Được đánh giá là cây bút sắc sảo nhưng ít ai biết rằng cứ hễ căng thẳng hay muốn tìm thêm cảm hứng sáng tác, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng lại gác bút lại và đi tìm máy hàn xì để tự chế ampli nghe nhạc.

Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng vốn là con nhà nòi nghệ thuật. Anh sinh ra trong một gia đình có cha và mẹ là giảng viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Từ bé, Toàn Thắng đã sống trong không khí kịch nghệ của các bộ môn nghệ thuật Tuồng, Chèo.… 4 tuổi anh đã đứng trên sân khấu Tuồng với những vai ấu chúa. 10 tuổi nhận được đồng cát-xê đầu tiên và xuất hiện trong các chương trình Những bông hoa nhỏ của Đài truyền hình Việt Nam. Lớn lên, anh tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật văn chương gắn với thiếu nhi.

Nếu gặp ngoài đời, không giới thiệu chắc sẽ không ai nghĩ rằng, Nguyễn Toàn Thắng lại là nhà văn. Trông anh giống ‘dân kỹ thuật’ hơn ấy nhỉ! Trước nhận xét này Nguyễn Toàn Thắng cười phá lên rồi bảo ngoài chữ nghĩa văn chương, anh còn đam mê điên cuồng với loa, đài, ampli. Cứ hễ rảnh rỗi, căng thẳng hay cần tìm một cảm hứng để sáng tác, anh lại bật những chiếc loa tự chế ra để nghe nhạc, đôi khi còn lôi máy hàn xì để tự tạo những chiếc loa theo ý mình.

Mở cho tôi nghe những bài hát yêu thích, Nguyễn Toàn Thắng say sưa nói về thế giới âm thanh của anh. Anh bảo, chỉ cần một tách trà và vài điếu thuốc, anh có thể tiếp chuyện bất cứ ai về thú chơi âm thanh này từ sáng tới tối cũng không hết chuyện. Ở khu văn công Mai Dịch từ bé nên hàng ngày được ‘tắm’ trong bầu không khí nghệ thuật nên anh cũng mê mệt với âm thanh từ thủa nhỏ.

Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
Ngoài viết văn, Nguyễn Toàn Thắng lúc hứng thú còn diễn được cả kịch.

Chuyện của “Thắng loa”

Nguyễn Toàn Thắng kể, với mỗi loại đĩa, loại âm nhạc khác nhau thì người chơi âm thanh sẽ chế cho mình một bộ âm thanh khác nhau để thỏa mãn nhu cầu nghe càng lúc càng khó tính. Anh tâm sự, loa cũng mang “chất” của quốc gia chế tạo ra nó. Ví như loa Pháp giống như người Pháp, văn hóa Pháp lãng mạn, hào hoa nhưng dễ bị “nịnh tai”. Loa Anh thì kiểu dáng luôn cổ điển và thậm chí bảo thủ như người Anh, nhưng âm thanh thì cân bằng. Loa Đức thì luôn khiến người ta phải giật mình về độ chuẩn xác của nó. Loa Nga nồi đồng cối đá. Chính vì thú nghe nhạc cầu kỳ đến vậy nên Nguyễn Toàn Thắng được đánh giá là một trong những ‘chuyên gia thẩm âm’ cực tốt.

Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
Thắng ‘loa’ bên đống ‘đồng nát’ của mình

Được đi theo những cao thủ về loa từ nhiều năm nay nên Nguyễn Toàn Thắng có bề dày kinh nghiệm đáng nể để biến những thứ ‘đồng nát’ trở thành những chiếc loa độc lạ, mà có nhiều người trả rất cao nhưng anh cũng không bán, bởi anh quan niệm chơi là để cho mình, chứ bán đi bán lại thì cũng không bõ bởi mỗi đôi loa, anh đều đầu tư quá nhiều thời gian cũng như công sức. Chính vì đi sâu tìm hiểu về loa nên Nguyễn Toàn Thắng hiểu rõ về nguyên lý làm việc của từng loại loa.

