HFVN – Việc rất nhiều người chuyển từ đĩa than, băng cassette hay CD sang download âm nhạc từ iTunes chính là một cuộc cách mạng trên thị trường âm thanh và làm thay đổi cách chúng ta nghe nhạc. Những định dạng như MP3, AAC khiến việc mua, lưu trữ và thưởng thức trở nên dễ dàng hơn hơn rất nhiều…

flac-feature-article2

Nhưng chuyển sang vấn đề chất lượng, những định dạng như vậy lại chính là trở ngại. Dung lượng file nhỏ đồng nghĩa với việc dữ liệu bị thất thoát trong quá trình nén, độ phân giải chuẩn của âm thanh bị hi sinh để nhường chỗ cho sự tiện lợi. Những người chỉ đơn giản dùng iPod hay smartphone với tai nghe sẽ không để ý đến chuyện này, nhưng với các audiophile, đó là điều không thể chấp nhận nổi.
Âm thanh độ phân giải cao (Hi-resolution audio – HRA), nền tảng của nhạc số chất lượng cao, là cái tên được đặt ra bởi Hiệp hội điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics Association – CEA), hiện đang có sự bùng nổ mạnh mẽ với nhiều website bán nhạc số chất lượng tương đương hoặc cao hơn đĩa CD, được hậu thuẫn bởi những thương hiệu giải trí lớn, các nghệ sĩ tên tuổi và những nhà sản xuất đồ hi-end hàng đầu.

Ngay cả một đại gia đã xa rời thị trường audio từ rất lâu là Sony cũng đã có sự trở lại ngoạn mục với một loạt sản phẩm hi-end dành cho nhạc số, người ta có quyền tin tưởng rẳng 2014 sẽ là thời điểm HRA cất cánh bay cao. Vậy thực nhạc số chất lượng cao là gì? Mua ở đâu, phát bằng thiết bị nào? Những câu hỏi đó sẽ được trả lời đầy đủ, chi tiết trong bài viết dưới đây.

8232Amarra_610

Không giống như hình ảnh HD đã được cả thế giới công nhận về mặt kỹ thuật, vẫn chưa có chuẩn mực cụ thể nào dành cho âm thanh độ phân giải cao. Nếu âm thanh của CD luôn ở 16 bit và có tần số lấy mẫu 44.1kHz thì âm thanh độ phân giải cao thường ở 24 bit và có tần số lấy mẫu là 96 hoặc 192kHz, nhưng đôi khi cũng có ở những con số rất lẻ loi như 88,2 hoặc 176,4kHz.

Tần số lấy mẫu chính là số lần chuyển đổi một sóng âm thanh thành một chuỗi tín hiệu digital trong một giây, càng cao thì tín hiệu càng tốt hơn, tương tự như vậy, càng nhiều bit thì tín hiệu đo được càng chính xác hơn. Những file nhạc số 24bit/192kHz được coi là tốt nhất trên thị trường hiện nay, tương đương với đĩa than và trong tương lai sẽ mở rộng lên 32bit/384kHz, một con số thực sự ấn tượng.

Hiện có vài định dạng âm thanh độ phân giải cao cho người dùng lựa chọn, phổ biến nhất vẫn là FLAC (Free Lossless Audio Codec) và ALAC (Apple Lossless Audio Codec), cả hai đều được nén nhưng không làm thất thoát tín hiệu (lossless). Những định dạng khác là WAV, AIFF APE (ít phổ biến hơn) và DSD (cũng là định dạng của Super Audio CD do Sony phát triển). Dù còn nhiều tranh cãi về việc định dạng nào là tốt nhất nhưng thật may mắn, chúng đều tương thích được với mọi thiết bị phát nhạc số hiện nay.

Theo đánh giá của các audiophile trên thế giới, FLAC vẫn là định dạng được ưa chuộng hơn cả do có kích thước nhỏ, hỗ trợ thông tin trong một track nhạc cực tốt (tên ca sĩ, album, thể loại, hình bìa, thời gian phát hành) mà chất lượng lại ngang ngửa với định dạng WAV (không nén). Hiện các website bán nhạc số chất lượng cao trực tuyến chủ yếu bán nhạc ở định dạng FLAC, còn người dùng khi rip CD thành nhạc số có thể tùy ý lựa chọn bất kỳ định dạng nào. Nhưng nếu rip bằng iTunes thì chỉ có WAV, AIFF và ALAC vì iTunes không hỗ trợ FLAC.

