Hãng điện tử Philips, Hà Lan và Sony, Nhật Bản được coi là cha đẻ của đĩa compact disc, vẫn thường gọi là CD. Hình dạng và thiết kế của CD được lấy cảm hứng từ chính những chiếc đĩa than (vinyl). Tương tự như các rãnh ghi trên đĩa than được “đọc” bằng đầu tết (cartridge), các rãnh trên CD được “đọc” bằng mắt laser (laser optical lens). Những ánh sáng phản chiếu từ các rãnh trên bề mặt đĩa được mã hoá thành hàng triệu các con số 0 và 1 để tạo thành một file kỹ thuật số.Do các rãnh này được phủ một lớp nhựa và ánh sáng laser không bao giờ làm mòn rãnh đĩa, khác với đĩa than, sau mỗi lần chạy rãnh đĩa bị mài mòn và rộng ra do tác động của đầu kim, chất lượng suy giảm sau các lần nghe, trong khi đĩa CD không chịu ảnh hưởng mài mòn cơ học nên có thể lưu trữ chất lượng âm thanh như ban đầu.
Dung lượng của đĩa CD là một vấn đề gây khá nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng dung lượng càng lớn càng tốt, trong khi đó, hãng Sony lại muốn nó chỉ đủ để có thể lưu trữ được bản giao hưởng Số 9 của Beethoven. Pieter Kramer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quang học của Philips, cho biết một cuộc hội thảo bàn tròn đã được thực hiện chỉ để bàn về việc đĩa CD có dung lượng bao nhiêu là đủ. Việc sản xuất hàng loạt tại Đức là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử của đĩa CD.Năm 1982, Philips và Sony công bố sản phẩm của họ đã sẵn sàng để ra mắt thị trường. Những chiếc đầu đĩa CD bắt đầu được bán ra vào mùa thu năm ấy, và phải đến mùa xuân năm sau, những chiếc đĩa này mới vượt đại dương đến với nước Mỹ, thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới.Sony bán chiếc đầu đĩa CD đầu tiên tại Nhật vào ngày 01/10/1982, bằng ca khúc “52nd Street” của Billy Joel và là album CD đầu tiên hãng đĩa CBS. Không lâu sau khi ra đời, CD đã tạo ra một cơn sốt trên thị trường. Sony bán được nhiều đầu đĩa hơn, đặc biệt là khi series “Discman” của hãng được giới thiệu vào năm 1984. Philips cũng được lợi từ doanh số bán CD nhờ vào hãng thu âm Polygram. (Polygram sau này trở thành một công ty con thuộc hãng lớn Universal Music).
Lucas Covers, Giám đốc marketing của Phillips phát biểu rằng, “CD là một sản phẩm dễ dàng xâm nhập thị trường không chỉ vì chất lượng âm nhạc của nó mà còn vì những chiếc đĩa CD trông giống như một món đồ trang sức khi so sánh với những chiếc đĩa than trước đây”.Năm 1986, những chiếc đầu đĩa CD (cd player) lần đầu tiên vượt đầu đĩa than (turntable) về số lượng bán ra và 2 năm sau, những chiếc đĩa CD chính thức đẩy đĩa than lùi vào dĩ vãng. “Đó là một bước ngoặt lớn trên thị trường” – ông Covers nói.Kramer tỏ ra hài lòng khi chứng kiến CD đã đi được một đoạn đường dài đến như thế và nói rằng, “Bạn sẽ không bao giờ biết một chuẩn sẽ tồn tại được trong bao lâu. Nhưng rõ ràng CD là một chuẩn khá hoàn hảo và nó sẽ vẫn mãi là như vậy cho dù một ngày nào đó sẽ có những dạng chuyển tải âm nhạc mới ra đời”. Và thực tế, ngày nay âm nhạc trực tuyến đang trở thành một phương thức truyền tải nội dung lấn lướt định dạng CD và LP, mặc dù vậy thì về chất lượng âm thanh thì còn thua xa…Chiếc đĩa CD thương mại đầu tiên trên thế giới chính là album CD Frédéric Chopin – Valses do Claudio Arrau trình diễn Piano và