xem xét.

 +Có một điều hài hước là tiêu chí chọn tai nghe khi đi làm hoặc di chuyển trên các chuyến bay dài lại tương tự như tai nghe văn phòng. Tính năng không dây dường như không quá quan trọng trong trường hợp này (do bạn sẽ phải ngồi 1 chỗ trong thời gian dài). Vì vậy, nếu kinh tế không quá dư dả thì bạn có thể xem xét các mẫu tai nghe có dây thay vì chúng sẽ rẻ hơn so với người anh em không dây của mình.

 +Tai nghe chơi game (hay gaming headphone) thì lại là vấn đề khác. Các mẫu tai nghe này thường sẽ không chú trọng vào chất âm, thay vào đó các dòng tai nghe chơi game cao cấp sẽ chú trọng đến việc tái tạo tiếng động thật tốt. Thường các game thủ sẽ cần một chiếc tai nghe có thể thể hiện được vị trí phát ra tiếng động như bước chân hay tiếng súng để tác chiến, và mặt khác, những mẫu tai nghe này thường có dải bass khá dầy để các hiệu ứng cháy nổ thêm phần hoành tráng.

 +Tai nghe thể thao – một chủ đề thường được tìm kiếm khá nhiều, và dĩ nhiên có hàng loạt mẫu tai nghe khác nhau với đủ loại “thượng vàng hạ cám” khiến cho bạn bị chóng mặt. Nhìn chung, hãy chọn 1 chiếc tai nghe có khả năng chống nước, mồ hôi, chịu được va đập tốt và gọn gàng. Có tính năng không dây là một lợi thế.

 +Nếu bạn là một audiophile chuyên nghiệp thì lựa chọn tai nghe cao cấp sẽ không là vấn đề gì. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn là người đang muốn đi sâu vào con đường chơi tai nghe cao cấp thì có thể tham khảo các tên tuổi lớn sau: Audeze, MrSpeakers, Grado, Audio-Technica, Fostex, Final Audio, Zero Audio, Sennheiser, Beyerdynamic… Nói chung, khi đã đạt đến “trình độ” này thì việc mua tai nghe cũng quan trọng như là mua một chiếc xe vậy.

Bước 4: Đọc review – Nghe thử

 Nếu đã đến được bước này thì có lẽ bạn cũng đã lên được danh sách tai nghe mà mình cần rồi. Giờ hãy tìm đọc các bài đánh giá, cảm nhận (review) về chúng và nếu có thể, hãy nghe thử trước khi mua. Tìm nguồn đọc review cũng khá đơn giản: bạn có thể tìm ở trên internet với các trang web về âm thanh , Youtube, hoặc các diễn đàn dành cho giới mê tai nghe như Head-Fi. Phần tiện lợi ở các diễn đàn là bạn có thể nêu thắc mắc và đợi câu trả lời từ ai đó biết rõ hơn.

 Việc nghe thử sau khi đọc review là cách tốt nhất để bạn quyết định có nên mua hay không. Có những mẫu tai nghe khá dễ đánh giá và có mẫu cần phải nghe hàng giờ để thẩm định rõ ràng. Nguyên nhân đơn giản là có một số chiếc tai nghe over-ear hoặc on-ear sẽ khiến cho đôi tai bạn bị đau sau một quãng thời gian đeo.

 Một số cân nhắc cần ghi nhớ:

 +Các loại earpad (miếng đệm tai nghe) bằng da trông sang trọng thì cần được bảo quản kỹ, đặc biệt là khi thời tiết nóng.

 +Chất liệu làm earpad cũng có thể ảnh hưởng đến chất âm của tai nghe.

 +Xem xét chất lượng, độ bền của phần headband. Đây là bộ phận có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái khi đeo tai nghe.

 +Tai nghe không dây hiện đang là xu thế của thị trường. Nếu đang chọn một chiếc tai nghe kiểu này, hãy để ý đến các thông số như thời lượng hoạt động của pin, thời gian sạc để đưa ra quyết định phù hợp.

Bước 5: Hài lòng với quyết định của mình

 Bất kể lựa chọn cuối cùng của bạn là gì, điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn ở bạn là đừng nghi ngờ vào bản thân. Một khi đã lựa chọn xong, bạn cần phải dừng đọc các bài review và ngưng so sánh trong đầu mình. Sự lo lắng và sợ hãi về việc “thiếu sót” sẽ ám ảnh bạn cho đến khi bạn tự thuyết phục bản thân rằng còn có chiếc tai nghe khác tốt hơn và hoàn hảo hơn. Dĩ nhiên, trên đời này không có gì là hoàn hảo và điều tốt nhất mà ta có thể làm là tìm được một chiếc tai nghe phù hợp nhu cầu với ít nhược điểm nhất có thể.

Nguồn: Sài Gòn HD