Nghe nhạc số chất lượng cao từ nguồn phát đúng chuẩn chỉ với một bộ dàn tầm trung cũng dễ dàng nhận ra chất lượng âm thanh tốt hơn hẳn từ CD hay các định dạng nhạc nén khác. File MP3 tốt nhất chỉ truyền được 320kb/giây, CD là 1411kb/giây, còn một file FLAC 24bit/192kHz truyền được tới 9216kb/giây. Các file nhạc 24bit/96 – 192kHz tái tạo được thứ âm thanh có chất lượng gần ngang bằng với những gì các nghệ sĩ và kỹ thuật gia thực hiện được trong phòng thu âm.

Độ phân giải tốt hơn, âm thanh chi tiết, sống động và chặt chẽ hơn, nhạc số chất lượng cao cũng mang người nghe đến gần với sân khấu biểu diễn hơn bao giờ hết. Nhưng dù sao vẫn có một số người không thể nhận ra sự khác biệt. Vậy nên, nếu bạn không cảm giác được sự hơn kém, tốt nhất là hãy tiết kiệm tiền bằng cách không đầu tư vào phân khúc âm thanh mới mẻ này.

Nhạc số có thể được nghe bằng nhiều cách. Phổ biến nhất là từ các thiết bị cầm tay như smartphone hay iPod với tai nghe, từ máy tính ra loa multimedia. Nhưng chỉ đơn giản như vậy thì sự khác biệt giữa file MP3 320kbp và 24bit/192kHz cũng không nhiều. Và đó là lúc các nhà sản xuất thiết bị âm thanh vào cuộc.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, các audiophile nghe nhạc số chủ yếu theo hai cách. Một là dùng music server (máy chủ âm nhạc), một thiết bị phát nhạc số đã tích hợp sẵn ổ cứng bên trong, kết nối thẳng với ampli ra loa. Kiểu chơi này khá tiện lợi và dễ dàng nhưng có nhược điểm là không thể cải thiện chất lượng âm thanh của nguồn phát theo “gu” riêng, thiết bị chỉ tương thích với vài định dạng, chưa kể những music server thuộc dòng hi-end lại có giá rất đắt và tính thanh khoản cực thấp.

Các thứ hai, thông dụng hơn, được ưa chuộng ở khắp nơi, là dùng máy tính làm nguồn phát, thông qua một thiết bị đặc biệt được gọi là USB Converter kết nối với DAC (bộ giải mã tín hiệu số thành analog), ra ampli và ra loa. Vai trò của người dùng lúc này sẽ chủ động hơn rất nhiều, bởi họ có thể thay đổi phần mềm phát nhạc, USB Converter hay DAC để điều chỉnh âm thanh theo đúng “gu” thưởng thức của mình.

Nên biết, tín hiệu từ máy tính ra USB Converter hoặc trực tiếp ra DAC sẽ không đi theo đường cardsound mà qua cổng USB hoặc cổng FireWire (với máy Mac), không còn chịu ảnh hưởng của chương trình Kmixer trên Windows – được coi là nguyên nhân chính gây nhiễu, ồn. USB Converter đảm nhiệm chức năng chính là giảm jitter xuống tới mức gần như tuyệt đối. Jitter là hiện tượng tín hiệu bị chậm lại khi đi từ nguồn tới đích, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng âm thanh mà dễ nhận biết nhất là méo tiếng.

Các thương hiệu sản xuất USB Converter và DAC dành riêng cho nhạc số chất lượng cao phổ biến và được ưa chuộng nhất trong giới audiophile là M2Tech, Musical Fidelity, NAD, Arcam, TC Konnekt, Teac, PS Audio, Cambridge Audio… Nếu muốn đơn giản, có thể tìm mua các bộ dàn mini hoặc loa multimedia cao cấp đang bán ở Việt Nam, hầu hết cũng đã tích hợp khả năng phát nhạc số chất lượng cao lên đến 24bit/192kHz, chỉ cần kết nối ổ cứng qua cổng USB là xong. Đó là Denon DN8, DN-R5, B&W MM1, B&W A7, Marantz Consolette…

Riêng Linn, một nhà sản xuất thiết bị hi-end hàng đầu Anh quốc lại có một triết lý khác về cách chơi nhạc số qua đường máy tính. Các kỹ sư của Linn cho rằng kiểu truyền dẫn tín hiệu PC – USB Converter – DAC vẫn còn khiếm khuyết. PC “đẩy” tín hiệu số qua DAC, việc truyền dẫn tín hiệu theo thời gian thực vẫn bị chậm lại bởi khâu hiệu chỉnh bằng clock trong PC (hoặc trong USB converter) và sau đó hiệu chỉnh lại bằng clock trong DAC. Một hệ thống với hai lần hiệu chỉnh thời gian là không thể chấp nhận được trong việc tái tạo âm thanh.