Klavier, mã số 400 025-2 do Philips phát hành 1982 chứ không phải như nhiều người trước đây vẫn lầm tưởng là đĩa The Visitors của ABBA và Alpine Symphony của Richard Strauss dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Herbert von Karajan.Những CD đời đầu của Philips lúc đó thường có mặt sơn xanh da trời nhạt (hay còn gọi là “mặt xanh” hoặc các màu sơn như đỏ, đen…, ngày càng trở nên quí hiếm. Các hãng đĩa cũng có những màu sắc mặt đĩa đặc biệt để ghi dấu những bản phát hành lần đầu.Ngoài hình thức mặt đĩa, người chơi còn đặc biệt quan tâm tới phôi đĩa. Phôi đĩa có liên quan tới độ bền và chất lượng âm thanh. Những phôi đĩa được đánh giá cao như Matsushita, Sanyo, JVC, Interpress, phôi chữ dập nổi, phôi full silver, phôi răng cưa, phôi hoa thị, phôi ba góc, phôi hai chấm vuông… chủ yếu là made in Germany, USA, Japan.Ban đầu, các hãng đĩa của Mỹ tỏ ra hoài nghi về thành công của đĩa CD. Nhưng chỉ một năm sau khi đĩa CD ra đời, đã có 1.000 nội dung khác nhau được ghi trên định dạng CD. Brothers In Arms của ban nhạc Dire Straits năm 1985 là đĩa CD đầu tiên bán được hơn một triệu bản. Cho đến thời điểm này, nó vẫn là album CD thành công nhất thế giới. Vào giai đoạn 1982-1989, những CD phát hành ở Nhật và pressing cùng lô với đĩa Âu/ Mỹ thì có chất lượng tốt, thí dụ như các album CD của Pink Floyd “mặt đen” như, The Wall (mã CDP 7 46036 2 – 1984), Wish You Were Here (mã CDP 7 46036 2 – 1984), The Dark Side Of The Moon (mã CDP 7 46001 2 – 1984), bị truy lùng ráo riết tới tuyệt chủng vì chất lượng của chúng.Những đĩa phát hành lần đầu và sử dụng các phôi nói trên thường có giá cao hơn nhiều so với các đĩa phát hành sau này. Đặc biệt là các đĩa có giá trị sưu tầm thì nhiều khi có giá rất cao, lên tới hàng ngàn đô-la Mỹ, song vẫn rất khó kiếm.Chất lượng đĩa ở đây là đề cập tới chất lượng nội dung âm nhạc và chất lượng âm thanh của đĩa. Điều này liên quan đến nhiều vấn đề như nội dung âm nhạc, nghệ sỹ trình diễn, người làm bản gốc master, hãng đĩa phát hành…
Tạm thời không bàn tới nội dung âm nhạc và người thể hiện vì mọi thứ đã được ghi rõ trên bìa đĩa và gu nhạc của từng cá nhân. Vấn đề cần quan tâm ở đây là đĩa do hãng nào phát hành. Tại sao lại bàn về hãng đĩa bởi hãng lớn, có truyền thống và uy tín có được nhiều bản thu gốc tốt và độc quyền sẽ cho ra những album hay, chất lượng. Những hãng lớn, có uy tín về cổ điển như EMI, HMV, Philips, Deca, Deutch Gramophone, Jazz có Pablo, Verve, Concord…Tiếp đến phải kể tới đĩa được sản xuất ở đâu. Thường thì các bản made in Germany, Japan, UK hay Austrice, France có chất lượng âm thanh tốt hơn cả. Đặc biệt là làm tại Đức và Nhật trong thời kỳ đầu. Cũng giống như đĩa CD phát hành những năm đầu của thập niên 1980 ở Âu, Mỹ, đĩa làm tại Nhật có chất lượng rất cao và có giá trị sưu tầm. Các hãng sản xuất rất chú trọng tới việc làm master sao cho thật gần với bản gốc nhất, âm thanh tự nhiên analog nhất. Những đĩa đời đầu thường có âm thanh trong, sạch và nghe nhẹ, thanh thoát hơn so với những bản phát hành sau này. Các đĩa tái bản và phát hành mới sau này thường làm âm thanh theo thị hiếu nên ít nhiều thay đổi so với bản phát hành đầu tiên. Do vậy, giá của các đĩa đời mới thường rẻ hơn so với đĩa đời đầu.
