HFVN – Không chỉ là ngôi sao, Joni Mitchell còn là biểu tượng của nền âm nhạc thế giới, sánh ngang với Bob Dylan, Elvis Presley, Louis Armstrong, Ella Fitzgerald hay The Beatles… Nhưng có điều kỳ lạ, tên tuổi của Joni còn khá xa lạ với nhiều người, thậm chí cả với dân sành nhạc, cho dù bà là nữ nghệ sĩ ghi âm quan trọng của âm nhạc thế giới và có nhiều ảnh hưởng nhất với thế hệ ngôi sao đàn em trong nửa cuối thế kỷ XX.

Joni Mitchell Live

Âm nhạc, với Joni Mitchell, đơn giản là một trò chơi. Trong gần 40 năm sự nghiệp, bà lãng du qua các thể loại, các phong cách dễ dàng như người ta chèo thuyền trên mặt nước hồ phẳng lặng vậy: từ folk qua pop, đến jazz, avantgarde… Joni Mitchell đã tạo nên cuộc giao thoa văn hóa trong âm nhạc trước thế giới đến cả 2 thập kỷ. Các tác phẩm của Joni có tính độc lập rất cao. Tuy lượng đĩa bán ra thị trường không nhiều so với các nghệ sĩ đương thời như: Carole King, Janis Joplin, Aretha Franklin… nhưng luôn được giới phê bình đánh giá cao và mang tính thử nghiệm, tìm tòi những vùng đất mới, bên ngoài lãnh thổ nhạc đại chúng. Khả năng sáng tạo nổi bật của Joni Mitchell đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng với các thế hệ nghệ sĩ đi sau như Patti Smith, Chrissie Hynde, Madonna và Courtney Love.

Joni Mitchell tên thật là Roberta Joan Anderson, gốc Canada, sinh ngày 7/11/1943. Vào đời bằng nghiệp cầm ca, Joni bắt đầu nổi tiếng năm 1967 sau khi ký hợp đồng với hãng ghi âm Reprise. Nhiều nghệ sĩ tài danh đã cover lại các ca khúc do bà sáng tác: Judy Collins với Both Sides Now, Fairport Convention với Eastern Rain, Tom Rush với The Circle Game… Năm 1970, album đỉnh cao Ladies Of The Canyon đạt doanh số khả quan nhờ các bài “hit”. Big Yellow Taxi và Woodstock (ca khúc Woodstockđã làm nên tên tuổi cho Crosby, Stills, Nash and Young). Chất jazz đã ẩn hiện thấp thoáng trong các đoạn solo ở bản For Free và Conversation. Sự buồn thảm và những phép ẩn dụ thâm thúy đã hiện diện ở các bản Arrangement và Big Yellow Taxi để sau này phát triển toàn diện hơn trong album kế tiếp: Blue. So với các đĩa nhạc cùng thời, Ladies Of The Canyon quả là bức tranh đa sắc về phối khí, trong đó xuất hiện nhiều nhạc cụ “lạ”: cello clarinet, saxophone, bộ gõ… Ladies Of The Canyon được coi là bước đệm của Joni: từ sự ngây thơ hồn nhiên bước sang giai đoạn chin chắn, già dặn trong sự nghiệp.

joni2

Đơn giản, thi vị, đẹp và buồn, album Blue đã đưa tên tuổi Joni Mitchell thăng hoa. Màu sắc trong Blue thật ảm đạm. Tất cả ca khúc đều viết về tình yêu tan vỡ, sự mất mát và nỗi cô đơn. Với Blue, Joni đã trở về với chất folk truyền thống khiến trái tim người nghe như vỡ vụn với những khắc khoải, đợi chờ trong A Case Of You, California, Carey, All I Want… Bà chơi guitar, dulcimer, piano và đoạn dạo đầu trong bản My Old Man mà khi nghe qua một lần thì chẳng thể quên.