Linn gọi các sản phẩm thuộc dòng DS (Digital Streamer – truyền dẫn tín hiệu số) của mình là thiết bị chơi nhạc qua mạng (network music player). Linn DS sẽ “kéo” tín hiệu từ ổ NAS qua cổng LAN thay vì cổng USB, hoàn toàn kiểm soát được cả quy trình và chỉ có một clock duy nhất của Linn DS trong toàn hệ thống. Đồng hồ trong dòng sản phẩm Linn DS đã được cấp bằng sáng chế độc quyền và cũng là yếu tố quan trọng nhất giải thích lý do vì sao Linn DS đặc biệt hơn các đối thủ cạnh tranh. Chỉ có truyền dẫn tín hiệu theo thời gian thực chính xác mới giúp âm nhạc tái tạo lại đầy đủ trạng thái cảm xúc củangười nghệ sỹ, và đó cũng là thứ các audiophile mong đợi nhất ở một hệ thống âm thanh.

Khi đó, máy tính cũng không giữ vai trò nguồn phát nữa mà chỉ có chức năng điều khiển với phần mềm miễn phí được cung cấp trên website linn.co.uk. Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm cao cấp Linn Klimax DS được coi là một trong những nguồn phát nhạc số tốt nhất trên thế giới hiện nay…

Ở phân khúc thiết bị cầm tay cũng bắt đầu có những đột phá rõ rệt. iRiver, nhà sản xuất máy nghe nhạc Hàn Quốc đã tung ra thị trường sản phẩm Astell&Kern AK120 (đang bán ở Việt Nam với giá 27 triệu đồng), dùng chip DAC cao cấp Wolfson WM8740 giúp tái tạo lại âm thanh độ phân giải cao 24bit/192kHz một cách hoàn hảo. Với các loại smartphone như LG G2 hay Samsung Galaxy Note 3, người dùng chỉ cần thêm một thiết bị như chiếc USB Hiface DAC của M2Tech ở trước tai nghe là đủ để thưởng thức âm thanh với chất lượng tốt nhất. Có vẻ như iPhone hay iPod đã chậm chân trong cuộc chạy đua này.

Không chỉ Linn, Naim, B&W và một số thương hiệu hi-end hậu thuẫn cho nhạc số chất lượng cao, cả Sony, Samsung và LG cũng đã nhập cuộc. Sony, Warner và Universal tuyên bố họ sẽ sớm ra mắt cửa hàng nhạc số chất lượng cao trong năm 2014. Cuộc chiến bắt đầu nóng lên từng ngày.

Những phần mềm phát nhạc số chất lượng cao phổ biến nhất cho dòng máy tính chạy hệ điều hành Windows là Foobar 2000 (miễn phí), Jriver và XXHighEnd (trả phí). Dòng máy Mac có thể nghe nhạc số chất lượng cao bằng iTunes (miễn phí nhưng không hỗ trợ FLAC và APE) hoặc Amarra và Pure Music (trả phí). Chọn phần mềm nào hoàn toànphụ thuộc vào sở thích riêng của người dùng, tuy nhiên với đa số audiophile Việt Nam, Foobar 2000 vẫn là ưu tiên số một.

Số lượng website bán nhạc số chất lượng cao cũng chưa có nhiều, trong đó được ưa chuộng và tin cậy nhất vẫn là 3 cái tên xuất xứ Anh quốc: Naim Label, Linn Records và Bowers & Wilkins Society Of Sound. Cả ba đều thuộc sở hữu của những nhà sản xuất thiết bị hi-end hàng đầu (Naim, Linn và B&W), chuyên bán nhạc số từ chất lượng CD tới 24bit/192kHz ở các định dạng phổ thông nhất là FLAC, ALAC và WAV.

Ngoài ra còn có 2L và Gimell chuyên nhạc 24bit/96kHz và DSD đa kênh, 7digital và Hdtracks chuyên định dạng FLAC 24bit, HD Klassik chuyên nhạc cổ điển, Quboz từ Pháp và HighResAudio từ Đức.

Tại CES 2014 (Hội chợ điện tử tiêu dùng) diễn ra ở Las Vegas đầu tháng 1 vừa qua, CEA đã dành hẳn một khu triển lãm đặc biệt mang tên “Hires Audio Experience Zone” cho âm thanh độ phân giải cao. Chắc chắn 2014 sẽ là thời điểm lý tưởng để bùng nổ…

Hồng Phúc