Hiện nay một số CD đã mang giá trị sưu tầm có giá hàng ngàn USD và ngày càng khó tìm. Tại Việt Nam cũng không là ngoại lệ, có những đĩa CD nhạc hải ngoại có giá lên tới 40 triệu đồng một chương trình.
Một số định dạng CDHybrid SACD
Đĩa gồm 2 lớp: lớp CD và lớp SACD, chơi trên mọi đầu đọc CD – Hybrid SACD plays all on CD and SACD Players. Công nghệ SACD của Philips và Sony. Âm thanh chi tiết, tĩnh, sân khấu rộng, vocal sắc nét hơn so với CD. Vỏ đĩa thường là Jewel box rất đẹp, bo tròn các góc cạnh, dễ vỡ khó thay xịn.LPCD:CD lòng đen, công nghệ Hong Kong, Trung Quốc. Âm thanh khá mộc.SHM CD:Super High Material Compact Disc – CD có chất liệu siêu cao. Công nghệ hiện tại chỉ có ở Nhật. Phôi đĩa đẹp. Âm thanh tốt hơn so với HQCD.Crystal CD:Đĩa Pha lê là định dạng còn khá mới mẻ trên thị trường, công nghệ của Nhật, có giá thành rất cao. Âm thanh rất tốt và đặc biệt đẹp.24K Gold CD:Phôi đĩa mạ vàng 24K nên có độ bền cao gấp 2-3 lần đĩa thường. Âm thanh tự nhiên, tĩnh, chi tiết và tuyến cao rất tốt, dịu êm.XRCD:Extended Resolution Compact Disc – Đĩa có độ phân giải cao là công nghệ làm chủ quy trình chuyển đổi từ Analog sang Digital của JVC được ứng dụng trên đĩa CD bắt đầu từ năm 1995. Trước 1995 trên cơ sở lý thuyết thì chuyển đổi từ Analog sang Digital chất lượng âm thanh không thay đổi … Nhưng các kỹ sư của JVC đã chứng minh được sự suy giảm chất lượng âm thanh từ A sang D và ngược lại do nhiều yếu tố khác nhau, JVC đã làm chủ kỹ thuật từ thu âm, master… và khi đó họ đã bán đĩa XRCD với giá cao gấp hai lần CD thường.Quá trình hoàn thiện công nghệ XRCD bắt đầu từ công nghệ K2 vào năm 1987. Các kỹ sư âm thanh của JVC đã nghiên cứu xử lý thông tin giúp nâng cao chất lượng âm thanh. K2 là hai chữ cái đầu của Kuwaoka (Victor Company) và Knai (Victor Studio), hai kỹ sư đã phát minh ra công nghệ này.
Mốc thời gian của công nghệ:1987: K2; 1993: 20 bit K2; 1995: 20 bit K2 Pro; 1995 – 1996: XRCD; 998: XRCD K2 – XRCD2; 2002: XRCD 24; 2007: K2HD; 2016: K2HD Pro.: viết tắt như trên và 24Bit. Công nghệ của JVC Japan.
Âm thanh dày dặn, bass mềm, trung cao và cao tốt.
Direct Cut 1:1 do hãng TIS, sản xuất tại Hong Kong, thu âm trực tiếp 1-1. Âm thanh tốt, nhiều người thích để thử máy.
Sự so sánh về chất âm nói trên chỉ mang tính tương đối về cùng một album nhạc. Mỗi định dạng đĩa, mỗi chất liệu phôi đĩa đều có chất lượng và màu âm khác nhau trong cùng một chương trình. Sự đa dạng này là “khẩu vị” thích hợp cho gu nghe của riêng từng người. Hay hoặc chưa hay là do mỗi cá nhân tự trải nghiệm và kiểm chứng. Theo nhiều audiophiles sành chơi thì mỗi dịnh dạng đều có những điểm mạnh riêng, tương thích với từng hệ thống giàn máy của cụ thể, không mang tính áp đặt. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay trên thế giới, cùng như ở Việt Nam là quay về “cội nguồn” – tức là đi tìm những đĩa CD thường có nội dung âm nhạc hay, nghệ sỹ trình diễn tốt và phát hành lần đầu để thưởng thức và sưu tập.
Nguồn: ĐTTD