 
 
 Chỉ cần ra chợ Giời săn được vài cái loa tốt, thùng loa thì tự thiết kế là anh đã có được một đôi loa cực rẻ nhưng chất lượng âm thanh lại tương đương với những bộ loa hàng chục triệu đồng. Hoặc khi lang thang ở những ‘chợ đồng nát’ điện tử ở Quan Độ (Bắc Ninh) thì mỗi chuyến ra về, Nguyễn Toàn Thắng thỉnh thoảng cũng bắt gặp những thứ tưởng chừng như vứt đi thường dùng cho dàn máy cassette, ti vi nhưng vào tay “Thắng loa” tiếng hát của nữ danh ca Phương Dung dường như trong trẻo hơn gấp bội, tiếng hát của Laura Fygi cũng mỹ miều chả kém. Có nhiều bộ còn rất độc mà kể cả dân chơi chuyên nghiệp khi nghe những âm thanh phát ra từ bộ loa ‘rẻ tiền’ của Nguyễn Toàn Thắng cũng phải nể phục.

Anh còn là “thủ lĩnh” của một nhóm chơi âm thanh gồm nhiều thành viên đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp, cùng sinh hoạt trên diễn đàn nghe nhìn Việt Nam có tên “Xã đoàn Gầm Cầu”. Nhóm chơi âm thanh của anh đã tổ chức được 3 kỳ thi ampli đèn rất có tiếng vang trong giới chơi âm thanh tự chế bởi chất lượng và thiết kế chỉ kém đồ hãng đôi chút nhưng giá thành thì thấp hơn hàng chục lần. Anh được anh em chơi âm thanh gọi thân mật là “Xã trưởng”, bởi kinh nghiệm cũng như cái tâm của anh trong việc tổ chức một sân chơi âm thanh lành mạnh và có tính cạnh tranh về kỹ thuật cao.

Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trong lần tham gia ngày hội âm thanh của Xã đoàn Gầm Cầu.

Được vợ nhờ…. loa

Ngôi nhà nhỏ của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, ngoài những đống sách to ‘đè chết người’ ra, anh còn bày la liệt những bộ loa tự chế và rất nhiều những nhạc cụ dân tộc khác. Nguyễn Toàn Thắng có thể hát chèo cực hay, đánh đàn dân tộc giỏi … Và chỉ những chiếc loa cực kỳ ưng ý, anh sẽ bày trong phòng ngủ để kể cả trong lúc ngủ, anh vẫn có thể đắm chìm với những bản nhạc yêu thích.

Hỏi anh chỉ yêu loa như vậy, vợ anh có ghen? Nguyễn Toàn Thắng lại cười. Anh kể thú chơi âm thanh đã như bà mối se duyên anh với người vợ bây giờ. Trong lần đi tìm tòi sách kỹ thuật để nghiên cứu về loa, anh gặp vợ anh tại trường Đại học Bách Khoa, lại có cùng sở thích nên 2 người nhanh chóng kết thân với nhau rồi nên vợ nên chồng. Nguyễn Toàn Thắng tiết lộ, vợ anh cũng là dân chơi âm thanh và khả năng thẩm âm cũng rất tốt.

Nói về âm thanh, Nguyễn Toàn Thắng như chìm đắm trong không gian của riêng mình. Lạc vào thiên đường đó, Nguyễn Toàn Thắng bảo nó không những giúp anh thư giãn mà còn nuôi dưỡng tâm hồn anh. Anh yêu tất cả những bộ loa của mình như những ‘đứa con tinh thần’ của mình vậy.

Những năm chơi âm thanh cũng giúp anh hoàn thành cuốn truyện dài “Chuyện tình chàng bán loa” rất được độc giả, nhất là dân chơi âm thanh yêu thích. 

Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
Những chiếc loa ampli ‘khỏa thân’ được chủ nhân bày la liệt trong phòng.
Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu

Bộ ampli mang tên EL34SE

Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
‘Em’ 6V6 yêu thích của Nguyễn Toàn Thắng
Nguyễn Toàn Thắng, thú chơi âm thanh, Xã đoàn Gầm Cầu
Nguyễn Toàn Thắng rất cưng ‘các em’ mà phải là khách quý mới được thưởng thức những đĩa nhạc được phát ra từ những bộ ampli này.

Theo: Vietnamnet.vn/Tình Lê