Năm 1975, Joni Mitchell cho ra đời Hissing Of Summer Lawns. Theo đánh giá của nhiều người, đây là album xuất sắc nhất trong sự nghiệp. Thể hiện phong cách avantgarde rõ ràng nhất, Joni đã đưa vào album những giai điệu jazz tinh tuyền, tiếng trống châu Phi vang vọng, những âm thanh synthesizer khi đó còn khá mới mẻ. Đến lúc này, không một nghệ sĩ đương đại nào còn theo kịp Joni về khả năng sáng tác ngoại trừ cây đại thụ Bob Dylan. Nghe Joni hát jazz cũng rất lạ. Giọng hát của bà không trầm ấm, không khàn khàn, cũng không thật trong trẻo. Nó nghẹn lại, như tiếng nức nở, như tiếng khóc than, da diết đến gai người. Mới nghe có khi không nhận ra đó là jazz, bởi nó quá gay gắt. Xen lẫn vào đó là tiếng guitar folk bập bùng nhưng thật hay, thật quyến rũ.

Tuy lượng đĩa bán ra thị trường không nhiều so với các nghệ sĩ đương thời, nhưng các tác phẩm của Joni Mitchell có tính độc lập và được giới phê bình đánh giá cao, đồng thời mang tính thử nghiệm, tìm tòi những vùng đất mới, bên ngoài lãnh thổ nhạc đại chúng.

Năm 1982, Joni cho ra đời album xuất sắc Wild Thing Run Fast, gặt hái thành công cả về thương mại và nghệ thuật. Đây là món cocktail rock – jazz độc đáo và hấp dẫn. Tâm điểm của Wild Thing Run Fast là bản Chinese Café, trong đó Joni đã hát lại một đoạn của ca khúc kinh điển Unchained Melody (nhóm Righteous Brothers). Trong 2 thập niên 80 – 90 (thế kỷ XX), dù dành nhiều thời gian cho hội họa, Joni cũng kịp cho ra mắt thêm nhiều album mới, nổi bật nhất là Turbulent Indigo, đoạt giải Grammy 1996 dành cho Album pop xuất sắc nhất. Hội họa và các họa sĩ là chủ đề chính của Turbulent Indigo, còn chất nhạc thì lấy pop làm chủ đạo, sau đó phát triển trên nền acoustic với guitar thùng và giọng hát. Bìa album này (và hầu hết album khác của Joni Mitchell) do bà tự vẽ chân dung bản thân, mô phỏng bức chân dung tự họa của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh (sau khi ông cắt tai).

joni3

Năm 2007, Herbie Hancock, nghệ sĩ jazz piano lừng danh đã đoạt giải Grammy cho album của năm vớiRiver: The Joni Letters – tác phẩm tôn vinh Joni Mitchell. Và khách mời đặc biệt trong album chính là người được tôn vinh. Đây là album jazz thực sự xuất sắc, dù không dễ nghe. Ca khúc quá quen thuộc Both Sides Now được chuyển soạn thành bản hòa tấu jazz đương đại và Herbie Hancock cùng ban nhạc của ông đã chơi như lên đồng. Khúc solo với cây tenor saxophone của Wayne Shorter khiến người nghe “nổi gai ốc” và nhớ đến nghệ sĩ huyền thoại Ben Webster.

Nhạc của Joni Mitchell đến với Việt Nam không nhiều, khoảng vài ba album. Quan trọng nhất có lẽ là Hít – tổng hợp những ca khúc hay nhất trong sự nghiệp của Joni Mitchell. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm mua một album tổng hợp khác là Travelogue và album đoạt giải Grammy 1996 Turbulent Indigo. Độc giả có thể tìm mua đĩa của Joni Mitchell trên trang web Amazon hoặc download các file nén dạng MP3 (có bản quyền). Thật đáng tiếc, Joni Mitchell chưa bao giờ là tên gọi thân thuộc với đa số dân ghiền nhạc ở Việt Nam, dù bà là một trong những biểu tượng âm nhạc lớn thế kỷ XX.

Nhật Ngân (Nghe Nhìn Việt Nam)